Các nhà máy Trung Quốc đang ở trong tình trạng tuyệt vọng
Các nhà máy Trung Quốc đang ở trong tình trạng tuyệt vọng. Các nhà máy của Trung Quốc đang trở nên “gấp gáp và tuyệt vọng” khi mà những nhà bán lẻ Mỹ đang đẩy nhanh quá trình rời khỏi nước này trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang – theo nhận định của Walmart
Theo Spencer Fung, CEO của tập đoàn Li & Fung, Trung Quốc sẽ phải chứng kiến nhiều nhà máy đóng cửa hơn nữa do chiến tranh thương mại kích hoạt lên làn sóng tháo chạy sau khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị xáo trộn. Li & Fung – công ty thiết kế, cung ứng và vận chuyển nhiều loại hàng hóa tiêu dùng từ châu Á cho nhiều nhà bán lẻ lớn nhất thế giới như Walmart và Nike – đang bị các khách hàng Mỹ thúc giục hãy chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
“Các khách hàng Mỹ đang rất, rất lo lắng. Tất cả vốn đang phải chịu mức lợi nhuận biên khá mỏng và hầu hết đều bị ảnh hưởng mạnh bởi chiến tranh thương mại. Vì thế nếu nguồn cung lớn nhất tăng giá cả hàng hóa thêm 25%, họ thực sự lo lắng”, ông phát biểu trong buổi phỏng vấn với Bloomberg, ám chỉ mức thuế 25% mà Tổng thống Trump đe dọa sẽ đánh vào mọi hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Mặc dù Fung không chỉ rõ tên Walmart, nhà bán lẻ Mỹ là khách hàng lớn thứ hai của Li & Fung, đóng góp 7,6% doanh thu.
Làn sóng dịch chuyển chấn động
Đóng vai trò giống như bên trung gian kết nối các ông lớn bán lẻ của Mỹ với những nhà máy giá rẻ ở châu Á, Li & Fung đứng ở vị trí đặc biệt có một không hai để cảm nhận cơn địa chấn đang diễn ra trên toàn cầu. Mặc dù Mỹ và Trung Quốc đã nối lại đàm phán thương mại, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy chuỗi cung ứng toàn cầu – vốn lâu nay vẫn dựa vào Trung Quốc, nơi được mệnh danh là công xưởng của thế giới – đang biến đổi nhanh chóng và sẽ không bao giờ trở lại như cũ. Mới đây Intel tuyên bố đang xem xét lại chuỗi cung ứng toàn cầu của mình, trong khi Apple và Amazon cũng có động thái tương tự.
“Không ai đầu tư, không ai mua hàng. Chiến tranh thương mại khiến người ta ngừng đầu tư bởi không biết nên đổ tiền vào đâu”, vị CEO được đào tạo ở thung lũng Silicon chia sẻ. “Nhiều người đổ tiền vào Việt Nam chỉ vì 1 dòng Tweet” – Fung lấy ví dụ minh họa cho thói quen thông báo chính sách thương mại bằng mạng xã hội của Tổng thống Trump.
Tập đoàn có trụ sở tại Hồng Kông đang kinh doanh dựa vào giao dịch thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới dự báo nguồn hàng từ Trung Quốc sẽ giảm từ mức 59% trong năm 2015 xuống còn chưa đến 50% trong năm nay. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử con số giảm xuống dưới mức 50%.
Cơ hội cho Li & Fung?
Trong khi các nhà máy ở Trung Quốc bị thiệt hại, các nhà sản xuất ở những nước châu Á khác lại đang hưởng lợi. Fung lấy ví dụ các nhà bán lẻ Mỹ vẫn đang chuyển hướng sang Việt Nam, nhưng cũng nhấn mạnh các điểm đến mới chưa thể đạt được quy mô tương đương Trung Quốc để có thể hoàn toàn thay thế vai trò của công xưởng thế giới.
Đối phó với tình hình hiện nay, các công ty Trung Quốc cũng đang hạ giá và tạo cơ hội cho các thương hiệu tiêu dùng của châu Âu và Nhật Bản. Li & Fung khuyên các khách hàng không phải từ Mỹ nên tận dụng cơ hội và nhảy vào Trung Quốc. “Ở Trung Quốc có rất nhiều nhà máy ngày càng nhận được ít đơn hàng hơn, và họ đang đưa ra mức giá rất tốt”.
Trong 5 năm gần đây lợi nhuận của Li & Fung, công ty 113 năm tuổi, đã liên tiếp sụt giảm do sự trỗi dậy của các nền tảng thương mại điện tử như Alibaba và Amazon làm giảm bớt vai trò của người trung gian và nhiều khách hàng của công ty cũng phải đối mặt với tình cảnh đóng cửa hàng loạt. Fung dự đoán lợi nhuận hoạt động sẽ tiếp tục giảm trong năm nay, nhưng nhấn mạnh rằng đã chạm đáy.
Ông cho rằng việc chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy lại là một cơ hội để Li & Fung trỗi dậy trở lại. Với mạng lưới phủ khắp 50 quốc gia, công ty có thể giúp các nhà khách hàng dễ dàng dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc. Đồng thời, các khoản đầu tư vào công nghệ như mô phỏng bằng công nghệ tạo mẫu 3D sẽ giúp cắt giảm chi phí và thời gian.
Li & Fung đang trong giai đoạn cuối của kế hoạch cải tổ kéo dài 3 năm với mục đích tinh gọn lại bộ máy bằng cách thoái vốn khỏi các dự án không phải cốt lõi và tối ưu hóa bộ máy hoạt động.
Nguồn: Thu Hương (CafeF)