Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: “Xin cảm ơn các nhà đầu tư nước ngoài!”
Ngay trước thềm Hội nghị Tổng kết 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, điều đầu tiên ông muốn nói, đó là gửi lời cảm ơn tới các nhà đầu tư nước ngoài, những người đã đến, đầu tư và đóng góp lớn cho kinh tế – xã hội Việt Nam. Ông cũng mong muốn các nhà đầu tư tiếp tục đến đầu tư, ở lại lâu dài và đồng hành với con đường đi đến thịnh vượng của Việt Nam.
Thưa Bộ trưởng, ngày mai (4/10), Hội nghị Tổng kết 30 năm thu hút FDI sẽ chính thức diễn ra. Bộ trưởng có thể cho biết ý nghĩa của hội nghị này?
Đây là hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng để đánh giá lại hành trình 30 năm thu hút FDI của Việt Nam. 30 năm là một khoảng thời gian không dài đối với tiến trình phát triển của một đất nước, nhưng cũng là đủ để có thể đánh giá một cách khá toàn diện về kết quả thực hiện đường lối, chủ trương đúng đắn, sáng suốt của Đảng và Nhà nước ta, đó là mở cửa, thu hút FDI. Đánh giá toàn diện để thấy được những kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế, rút ra những bài học kinh nghiệm để từ đó đề ra định hướng chiến lược thu hút, quản lý và nâng cao chất lượng dòng vốn FDI, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn tới.
Gần 30 năm trước, năm 1991, tức là sau khi Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được ban hành hơn 3 năm, chúng ta đã lần đầu tiên tổ chức Diễn đàn Đầu tư Việt Nam mang tầm quốc gia, với sự có mặt của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và từ đó đến nay, cũng chưa tổ chức thêm một diễn đàn nào như vậy. Diễn đàn đó đã gây một tiếng vang lớn trong cộng đồng quốc tế và kể từ đó, các làn sóng đầu tư bắt đầu đổ vào Việt Nam.
Hội nghị lần này, bên cạnh việc đánh giá những thành tựu và đề ra định hướng chiến lược mới trong thu hút FDI của Việt Nam, có thể nói, cũng là một cơ hội để Việt Nam xúc tiến đầu tư trong giai đoạn tới với quy mô lớn hơn.
Bộ trưởng vừa nói tới định hướng chiến lược mới trong thu hút FDI tại Việt Nam. Vì sao lại đặt ra mục tiêu chuyển hướng chính sách thu hút FDI trong thời điểm hiện nay?
Mỗi thời kỳ, mục tiêu thu hút FDI mỗi khác. Thời gian đầu tiên sau khi Việt Nam bắt đầu mở cửa thu hút FDI, kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp bị đình đốn, thiếu lương thực và hàng tiêu dùng trầm trọng, chúng ta muốn thu hút FDI để khuyến khích sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, làm sao để tạo việc làm cho người lao động.
Giai đoạn tiếp theo, thu hút FDI để tập trung sản xuất hàng xuất khẩu, nhằm đảm bảo cán cân thanh toán quốc tế, tránh nhập siêu. Sau đó là tập trung vào thu hút các dự án công nghệ cao, thu hút vốn đầu tư của các tập đoàn xuyên quốc gia. Còn bây giờ cần phải bắt đầu chuyển sang một định hướng mới.
