Báo Cáo Tóm Tắt – Tình Hình Triển Khai Dự Án Công Nghiệp Tại Việt Nam Q2’2024
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý II năm 2024 tăng trưởng tích cực đạt 6.93% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 7.99% của quý II năm 2022 trong giai đoạn 2019 – 2024. Trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng là lĩnh vực có sự tăng trưởng tốt (tăng khoảng 8.29%, riêng ngành công nghiệp tăng 8.55%) và cũng cao hơn nhiều so với kịch bản đề ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP (6.6%). Nhìn chung, GDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6.42%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng của 6 tháng đầu 2022 (6.58%). Dự báo cả năm 2024 kinh tế Việt Nam có thể đạt mức khá khả quan, tăng trưởng GDP có thể đạt trong khoảng 6%-6.5%.
Tình hình thu hút đầu từ nước ngoài (FDI) trong quý 2 năm 2024 cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ cả về số lượng dự án, tổng vốn cấp mới và tổng vốn điều chỉnh. Trong đó, tổng vốn cấp mới đạt 9,537 triệu USD, tăng 46.9% so cùng kỳ năm trước, mức tăng trưởng cao nhất trong quý 2 giai đoạn 2020 – 2024. Tổng vốn điều chỉnh ghi nhận trong quý 2 năm nay tăng 35% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng trở lại sau sự sụt giảm mạnh vào quý 2 năm 2023. Bên cạnh đó, tổng số dự án tiếp tục tăng trong quý 2 năm 2024 đạt 1,538 dự án (tăng 18% so với cùng kỳ năm trước). Sự tăng trưởng này nhờ những lợi thế trong thu hút FDI từ cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực dồi dào, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư của Việt Nam.
Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đã tăng mạnh lên 54.7 điểm trong tháng 6, so với mức 50.3 điểm của tháng 5 và tháng 4, mức tăng cao nhất kể từ thời điểm đầu năm 2023. Điều này không chỉ cho thấy sức khỏe ngành sản xuất cải thiện tháng thứ ba liên tiếp, mà còn cho thấy các điều kiện kinh doanh đã mạnh lên đáng kể. Các điều kiện kinh doanh cải thiện mạnh hơn chủ yếu phản ánh tình trạng tăng của cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới vào thời điểm giữa năm.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2024 đạt 368 tỷ USD (tăng 16% so với cùng kỳ năm trước), chỉ thấp hơn một chút so với tổng kim ngạch 6 tháng đầu năm 2022 (371 tỷ USD) trong giai đoạn 2020 – 2024. Trong đó, giá trị xuất khẩu đạt 190 tỷ USD, cao nhất từ thời điểm năm 2020 đến nay, khu vực kinh tế nước ngoài vẫn là khu vực xuất khẩu chính (chiếm 71.9%).
Mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao là điện tử và điện thoại vẫn chiếm vị trí thứ nhất và thứ hai về giá trị xuất khẩu của Việt Nam giai đoạn 6 tháng đầu năm 2024 (chiếm thị phần giá trị xuất khẩu lần lượt 17.3% và 14.3%, tăng trưởng về giá trị lần lượt là 28.6% và 11.3% so với cùng kỳ năm trước). Về sản phẩm nhập khẩu, điện tử và máy móc, thiết bị vẫn đang là 2 mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam. Trong đó, giá trị nhập khẩu hàng điện tử đạt 48.8 tỷ USD (tăng 26.7%), máy móc & thiết bị đạt 22.2 tỷ USD (tăng 14.6%) trong 6 tháng đầu năm 2024.
Xét về lĩnh vực chế biến & chế tạo, số lượng doanh nghiệp mới thành lập tăng 8.2% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù, số liệu thống kê cho thấy các doanh nghiệp mới thành lập tăng nhưng số lượng công ty quay lại hoạt động giảm 5.5%, ngừng có thời hạn tăng lên 13.8% và giải thể tăng 6.8% trong 6 tháng vừa qua. Điều này cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều thách thức, đặc biệt trong việc tiếp cận dòng tiền, thị trường xuất khẩu và đơn hàng. Tuy nhiên tình hình Quý III vẫn được nhận định theo chiều hướng tích cực khi có tới 41% doanh nghiệp đánh giá tốt hơn và 42% doanh nghiệp nhận định kinh doanh giữ ổn định (40,7% tốt hơn, 42,2% giữ ổn định) theo khảo sát của Tổng cục thống kê về dự báo tình hình kinh doanh Quý III/2024 so với Quý II/2024.
Tình hình các dự án xây dựng công nghiệp cấp mới Q2.2024
Sau giai đoạn giảm thu hút đầu tư do ảnh hưởng của đại dịch, đến nay thu hút đầu tư FDI đã phục hồi rõ rệt và trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Việt Nam. Giai đoạn nửa đầu năm 2024, thu hút đầu tư FDI ghi nhận mức tăng trưởng rất cao, cao nhất trong giai đoạn 5 năm trở lại đây về cả số lượng dự án và tổng mức đăng ký đầu tư.
Xét về số lượng dự án, giai đoạn 6 tháng đầu năm 2024 số lượng dự án đăng ký cấp mới FDI ghi nhận mức tăng 47% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó tổng mức đăng ký đầu tư trong giai đoạn này cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao (tăng 30.7% so với cùng kỳ năm 2023). Đây là các mốc tăng trưởng rất tốt, cho thấy tiềm năng của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư công nghiệp, đặc biệt đối với các doanh nghiệp FDI.
