Bình Thuận: Thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp có những tín hiệu khởi sắc
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) Bình Thuận, dù tình hình còn khó khăn nhưng các chủ đầu tư hạ tầng và doanh nghiệp thứ cấp đã nỗ lực đạt kết quả tích cực trong nửa đầu năm nay…
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) Bình Thuận, dù tình hình còn khó khăn nhưng các chủ đầu tư hạ tầng và doanh nghiệp thứ cấp đã nỗ lực đạt kết quả tích cực trong nửa đầu năm nay…
Mới đây, tại Hội nghị giao ban chủ đầu tư hạ tầng và doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2024, Ban Quản lý các KCN Bình Thuận đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 1 dự án mới. Đó là dự án sản xuất văn phòng phẩm Shiny Circle Việt Nam có diện tích sử dụng đất 5 ha, với tổng vốn đầu tư 12 triệu USD và sẽ được triển khai tại KCN Hàm Kiệm I (huyện Hàm Thuận Nam). Đồng thời thông tin đây là đơn vị có vốn nước ngoài, thực hiện theo mô hình doanh nghiệp chế xuất, sản phẩm sản xuất hướng tới xuất khẩu sang thị trường châu Âu và châu Mỹ.
Việc trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án quy mô khá lớn tại hội nghị giao ban lần này như gởi đến tín hiệu khởi sắc và quyết tâm của địa phương trong cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy mạnh triển khai dự án trên địa bàn Bình Thuận.
Trước đó trong những tháng đầu năm 2024, các KCN của tỉnh tiếp tục thu hút thêm 2 dự án đầu tư mới với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1.045 tỷ đồng, gồm: Dự án sản xuất bao bì giấy có tổng vốn 50 tỷ đồng được đầu tư tại KCN Hàm Kiệm II, dự án xỉ titan với tổng vốn đầu tư 995 tỷ đồng đăng ký triển khai tại KCN Sông Bình. Bên cạnh đó còn có 1 dự án hoạt động trên lĩnh vực sản xuất, gia công nguyên phụ liệu giày dép (doanh nghiệp Thành Vượng) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 3,5 triệu USD… Tính đến nay, Bình Thuận đã thu hút gần 90 dự án thứ cấp của doanh nghiệp trong lẫn ngoài nước đầu tư tại các KCN, với tổng vốn đăng ký hơn 16.700 tỷ đồng và gần 195 triệu USD.
Cùng thời gian, Ban Quản lý các KCN Bình Thuận cũng ghi nhận có một số doanh nghiệp mới đi vào hoạt động là Công ty TNHH Sheh Fung Screws (giai đoạn 1) và Công ty Cổ phần Phước Thạnh. Như vậy thời điểm này, tại các KCN trên địa bàn tỉnh có 66 doanh nghiệp đã tham gia sản xuất – kinh doanh, trong đó không ít trường hợp quyết định đầu tư mở rộng quy mô. Như ngoài doanh nghiệp Thành Vượng điều chỉnh tăng vốn đầu tư tăng thêm còn có Công ty Transpacific, Công ty Hải Triều… Riêng Công ty cổ phần Chế biến gỗ xuất khẩu Khải Hoàn hoạt động tại KCN Phan Thiết giai đoạn 1 đang nghiên cứu vị trí phù hợp để đầu tư mở rộng sản xuất.
Bên cạnh thu hút dự án đầu tư thứ cấp, hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp tại các KCN ở địa phương trong 6 tháng qua vẫn được duy trì và có sự tăng trưởng so cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu của doanh nghiệp đạt 5.200 tỷ đồng, tăng 12,5%, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 130 triệu USD, tăng 14,3% và nộp ngân sách khoảng 135 tỷ đồng, tăng 25,5%. Đáng mừng là hầu hết các nhóm ngành hàng chủ lực như giày dép, may mặc, túi xách, hạt điều, thủy hải sản, thực phẩm, gỗ, giấy, khoáng sản… đều có đơn đặt hàng ổn định để sản xuất. Bà Đoàn Thị Mỹ Thạch – đại diện Công ty TNHH Quốc tế Right Rich (doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài tại KCN Hàm Kiệm II) cho biết trước đây lượng đơn hàng không tốt nên công suất hoạt động bị giảm sút. Nhưng từ đầu năm 2024 đến nay, đơn hàng dần phục hồi và tốt hơn nên dẫn đến tình trạng thiếu lao động. Hiện doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng khoảng 300 lao động…
Tuy nhiên tại các KCN, hiện vẫn có tình trạng doanh nghiệp hoạt động không liên tục, cầm chừng, doanh thu giảm so cùng kỳ năm ngoái, tập trung ở lĩnh vực chế biến và xuất khẩu thanh long, xoài sấy, phân bón, sản xuất thùng carton (phục vụ đóng gói thanh long)… Do vậy tới đây, Ban Quản lý các KCN Bình Thuận sẽ triển khai các nhóm giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn, cải thiện tình hình sản xuất – kinh doanh cũng như phấn đấu hoàn thành đạt và vượt kế hoạch đề ra từ đầu năm.
Theo ông Phùng Hữu Cư – Trưởng Ban Quản lý các KCN Bình Thuận, hiện nay “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông cơ bản đã được giải quyết khi tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết và Phan Thiết – Vĩnh Hảo đưa vào khai thác. Qua đó tạo cú hích lớn để thu hút đầu tư và góp phần kéo giảm giá thành chi phí đầu vào của các doanh nghiệp. Vì vậy cơ hội mở ra trong 6 tháng cuối năm 2024 và trong thời gian tới sẽ rất lớn…
Nguồn: moitruongvadothi