Bình Định đề xuất nâng công suất nhà máy chế biến sâu titan Easst Minerals lên 100.000 tấn/năm
(VNF) – UBND tỉnh Bình Định đề nghị Bộ Công Thương xem xét, bổ sung nâng công suất dự án Nhà máy chế biến sâu khoáng sản titan tại Cụm công nghiệp Bình Dương đến năm 2030 là 100.000 tấn/năm.
Đó là nội dung trong công văn UBND tỉnh Bình Định gửi Bộ Công thương đề xuất nâng công suất Nhà máy chế biến sâu khoáng sản titan tại Cụm công nghiệp Bình Dương, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định trong Quy hoạch khoáng sản Quốc gia đến năm 2030.
Theo UBND tỉnh Bình Định, dự án Nhà máy chế biến sâu khoáng sản titan Easst Minerals Bình Định do Công ty TNHH East Minerals Bình Định làm chủ đầu tư (đơn vị nhận chuyển nhượng từ Công ty cổ phần khoáng sản Biotan).
Dự án đang triển khai đầu tư, phát triển mở rộng dây chuyền sản xuất xỉ titan cho giai đoạn 1 (2023 – 2025) với công suất 48.000 tấn/năm (công suất hiện hữu là 12.000 tấn/năm), giai đoạn 2 (2025 – 2027) công suất 100.000 tấn/năm. Nguồn nguyên liệu phục vụ cho nhà máy được lấy từ các tỉnh và nhập khẩu nước ngoài.
Theo Quyết định số 1546/QĐ-TTg ngày 3/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn đến năm 2020, có xét tới năm 2030 công suất Cụm nhà máy xỉ titan thuộc Cụm công nghiệp Bình Dương được quy hoạch đến năm 2025 công suất chế biến là 48.000 tấn/năm và đến năm 2030 công suất chế biến vẫn là 48.000 tấn/năm.
Trong khi đó, Công ty TNHH East Minerals Bình Định dự kiến đầu tư, phát triển mở rộng dây chuyền sản xuất xỉ titan tại Cụm công nghiệp này cho giai đoạn 1 (2023 – 2025) là 48.000 tấn/năm (phù hợp với quy hoạch) và cho giai đoạn 2 (2025 – 2027) công suất là 100.000 tấn/năm (lớn hơn công suất được quy hoạch).
Để tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai đầu tư xây dựng phát triển dự án đảm bảo theo quy định của pháp luật, góp phần giải quyết việc làm và phát triển kinh tế – xã hội địa phương, UBND tỉnh Bình Định đề nghị Bộ Công Thương xem xét, bổ sung nâng công suất dự án Nhà máy chế biến sâu khoáng sản titan tại Cụm công nghiệp Bình Dương đến năm 2030 là 100.000 tấn/năm.
Nguồn: vietnamfinance