Trong giai đoạn từ năm 2022 đến nay, xu hướng tăng trưởng các dự án FDI thuê xưởng vẫn đang tiếp diễn. Hai Quý đầu năm 2024, loại hình nhà xưởng vẫn tiếp tục thu hút nhiều Nhà đầu tư quan tâm và lựa chọn. Cụ thể, Quý 1/2024 số lượng dự án thuê nhà xưởng tăng 24% so với Quý IV/2023, Quý II năm nay ghi nhận mức tăng nhẹ (8.2%) so với Quý I. Tổng mức đầu tư của các dự án thuê xưởng cũng được duy trì tốt các Quý gần đây. Mức vốn đầu tư trung bình của các dự án thuê xưởng ghi nhận con số khá ổn, ở mức khoảng 2.5 triệu USD/dự án, so với mức 1.8-2 triệu USD giai đoạn các Quý đầu năm 2022 thì có thể thấy quy mô đầu tư của các dự án thuê nhà xưởng đang có xu hướng tăng khá tốt.
Các dự án thuê đất đang có xu hướng tăng trưởng trở lại so với giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đặc biệt vào giai đoạn hai quý cuối năm 2023. Hai quý đầu năm 2024 ghi nhận sự giảm nhẹ về số lượng dự án và tổng mức đăng ký đầu tư. Cụ thể, Quý I/2024 số lượng dự án thuê đất giảm nhẹ 9% so với Quý IV/2023 và sang Quý II/2024 tiếp tục giảm 8% so với thời điểm Quý I/2024. Nhìn chung, các dự án thuê đất đang cho thấy dấu hiệu phục hồi sau giai đoạn ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 song trong bối cảnh tỷ lệ lấp đầy các quỹ đất công nghiệp cao, nguồn cung mới hiện vẫn đang gặp một số khó khăn trong vấn đề thủ tục và triển khai cũng sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của các dự án thuê đất công nghiệp trong tương lai.
Điện tử, kim loại và nhựa, cao su vẫn tiếp tục là 3 ngành nghề thu hút đầu tư FDI nhiều nhất trong nửa đầu năm 2024. Theo sau là các dự án ngành dệt may, thiết bị điện. Xét riêng top 3 dự án nửa đầu nửa đầu năm 2024, trong cùng kỳ 5 năm trở lại đây, điện tử là ngành nghề luôn giữ vững vị trí đứng đầu về số lượng dự án từ năm 2020 đến 2024. Trong 6 tháng đầu năm 2024, số lượng các dự án điện tử tăng khoảng 71% so với cùng kỳ năm 2023. Kim loại là ngành nghề thu hút đầu tư lớn thứ hai, số lượng dự án ngành kim loại trong nửa đầu năm 2024 tăng 61.6% so với cùng kỳ năm 2023. Nhựa, cao su mặc dù không ghi nhận số lượng dự nhiều như hai ngành trên, nhưng tốc độ tăng trưởng khá tốt (6 tháng đầu năm 2024 số lượng dự án nhựa, cao su đầu tư vào Việt Nam tăng 42% so với cùng kỳ năm 2023).
Tình hình triển khai các dự án xây dựng công nghiệp trong 05 năm trở lại đây
Theo dữ liệu hệ thống HOUSELINK, nhìn chung số lượng dự án công nghiệp thuê đất có quy mô đầu tư mỗi dự án từ 2 triệu USD trở lên có xu hướng tăng trưởng tốt giai đoạn 6 tháng đầu các năm. Thời điểm 6 tháng đầu năm 2024 ghi nhận 439 dự án (tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023). Cũng trong nửa đầu năm 2024, xuất hiện 1 số các dự án ngành năng lượng, điện tử và thiết bị điện có vốn đầu tư khá lớn đang ở những bước đầu của công tác triển khai dự án.
Theo dữ liệu hệ thống HOUSELINK, nhìn chung số lượng dự án công nghiệp thuê đất có quy mô đầu tư mỗi dự án từ 2 triệu USD trở lên có xu hướng tăng trưởng tốt giai đoạn 6 tháng đầu các năm. Thời điểm 6 tháng đầu năm 2024 ghi nhận 439 dự án (tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023). Cũng trong nửa đầu năm 2024, xuất hiện 1 số các dự án ngành năng lượng, điện tử và thiết bị điện có vốn đầu tư khá lớn đang ở những bước đầu của công tác triển khai dự án.
Tổng quan tình hình triển khai các dự án chuẩn bị xây dựng tại Việt Nam
Theo dữ liệu hệ thống của HOUSELINK, các dự án xây dựng mới đang chiếm đa số. Xét riêng tổng mức đầu tư, các dự án xây dựng mới cao hơn gần 2 lần so với các dự án xây dựng mở rộng. Và số lượng dự án ghi nhận cũng cao hơn 40% so với các dự án mở rộng. Qua đây cho thấy sự tin tưởng của các nhà đầu tư mới khi quyết định đầu tư tại Việt Nam. Việt Nam đang dần trở thành cứ điểm đầu tư và thị trường lý tưởng để các Nhà đầu tư tạo lập cơ sở sản xuất kinh doanh, nhất là trong bối cảnh làn sóng các Công ty đang tìm kiếm địa điểm đầu tư mới nhằm tránh những rủi ro từ các cuộc xung đột kinh tế, chính trị toàn cầu và đa dạng, củng cố chuỗi cung ứng của mình.
Để đọc các báo cáo đầu tư ngành và thị trường xây dựng Việt Nam tại đây!