Biến đổi lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài
Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày càng có những biến đổi lớn cả về quy mô và hình thức đầu tư. Điều này càng khiến thị trường Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn.
Từ bước chân của Warburg Pincus
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) vừa chính thức công bố khoản đầu tư hơn 370 triệu USD từ hai nhà đầu tư pháp nhân độc lập được quản lý bởi Warburg Pincus – công ty quản lý quỹ đầu tư vào vốn cổ phần tư nhân (private equity) hàng đầu thế giới, chuyên đầu tư vào các công ty có tiềm năng tăng trưởng dài hạn.
Theo Techcombank, khoản đầu tư mới là một phần trong nỗ lực tăng vốn từ nay đến tháng 6/2018 của Ngân hàng, theo đúng kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông phê duyệt. Giao dịch này sẽ cung cấp vốn giúp Techcombank hiện thực hóa những mục tiêu tăng trưởng kỳ vọng và tiếp tục củng cố vị trí ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, ngân khoản 370 triệu USD đã góp phần nâng tổng số cam kết đầu tư của các công ty do Warburg Pincus quản lý tại Việt Nam lên trên 1 tỷ USD.
Warburg Pincus bắt đầu đầu tư vào Đông Nam Á năm 2013 và Việt Nam là thị trường đầu tiên mà công ty đầu tư. Tại Việt Nam, Warburg Pincus đã đầu tư lớn vào Vincom Retail, đồng thời đã cùng Becamex IDC lập liên doanh với số vốn hơn 200 triệu USD để phát triển chuỗi logistics và bất động sản công nghiệp tại Việt Nam.
Bước đầu, liên doanh này đã quyết định đầu tư các dự án kinh doanh dịch vụ logistics, bất động sản công nghiệp tại Khu công nghiệp Bàu Bàng và Khu công nghiệp Mỹ Phước 3 (Bình Dương), với tổng vốn đăng ký là 135,3 triệu USD. Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho hai dự án này cũng vừa được UBND tỉnh Bình Dương trao cho Warburg Pincus.
“Khoản đầu tư của chúng tôi vào Techcombank khẳng định cam kết lâu dài và sự tin tưởng vững chắc đối với những triển vọng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam. Việt Nam là một trong những nước có thị trường ngân hàng tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á”, ông Jeffrey Perlman, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á của Warburg Pincus nói.
Có vẻ như, không chỉ Warburg Pincus nhận thấy sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam, trong đó có thị trường ngân hàng. Thông tin gần đây cho thấy, Ngân hàng KEB Hana (Hàn Quốc) vẫn ráo riết mua cổ phần của BIDV. Theo tờ Business Korea, để mở rộng kinh doanh tại Việt Nam, KEB Hana Bank đang tiến hành mua lại cổ phần của BIDV và hợp đồng này gần như đã được chốt khi bước cuối cùng của quá trình đã được Chính phủ Việt Nam chấp thuận.
Trước đó, trong năm 2017, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã ký hợp đồng bán 4,99% vốn sau phát hành cho Quỹ đầu tư PYN Fund Management (Phần Lan), trị giá gần 40 triệu USD. Còn Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), khi thực hiện IPO, đã hút được khoảng 250 triệu USD vốn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài… Một thông tin cũng rất đáng chú ý, đó là Techcombank vừa hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty Tài chính TNHH một thành viên Kỹ thương cho Lotte Card Co., Ltd của Hàn Quốc…
Đến bước xoay chuyển “cuộc chơi” FDI
Những động thái trên cho thấy, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày càng có những biến đổi lớn cả về quy mô và hình thức đầu tư; không chỉ trong lĩnh vực sản xuất, mà còn lan rộng sang các lĩnh vực tài chính – ngân hàng; không chỉ bằng đầu tư trực tiếp (FDI), mà còn thông qua góp vốn, mua cổ phần, qua các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) đình đám. Càng như vậy, địa điểm đầu tư Việt Nam càng tăng thêm sức hấp dẫn, “cuộc chơi” FDI tại Việt Nam càng xoay chuyển theo hướng ngày càng thú vị hơn.
Trên thực tế, trong khi dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thông qua góp vốn, mua cổ phần đã và đang gia tăng nhanh chóng, với 2 tháng đầu năm đạt trên 1,25 tỷ USD, tăng 102,5% so với cùng kỳ năm 2017 và dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh thời gian tới, thì đầu tư trực tiếp vẫn có sức hấp dẫn riêng. Bằng chứng là, liên tục các dự án FDI mới được cấp chứng nhận đầu tư hoặc khởi công xây dựng tại Việt Nam.
Mới đây nhất là sự kiện Hemaraj (Thái Lan) chính thức động thổ, khởi công xây dựng Khu công nghiệp WHA Hemaraj – Nghệ An, với vốn đầu tư 1 tỷ USD. Với quy mô 3.200 ha, Dự án dự kiến được phân kỳ thành 7 giai đoạn, trong đó giai đoạn I có vốn đầu tư 100 triệu USD, quy mô 498 ha, bắt đầu bàn giao cho khách hàng đầu tiên vào quý IV/2018.
“Đây là dự án khu công nghiệp đầu tiên của WHA Corporation PCL tại Việt Nam và vì vậy, sự kiện này là một cột mốc rất quan trọng đối với Tập đoàn”, ông David Nardone, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn WHA Corporation PLC nói.
Là một tập đoàn có nhiều kinh nghiệm trong phát triển khu công nghiệp ở Thái Lan, sự xuất hiện của Hemaraj tại Nghệ An được kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong thu hút FDI của Nghệ An, cũng giống như khi VSIP (Singapore) – nhà phát triển bất động sản công nghiệp hàng đầu tại Việt Nam hiện nay – phát triển các khu công nghiệp khắp cả nước, qua đó góp phần quan trọng để Nghệ An có thể làm nên “kỳ tích sông Lam”, như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng.
Một cái tên khác có lẽ còn “nổi” hơn cả Hemaraj, là AEON. Nhà đầu tư Nhật Bản này vừa chính thức động thổ Dự án AEON Mall Hà Đông (Hà Nội), với quy mô gần 98.000 m2, tổng vốn đầu tư đăng ký 192,5 triệu USD. Sau dự án này, AEON sẽ tiếp tục khởi công AEON Mall Hải Phòng, nhiều khả năng là trong quý II/2018, qua đó hiện thực hóa kế hoạch “kéo quân” ra thị trường phía Bắc của mình.
Trong khi đó, Bình Dương cũng vừa trao chứng nhận đầu tư cho hàng loạt dự án FDI, với tổng vốn đăng ký lên tới trên 435 triệu USD.
Những động thái trên sẽ được ghi nhận vào kết quả thu hút đầu tư nước ngoài trong 3 tháng đầu năm, được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố trong cuối tháng 3/2018. Và một điều chắc chắn, xu hướng là tích cực, hứa hẹn một năm 2018 tiếp tục thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.
Nguồn: Báo Đầu tư Online