Cũng phải thấy rằng, sau 30 năm thu hút FDI, chúng ta đã giành được những thành tựu quan trọng. Khu vực FDI sau 30 năm đã trở thành một khu vực phát triển năng động nhất và ngày càng có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. Từ đóng góp vào đầu tư phát triển và trở thành một động lực tăng trưởng kinh tế, tới góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần hình thành một số ngành chủ lực của nền kinh tế, như viễn thông, dầu khí, điện tử…; khu vực này còn thúc đẩy và mở rộng thị trường xuất khẩu, chuyển đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, từng bước đưa Việt Nam vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế, môi trường đầu tư, kinh doanh theo các nguyên tắc của kinh tế thị trường, phù hợp với cam kết và thông lệ quốc tế; tạo việc làm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Hội nghị Tổng kết 30 năm thu hút FDI cũng là một cơ hội để Việt Nam xúc tiến đầu tư trong giai đoạn tới với quy mô lớn hơn. Trong ảnh: Tổ hợp Samsung Electronics Vietnam Thái Nguyên – SEVT. Ảnh: Đức Thanh
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, cũng vẫn còn có những hạn chế, bất cập trong thu hút FDI. Chẳng hạn, còn có hiện tượng doanh nghiệp chuyển giá, trốn thuế, gây ô nhiễm môi trường; tác động lan tỏa và liên kết giữa khu vực FDI và khu vực trong nước chưa được như kỳ vọng; định hướng thu hút FDI theo ngành, đối tác còn hạn chế; tuy đã thu hút được nhiều công nghệ tốt, nhưng chưa đạt được mục tiêu thu hút công nghệ cao, công nghệ nguồn, cũng như về chuyển giao công nghệ…
Tổng kết 30 năm thu hút FDI, nhìn về phía trước, chúng ta phải có chính sách để làm sao khắc phục được những tồn tại, hạn chế này. Hơn nữa, những thay đổi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu, khu vực và trong nước cũng đang đặt ra yêu cầu phải có những thay đổi trong định hướng chiến lược về thu hút FDI giai đoạn tới. Đó là chuyện quy mô dòng vốn FDI toàn cầu đang có xu hướng giảm, các hình thức và phương thức đầu tư phi truyền thống có xu hướng gia tăng. Chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ và chống tự do hóa thương mại đa phương cũng đang làm thay đổi xu hướng của dòng vốn đầu tư toàn cầu.
Và đặc biệt, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra nhanh chóng, có tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội của tất cả các quốc gia trên toàn thế giới, làm thay đổi mạnh mẽ từ tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ, phương thức kinh doanh đến cách thức tiêu dùng, cách thức giao tiếp, thậm chí làm thay đổi cả con người…
Tất cả những yếu tố này buộc chúng ta phải có định hướng thu hút FDI giai đoạn mới, đó là thu hút FDI phải gắn với phát triển bền vững, tăng trưởng xanh; gắn với quá trình cải cách, tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, với cách mạng công nghiệp 4.0; cũng như gắn kết với doanh nghiệp trong nước, tạo sức lan tỏa đến nền kinh tế; tập trung hơn vào các dự án công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên môi trường, giảm phát thải khí nhà kính…
Nhưng thưa Bộ trưởng, trong khi chúng ta đang bàn về những định hướng thu hút FDI giai đoạn tới, cũng đã có những quan điểm cho rằng, nên xem xét lại xem Việt Nam có cần thiết phải tiếp tục thu hút FDI nữa hay không?
30 năm qua, tất cả những thành tựu kinh tế – xã hội mà Việt Nam đạt được có những đóng góp không nhỏ của khu vực FDI. Nếu xác định được như thế rồi, thì chúng ta có thu hút FDI nữa hay không? Câu trả lời là có. Trong bối cảnh huy động các nguồn vốn từ bên ngoài như vốn ODA đang giảm dần, nguồn vốn đầu tư gián tiếp chưa ổn định, thì FDI tiếp tục giữ vai trò quan trọng.
Không chỉ là Việt Nam, mà tất cả các nước trên thế giới đều đang nỗ lực cải cách để tạo ra môi trường cạnh tranh nhằm thu hút FDI. Ngay cả Mỹ, các chính sách mới của Tổng thống Donald Trump cũng là kêu gọi các nhà đầu tư Mỹ trở về, cũng như để kêu gọi FDI từ các nhà đầu tư khác.
