Bình Thuận: Tình hình thu hút đầu tư phát triển cụm công nghiệp
Để thu hút đầu tư hạ tầng CCN cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp, những năm qua, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển CCN.
Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Thuận (Khóa XIV) về phát triển công nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, xác định nhiệm vụ phát triển các cụm công nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung triển khai. Năm 2023, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao,… Trong nước, nền kinh tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn; nguồn lực đầu tư phát triển của tỉnh còn hạn chế, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội còn thiếu và chưa đồng bộ. Ngay từ đầu năm, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở ngành, địa phương nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng và thu hút dự án thứ cấp vào các cụm công nghiệp.
Theo quy hoạch được phê duyệt, đến nay trên địa bàn tỉnh có 36 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.182,8 ha. Trong năm 2023, Sở Công Thương đã triển khai thủ tục liên quan đến việc điều chỉnh tiến độ Cụm công nghiệp Thắng Hải 3 và điều chỉnh Quyết định thành lập Cụm công nghiệp Nghĩa Hòa; lũy kế, có 27/36 cụm công nghiệp được thành lập, trong đó 14/36 cụm công nghiệp có nhà đầu tư hạ tầng là doanh nghiệp. Hầu hết các địa phương đều có các cụm công nghiệp thành lập và triển khai đầu tư hạ tầng; trong đó một số địa phương đã có cụm công nghiệp đảm bảo về mặt bằng để thu hút đầu tư thứ cấp.
Ông Võ Văn Hoà – Giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận cho biết, Phương án phát triển cụm công nghiệp (CCN) của Bình Thuận đã được tích hợp và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Trong đó, Bình Thuận sẽ có 38 CCN, tổng diện tích đất được phân bổ 1.278,4 ha. “Chính phủ cũng cho Bình Thuận dự phòng diện tích 713 ha để phát triển CCN”, ông Võ Văn Hoà nói.
Hiện tỉnh có 27 CCN đang hoạt động thu hút 175 dự án vào đầu tư, diện tích trên 270 ha, tỷ lệ lấp đầy CCN đạt tương đối thấp, khoảng 36%. Các CCN cũng đang giải quyết một lượng lớn việc làm cho lao động địa phương, góp phần tăng sản xuất công nghiệp.
Về thu hút dự án đầu tư thứ cấp: Trong năm 2023, thu hút 02 dự án tại cụm công nghiệp Đông Hà: Dự án đầu tư sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ khác cho xe ô tô và xe có động cơ khác với công suất 1.200 tấn sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư đăng ký 25,46 tỷ đồng, diện tích 0,53 ha; dự án đầu tư nhà máy sản xuất nội thất, công suất 108.000 sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư đăng ký 27 tỷ đồng, diện tích 1,01 ha; lũy kế đến nay, có 27 cụm công nghiệp thu hút, bố trí hơn 175 dự án đầu tư với tổng diện tích 270,33 ha, chiếm 35,9% diện tích đất công nghiệp của các cụm, giải quyết việc làm cho khoảng 8.600 lao động tại địa phương.
Tuy nhiên, hiện nay công tác đầu tư xây dựng hạ tầng và thu hút dự án thứ cấp vào cụm công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế, một số cụm công nghiệp được thành lập triển khai đầu tư còn chậm trong khâu đền bù, giải phóng mặt bằng, giao đất cho nhà đầu tư còn kéo dài; hạ tầng thiết yếu như: giao thông, điện, nước,… đến hàng rào cụm còn thiếu và yếu, một số cụm đã được quan tâm đầu tư, nhưng do thiếu vốn nên đầu tư chưa được đồng bộ. Đồng thời, trong năm 2023 sau thời gian dài tác động của dịch bệnh Covid-19 và tình hình chính trị, kinh tế thế giới bất ổn đã ảnh hưởng đến một số chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp gây khó khăn về năng lực tài chính và tác động đến việc thu hút dự án đầu tư thứ cấp.
