Bên trong nhà ở dành cho công nhân giá từ 5 triệu đồng/m2 tại Hà Nam
Theo thống kế từ các Liên đoàn Lao động tỉnh và thành phố, hiện nay có 2,7 triệu công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất của cả nước thì mới chỉ có 5% công nhân được đáp ứng nhu cầu về nhà ở. Nghiêm trọng hơn là hầu hết ở các khu công nghiệp, khu chế xuất các vấn đề nhà trẻ, siêu thị, các công trình phục vụ đời sống tinh thần của công nhân còn thiếu rất nhiều.
Theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ triển khai từ năm 2017 đến năm 2020 là 50 Thiết chế công đoàn tại 50 tỉnh thành cả nước. Giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030 phấn đầu tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất đề có ít nhất 1 thiết chế công đoàn.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Xây dựng, đã có hơn 20 tỉnh, thành phố giới thiệu đất để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai đầu tư Dự án Thiết chế công đoàn như: Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Phú Thọ, Thái Nguyên, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Tiền Giang, Vĩnh Long…
Về nguồn vốn đầu tư, thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nguồn vốn để xây dựng Dự án nhà ở, khu đô thị cho công nhân sẽ được bố trí từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn tài chính công đoàn và vốn huy động hợp pháp khác trong đó chủ yếu là nguồn vốn tài chính tích lũy của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Mới đây nhất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kiểm tra việc triển khai đề án xây dựng thiết chế công đoàn tại khu công nghiệp Đồng Văn II (Hà Nam). Dự án được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng trên diện tích 4,5ha, gồm 20 tòa nhà năm tầng với gần 1.000 căn hộ.
Mỗi căn hộ rộng 30-45 m2 với đầy đủ tiện nghi, từ phòng ăn đến buồng ngủ, giá dao động 150-350 triệu đồng (đã có thuế VAT). Trong dự án có 01 nhà đa năng 500 chỗ, siêu thị công đoàn, phòng khám, nơi gửi trẻ, các công trình hạ tầng thể dục thể thao, thư viện, tư vấn pháp lý… Nếu hoàn thành nơi đây sẽ đáp ứng được tối thiêu 4.500 người ở.
Đại diện lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Toàn bộ số căn hộ sẽ được bán hoặc cho người lao động tại khu công nghiệp thuê. Đơn vị chủ quản đã thương thảo với các ngân hàng để người mua có thể vay vốn với lãi suất thấp. Cụ thể, Ngân hàng hỗ trợ tín dụng người mua với lãi suất 7,5%/ năm cho vay từ 10 – 20 năm. Ngoài ra công nhân còn được vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội với lãi suất 4,8% năm.
Thủ tướng đánh giá cao thiết chế công đoàn của tỉnh Hà Nam, lưu ý phải đảm bảo công nhân có thể mua với giá thành thấp nhất. Trước nhu cầu về nhà ở của công nhân, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị liên quan đảm bảo hoàn thành dự án vào cuối năm 2019.
Tỉnh Hà Nam có 8 khu công nghiệp với diện tích 2.534ha. Đến cuối tháng 4/2018, có 253 dự án đi vào sản xuất kinh doanh và 65 dự án đang xây dựng. Tổng số lao động trong các khu công nghiệp gần 60.000. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đạt hơn 48,6 triệu đồng/năm.
Một số hình ảnh nhà mẫu nhà ở dành cho công nhân có mức giá trung bình 5 triệu đồng/m2 được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giới thiệu tại Hà Nam:
Thiết chế công đoàn tỉnh Hà Nam.
Khu trưng bày căn hộ mẫu.
Bố cục không gian phòng khách nhà ở công nhân.
Phòng ngủ đơn và phòng ngủ dành cho hộ gia đình.
Khu vực nhà vệ sinh gọn gàng ngăn nắp.
Nguồn: baoxaydung.com.vn