Cải thiện môi trường kinh doanh: Cắt giảm thủ tục hành chính trước
Đó là khẳng định của các chuyên gia khi nói về cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh hiện nay.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT), kinh tế 6 tháng đầu năm 2018 của cả nước phát triển khá cao, niềm tin của cộng đồng DN ngày càng được củng cố.
Theo đó, tính chung từ đầu năm đến nay, nền kinh tế đã đón nhận thêm 64.531 DN đăng ký thành lập mới, với tổng vốn 649.000 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2018. Kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê cho biết, có hơn 52% số DN được hỏi tin rằng tình hình sản xuất, kinh doanh của họ trong thời gian tới sẽ có xu hướng tốt hơn trong quý III/2018.
Còn tại Hà Nội, theo UBND TP Hà Nội, tính chung giai đoạn 2008 – 2017, tổng mức đầu tư toàn xã hội trên địa bàn TP đạt hơn 2 triệu tỷ đồng; riêng năm 2017, vốn đầu tư xã hội đạt hơn 308 nghìn tỷ đồng, gấp 2,85 lần so với năm 2008. Bức tranh thu hút đầu tư của Hà Nội diễn tiến theo hướng đa dạng và dồi dào hơn, với sự tham gia của khu vực tư nhân cũng như đầu tư nước ngoài. Đơn cử, TP có 115 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP) đang triển khai, hoặc chuẩn bị triển khai trong tương lai gần. Một số công trình, dự án hoàn thành, đi vào cuộc sống đã chứng tỏ hiệu quả của cách làm này, chủ yếu thuộc các lĩnh vực phục vụ nhu cầu cộng đồng như cung cấp nước, thu gom – xử lý rác, chất thải, công trình hạ tầng, giáo dục…
Đặc biệt, phát triển DN dân doanh trên địa bàn đạt kết quả rất tích cực. 10 năm qua, đã có hơn 177 nghìn DN thành lập mới, với tổng số vốn đầu tư 1,95 triệu tỷ đồng. Đến nay, đội ngũ DN Hà Nội đứng hàng đầu cả nước, với hơn 230 nghìn DN đăng ký hoạt động. Bên cạnh đó, Hà Nội tập trung thu hút đầu tư nước ngoài vào những lĩnh vực ưu tiên như công nghệ cao, dịch vụ tài chính – ngân hàng, du lịch, hạ tầng, bất động sản… với 19,1 tỷ USD. Đáng nói là, số vốn trên chiếm hơn 2/3 của tổng vốn đầu tư nước ngoài Hà Nội thu hút được trong 30 năm mở cửa. Bản thân những con số nói trên chứng minh cho hiệu quả thu hút nguồn lực tổng hợp của Hà Nội cũng như khẳng định vị thế là trung tâm kinh tế, thương mại đầu tàu của khu vực phía Bắc.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, trong sự phát triển đó vẫn còn có những hạn chế cần khắc phục để thúc đẩy sản xuất kinh doanh của DN hơn nữa. Chẳng hạn như, sau 4 năm đưa vào thực hiện, cơ chế một cửa quốc gia – cơ chế nền tảng để hiện đại hóa và cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động xuất nhập khẩu, nhưng chỉ mới triển khai được 47/245 thủ tục (chiếm 19% tổng số thủ tục xuất nhập khẩu).
Trong số 47 thủ tục đã được thực hiện, không ít trường hợp chưa điện tử hóa đồng bộ, thậm chí còn gây lúng túng, khó khăn hơn cho DN. Về cải cách trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, kết quả sau 3 năm thực hiện, số mặt hàng được loại khỏi diện kiểm tra chuyên ngành chỉ chiếm chưa đầy 6%.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cho rằng, cuộc cải cách vì DN phải được tiếp diễn với tinh thần quyết liệt, liên tục và hướng vào mục tiêu thiết thực, hiệu quả; xác định DN là đối tượng phục vụ. Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, gắn liền với trách nhiệm của người đứng đầu mỗi cơ quan quản lý cũng như tham mưu cho Chính phủ. Cũng cần xác định rằng, nếu thực hiện tốt công tác cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh sẽ tạo ra niềm tin với DN, từ đó huy động được nhiều nguồn lực cho phát triển.
Bên cạnh đó, DN mong muốn Chính phủ, Bộ Công Thương hoàn tất và sớm thực hiện các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sản xuất xuất khẩu. Các cơ quan quản lý cần duy trì việc cung cấp thông tin, tham vấn ý kiến của cộng đồng DN trong hoạch định cũng như thực thi chính sách…
Nguồn: baoxaydung.com.vn