BIM và Computation – Liên kết hai xu hướng lớn trong ngành thiết kế xây dựng
Sáng ngày 28/7/2018 tại AGOhub, 12 Hoà Mã, Hà Nội sẽ diễn ra buổi nói chuyện với chủ đề ” BIM và Computation – Liên kết hai xu hướng lớn trong ngành thiết kế xây dựng ” trong chương trình “Cửa sổ Kiến trúc” do Cổng kết nối cộng đồng kiến trúc – xây dựng – nghệ thuật (AGOhub) cùng cộng đồng các văn phòng Kiến trúc phối hợp tổ chức.
Với sự phát triển theo cấp số mũ của công nghệ điện toán, sự chuyển biến của các ngành nghề trong xã hội ngày càng tăng tốc nhanh hơn, khó đoán nhưng cũng thú vị hơn trước. Các ngành nghề mới ra đời và cũng có nhiều ngành nghề cũ bị thay đổi mạnh mẽ về bản chấn, hoặc biến mất hoàn toàn.
Ngành xây dựng cũng không nằm ngoài xu hướng này, công nghệ điện toán góp phần tăng năng suất và hiệu quả của ngành thiết kế xây dụng, đồng thời đem đến cơ hội sáng tạo những giải pháp và hình thức kiến trúc mới. Công việc của kiến trúc sư khi kiến tạo không gian chưa bao giờ rộng mở đến thế, nhưng cũng chưa bao giờ có nhiều thách thức đến vậy do các công nghệ và phương thức thiết kế phát triển quá nhanh và quá nhiều so với những kỹ năng và kiến thức mà ngành giáo dục hiện nay có thể đáp ứng.
Trong khoảng một thập kỷ qua, hai trong số các xu hướng nổi bật của lĩnh vực thiết kế xây dựng là BIM và Computational Design.
BIM tập trung giải quyết các vấn đề nhức nhối hiện tại trong vòng đời của một dự án thiết kế xây dựng, trong các khâu thiết kế, lập hồ sơ, quản lý, phối hợp, vận hành. Nền tảng của BIM là một mô hình số hoá của dự án, trong đó các thông tin được liên kết lại với nhau nhằm cho phép các phần mềm có thể tự động hoá nhiều thao tác cơ bản, góp phần giảm sai sót, mâu thuẫn thông tin, hoặc kém hiệu quả do thông tin bị lập lại…
Trong khi đó, Computational Design tập trung khai thác các thuật toán và các nguyên lý giải quyết vấn đề trong ngành điện toán nhằm đưa ra các giải pháp thiết kế kiến trúc vốn không thể giải quyết bằng phương pháp lập luận, suy đoán và tiên lượng thông thường, để từ đó cho phép hình thành các hình thái và phong cách kiến trúc mới.
Hai xu hướng trên vốn phát triển khá độc lập với nhau. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chúng bắt đầu có xu hướng giao thoa với nhau. Những thuật toán thiết kế phức tạp bắt đầu có thể được hợp nhất với quá trinh làm việc theo BIM. Nhìn chung, điều này vẫn còn rất khó tiếp cận do tư duy thiết kế cần nhiều thay đổi, nhiều kỹ năng mới cần được trang bị cho người thiết kế, và công cụ vẫn còn thiếu, chưa hoàn thiện hoặc khó sử dụng. Mặc dù vậy, những bước tiến trong những năm vừa qua là rất đáng kể và đáng được quan tâm cập nhật.
Với sự tham gia của diễn giả Nguyễn Phước Long, buổi nói chuyện và thảo luận này sẽ mang đến cho người tham gia một cái nhìn rõ hơn về những gì đã, đang và sắp diễn ra với BIM và Computational Design trong ngành thiết kế xây dựng.
Kỹ sư Nguyễn Phước Long làm việc trong ngành Khoa Học Máy Tính. Anh hiện đang hoạt động nghiên cứu và giảng dạy trong lĩnh vực Computational Design tại Đại Học Stuttgart (Đức). Anh Long đã từng tham gia trực tiếp và gián tiếp vào nhiều dự án mang tính thử nghiệm với độ phức tạp cao, bao gồm có một vài dự án của Zaha Hadid Architects với hình thức kiến trúc tự do và sự dụng nhiều mặt cong phức tạp. Vốn là một người ủng hộ việc phổ biến, trao đổi và chia sẻ kiến thức chuyên ngành, anh Long đã và đang thực hiện nhiều buổi thuyết trình, giảng dạy và workshop tại nhiều nước gồm Anh, Đức, Mỹ, Tây Ban Nha, Áo, Hàn Quốc, và thông qua hình thức online. Anh Long cũng rất tích cực hoạt động trong cộng đồng Rhino/Grasshopper và Revit/Dynamo, đặc biệt trong mảng giảng dạy và phát triển các công cụ cũng triển khai các thuật toán ứng dụng Computational Design.
Để đăng ký tham dự, xin vui lòng truy cập tại đây.
Nguồn: AGOhub