Để thu hút đầu tư hạ tầng CCN cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp, những năm qua, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển CCN. Trong đó, từ ngân sách địa phương, tỉnh đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào CCN như hạ tầng điện, cấp thoát nước, đường giao thông … Đồng thời, bám sát tiến độ triển khai thủ tục, thi công để hỗ trợ tháo gỡ những vướng mắc phát sinh cho nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương Bình Thuận cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý phát triển CCN, địa phương tiếp tục hoàn chỉnh bổ sung các quy định, chính sách theo Nghị định số 32/2024/NĐ-CP về Quản lý phát triển CCN (NGhị định số 23) cho đồng bộ, thông suốt.
Để phát huy những đóng góp tích cực của khu vực CCN đối với phát triển kinh tế-xã hội, Tỉnh uỷ tỉnh Bình Thuận đã ban hành Nghị quyết 09 về phát triển công nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó xác định mỗi địa phương đến năm 2025 có từ 1-2 CCN hoàn thiện hạ tầng. “Hạ tầng trong hàng rào do nhà đầu tư là chính, ngoài hàng rào chúng tôi đang tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ bằng những chính sách hữu hiệu”, ông Hoà một lần nữa nhấn mạnh.
Sở Công Thương Bình Thuận đang tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế hỗ trợ đầu tư kinh doanh hạ tầng môi trường CCN nhưng đang vướng một số quy định liên quan đến pháp luật môi trường, hiện đang chờ hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Riêng với Nghị định số 32/2024/NĐ-CP (Nghị định số 32) bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/5/2024, theo lãnh đạo Sở Công Thương Bình Thuận đã tích hợp khá đầy đủ với các quy định liên quan hiện hành. Tuy nhiên, căn cứ thực tế địa phương, ông Hoà vẫn băn khoăn một số vấn đề cần được Bộ Công Thương hướng dẫn cụ thể trong quá trình triển khai Nghị định số 32.
Thứ nhất, việc đầu tư hạ tầng CCN còn nhiều vướng mắc, trong đó để xác định chủ đầu tư thì nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng làm hai thủ tục, trong đó có một thủ tục do Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, một thủ tục Sở Công Thương tham mưu. Hiện hai thủ tục này chưa tích hợp được và đang gây mất nhiều thời gian thực hiện cho doanh nghiệp.
“Cần làm rõ thủ tục nào trước, thủ tục nào sau bởi thực hiện đồng thời rất khó với địa phương và doanh nghiệp khi triển khai. Thành phần hồ sơ của hai thủ tục này đề nghị nên hợp nhất thành một bộ và gửi cả hai Sở, để khi làm thủ tục thành lập cụm và thủ tục chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư trong CCN thống nhất”, ông Hoà đề xuất. Đồng thời nhấn mạnh, quy định về thành phần hồ sơ, thời gian thực hiện thủ tục hành chính để thành lập CCN, Bộ Công Thương đã ban hành quy định, địa phương sẽ cố gắng rút ngắn nhằm thuận lợi cho nhà đầu tư với điều kiện thành phần 2 hồ sơ thông nhau.
Thứ hai, trước đây, Nhà nước có đầu tư vốn ngân sách để đầu tư hạ tầng giao thông, cấp thoát nước trong một số CCN nhưng trong Nghị định số 32 chưa xác định cụ thể việc bàn giao ra sao. Với nội dung này, lãnh đạo Sở Công Thương Bình Thuận đề xuất, có thể giao cho chủ đầu tư hạ tầng CCN tiếp tục quản lý và xem đây là nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ nhưng thủ tục thực hiện phải thuận lợi cho nhà đầu tư.
Trên thực tế, vướng mắc của Bình Thuận soi chiếu vào Nghị định số 32 có thể thấy phần lớn thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp tỉnh. Nghị định số 32 đã phân cấp mạnh mẽ về cho địa phương. Hiện Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 32 đang được Bộ Công Thương rốt ráo hoàn thành, khi được ban hành hướng dẫn địa phương sẽ có căn cứ để triển khai các giải pháp tháo gỡ vướng mắc.
Nguồn: moitruongvadothi.vn