Cần hiểu đúng về Giấy phép xây dựng và sự cần thiết của việc cấp phép xây dựng
Giấy phép xây dựng là văn bản pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời công trình. Do vậy, Giấy phép xây dựng chính là căn cứ pháp lý căn bản giúp cơ quan quản lý Nhà nước quản lý xây dựng theo đúng quy hoạch, đúng thiết kế đô thị được duyệt.
Việc cấp phép xây dựng sẽ giúp các công trình bền vững và an toàn hơn (Ảnh: TL). |
Giấy phép xây dựng và những điều cần biết
Theo quy định của Luật Xây dựng 2014, ngoài 10 trường hợp được miễn cấp Giấy phép xây dựng, hầu hết các công trình xây dựng đều phải xin Giấy phép xây dựng mới có thể đi vào thi công xây dựng công trình. Giấy phép xây dựng chính là văn bản bảo đảm tính pháp lý cho công trình xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời.
Cũng theo Luật Xây dựng 2014, quy định về Giấy phép xây dựng còn có Giấy phép xây dựng có thời hạn và Giấy phép xây dựng theo giai đoạn. Theo đó, Giấy phép xây dựng có thời hạn là giấy phép cấp cho công trình, nhà ở riêng lẻ được sử dụng trong thời hạn nhất định theo kế hoạch thực hiện quy hoạch xây dựng. Giấy phép xây dựng theo giai đoạn là cấp phép xây dựng cho từng phần của công trình hoặc từng công trình của dự án khi thiết kế xây dựng của công trình hoặc của dự án chưa được thực hiện xong.
Theo Khoản 10, Điều 90, Luật Xây dựng 2014 không quá 12 tháng kể từ ngày cấp Giấy phép xây dựng, công trình phải được khởi công. Bên cạnh đó, sẽ thu hồi Giấy phép xây dựng nếu xây dựng sai so với giấy phép mà không khắc phục hậu quả theo thời hạn ghi trong biên bản xử phạt. Nếu sau 10 ngày, kể từ ngày có quyết định thu hồi nếu chủ đầu tư không nộp lại Giấy phép xây dựng thì Giấy phép xây dựng sẽ bị hủy.
Tại Điều 15, Nghị định 139/2017/NĐ-CP cũng quy định rõ ràng về hình thức xử phạt đối với các công trình xây dựng sai phép, không phép. Mức xử phạt có thể lên tới 50 triệu đồng và buộc tháo dỡ công trình.
Cũng theo Luật Xây dựng 2014, có 10 trường hợp sẽ được miễn Giấy phép xây dựng bao gồm: Công trình bí mật nhà nước, công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp và công trình nằm trên địa bàn của hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên; Công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND các cấp quyết định đầu tư; Công trình xây dựng tạm phục vụ thi công xây dựng công trình chính; Công trình xây dựng theo tuyến ngoài đô thị nhưng phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận về hướng tuyến công trình;
Công trình xây dựng thuộc dự án khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và được thẩm định thiết kế xây dựng theo quy định của Luật này; Nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở có quy mô dưới 7 tầng và tổng diện tích sàn dưới 500 m2 có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Công trình sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong công trình không làm thay đổi kết cấu chịu lực, không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng tới môi trường, an toàn công trình; Công trình sửa chữa, cải tạo làm thay đổi kiến trúc mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc;
Công trình hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng và ở khu vực chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn được duyệt; Công trình xây dựng ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt; nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, trừ nhà ở riêng lẻ xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa.
Việc hiểu rõ, hiểu đúng và nắm bắt các quy định pháp luật hiện hành về giấy phép xây dựng (như đối tượng phải xin cấp phép, điều kiện để được cấp phép, trình tự thủ tục xin cấp phép…) là rất cần thiết, giúp các chủ đầu tư tránh được những sai phạm đáng tiếc.
Căn cứ giúp cơ quan quản lý Nhà nước quản lý xây dựng theo quy hoạch
Mục đích của việc cấp phép xây dựng chính là tạo điều kiện cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân (gọi chung là chủ đầu tư) thực hiện xây dựng các công trình nhanh chóng, thuận tiện;
Đảm bảo quản lý việc xây dựng theo quy hoạch và tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan; bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường, bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa, các công trình kiến trúc có giá trị; phát triển kiến trúc mới, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc và sử dụng hiệu quả đất đai xây dựng công trình; Ngoài ra, đó còn là căn cứ để giám sát thi công, xử lý các vi phạm trật tự xây dựng, lập hồ sơ hoàn công và đăng ký sở hữu hoặc sử dụng công trình. Chính vì vậy, việc cấp phép xây dựng là vô cùng cần thiết và ảnh hưởng rất lớn tới bộ mặt đô thị nước ta.
Trao đổi về sự cần thiết trong việc cấp phép xây dựng, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, trước khi xây dựng, sửa chửa nhà cửa các chủ đầu tư nên tuân thủ theo Luật Xây dựng. Cần tìm hiểu rõ ràng về việc cấp phép, chỗ nào cần phải xin phép, chỗ nào không. Ngôi nhà chính là tổ ấm, nếu tổ ấm bền vững thì người sống trong đó mới có thể an toàn. Chính việc xin Giấy phép xây dựng giúp các chủ đầu tư xây dựng công trình của mình một cách bền vững, hợp pháp, có như vậy cộng đồng mới bình yên và chúng ta mới có một cuộc sống an toàn.
Thời gian vừa qua, nhiều công trình xây dựng vi phạm trật tự xây bị phát hiện thường dính lỗi như: Vi phạm xây dựng sai giấy phép, vượt số tầng được cấp phép, không tuân thủ quy hoạch chung, sai thiết kế. Thậm chí có những công trình còn xây dựng khi chưa được cấp giấy phép. Nhiều công trình bị phát hiện xây dựng sai phép, vượt tầng, sai thiết kế… khi công trình ở giai đoạn sắp xây thô xong và chuẩn bị hoàn thiện.
Có thể thấy rằng, ở nước ta hiện nay nhiều chủ đầu tư vẫn còn xây dựng theo kiểu bất chấp, “cố tình” không hiểu luật. Nhiều địa phương còn buông lỏng quản lý, giám sát. Do vậy, việc cấp phép và tăng cường công tác quản lý, kiểm soát các công trình xây dựng là hết sức cần thiết. Không quá nếu nói rằng việc cấp phép xây dựng chính là “kim chỉ nam” đối với các công trình xây dựng.
Về vấn đề này, theo kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, nếu công trình xây dựng vi phạm xây dựng không theo giấy phép thì Nhà nước cần có chế tài mạnh, một mặt phạt thật nặng, mặt khác cần chưng dụng cái tầng sai phạm đó để phục vụ cho lợi ích cộng đồng.
Nguồn: baoxaydung.com.vn