Dòng chảy FDI toàn cầu dù rất lớn, nhưng cũng chỉ có một con số nhất định, chảy vào đây thì không chảy vào chỗ kia. Bởi thế, để thu hút và sử dụng hiệu quả dòng vốn FDI, trước hết, phải tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế, cải cách hành chính, tư pháp; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo chuẩn mực thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; đảm bảo vận hành hiệu quả các loại thị trường; thúc đẩy thị trường hóa các nhân tố sản xuất; tập trung khắc phục bất cập về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực; phát triển hệ thống doanh nghiệp trong nước…
Hội nghị 30 năm FDI lần này cũng là để một lần nữa khẳng định với nhà đầu tư nước ngoài về điều đó. Quan điểm nhất quán của Chính phủ Việt Nam là, FDI là một bộ phận của nền kinh tế, Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút FDI và cam kết cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng và thuận lợi hơn nữa, để đồng hành với các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, một điều phải khẳng định, đó là trong thời gian tới, việc thu hút và sử dụng FDI phải đi vào thực chất hơn, cả về số lượng và chất lượng, theo cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó chú trọng chiều sâu; có trọng tâm, trọng điểm hơn; phải có bộ lọc nhất định chứ không thu hút, phát triển theo hướng hô hào thu hút theo chiều rộng, mà không quan tâm đến chất lượng đầu tư. Đồng thời, cũng sẽ có một số điều chỉnh về định hướng thu hút FDI theo ngành, lĩnh vực, địa phương, vùng, thị trường và đối tác cần.
Chẳng hạn, về ngành, lĩnh vực, ưu tiên thu hút FDI vào công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đặc biệt là các ngành nghề mới trên nền tảng công nghiệp 4.0… Tập trung thu hút các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia liên kết với doanh nghiệp trong nước hình thành và phát triển cụm liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị. Ngoài ra, vẫn tiếp tục thu hút FDI vào các ngành mà Việt Nam vẫn đang có lợi thế, như dệt may, da giày…, nhưng ưu tiên tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao, gắn với quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa.
Trong khi đó, về địa phương và vùng, thu hút FDI phù hợp với lợi thế, điều kiện, trình độ phát triển và quy hoạch từng địa phương trong mối liên kết vùng, đảm bảo hiệu quả tổng thể kinh tế – xã hội – môi trường.
Về thị trường và đối tác, mục tiêu là đa phương hóa, đa dạng hóa thu hút FDI từ các thị trường và đối tác tiềm năng. Khai thác có hiệu quả mối quan hệ với các đối tác chiến lược (đối tác toàn diện, đối tác chiến lược toàn diện), chú trọng các nước phát triển hàng đầu thế giới, các tập đoàn xuyên quốc gia nắm giữ công nghệ nguồn, tiên tiến và trình độ quản trị hiện đại. Bên cạnh đó, cần chủ động, theo dõi, đánh giá xu hướng dịch chuyển dòng FDI và công nghệ lạc hậu, không thân thiện với môi trường vào Việt Nam từ một số nước trong khu vực để lựa chọn thu hút các dự án đầu tư phù hợp với định hướng…
Thưa Bộ trưởng, nhân sự kiện tổng kết 30 năm thu hút FDI, Bộ trưởng muốn gửi thông điệp gì tới các nhà đầu tư nước ngoài?
Đầu tiên, tôi muốn gửi lời cảm ơn tới các nhà đầu tư nước ngoài, những người đã đến Việt Nam, đầu tư và đóng góp lớn cho sự phát triển của kinh tế – xã hội Việt Nam.
Điều thứ hai tôi muốn nói, đó là Việt Nam đang hội tụ đầy đủ các yếu tố thuận lợi nhất, tốt nhất để tới kinh doanh, đầu tư lâu dài. Các nhà đầu tư hãy tiếp tục đến Việt Nam, đầu tư, ở lại lâu dài và đồng hành với Việt Nam trên con đường đi tới thịnh vượng.
Nguồn: baodautu.vn