Báo cáo tóm tắt – Chuỗi cung ứng đầu tư – Ngành sản phẩm kim loại đúc sẵn tại Việt Nam 2024
Tổng quan ngành sản phẩm sản xuất từ kim loại đúc sẵn
Cấu kiện kim loại và sản phẩm khác bằng kim loại là hai loại hình sản phẩm nhập khẩu nhiều nhất vào Việt Nam các năm (chiếm tới 90% tỷ trọng nhập khẩu theo giá trị, trong đó chủ yếu là các sản phẩm khác bằng kim loại chiếm trung bình gần 70% tỷ trọng).
Hiện nay, Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, với giá trị nhập siêu khá lớn. Tuy nhiên, quy mô nhập khẩu đang có xu hướng giảm nhờ sự phát triển của các dự án đầu tư sản xuất trong nước. Các dự án này không chỉ giúp tăng cường năng lực sản xuất mà còn dần đáp ứng nhu cầu trong nước, giảm sự phụ thuộc vào nguồn hàng nhập khẩu.
Trung Quốc thống trị thị trường nhập khẩu sản phẩm từ kim loại đúc sẵn
Việt Nam có xu hướng tăng nhập khẩu các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn của Trung Quốc, theo quan sát thị phần nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc đã tăng từ 47% năm 2019 lên 63% năm 2023, cùng với đó, giá trị nhập khẩu từ thị trường này đang tăng (so với năm 2019 thì đến năm 2023 giá trị nhập khẩu tăng gấp 1.3 lần)
Tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm từ kim loại đúc sẵn sang Hoa Kỳ đang ngày càng tăng
Tỷ trọng xuất khẩu các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn của Việt Nam sang Hoa Kỳ đang chứng kiến xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ, từ 18% vào năm 2019 lên đến 26% vào năm 2023. Cùng với đó giá trị xuất khẩu cũng đang tăng, so với năm 2019 thì đến năm 2023 giá trị xuất khẩu tăng gấp 2 lần. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển lớn trong mối quan hệ thương mại giữa hai quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu các sản phẩm kim loại chế biến sẵn.
Chuỗi cung ứng đầu tư ngành Sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tại Việt Nam
Nhìn chung, tình hình đầu tư các dự án ngành Sản phẩm từ kim loại đúc sẵn đang có xu hướng tăng trưởng tốt về mặt số lượng dự án. Trong giai đoạn 2013 – 2019 mức tăng trưởng CAGR đạt 20%. Sự sụt giảm bắt đầu diễn ra vào giai đoạn 3 năm bị ảnh hướng bởi đại dịch Covid (2020-2022). Tuy nhiên sang đến năm 2023, số lượng dự án đầu tư lại đang cho thấy sự hồi phục mạnh mẽ khi tăng gần 160% so với năm 2022. Không những thế, xét riêng giai đoạn 8 tháng đầu các năm, trong 8 tháng đầu năm 2024, số lượng dự án thu hút đầu tư ghi nhận con số cao nhất trong giai đoạn từ năm 2013 – nay (tăng khoảng 25% so với cùng kỳ năm 2023). Dự báo trong giai đoạn còn lại của năm 2024, số lượng dự án thu hút đầu tư ngành kim loại có thể tăng cao hơn so với năm 2023.
Khâu sản xuất kim loại
Các dự án đầu tư ngành sản xuất kim loại đang có xu hướng tăng trưởng tốt vào thời điểm trước đại dịch Covid nhưng đến giai đoạn hậu Covid bắt đầu cho thấy chiều hướng giảm nhẹ. Về số lượng dự án, giai đoạn 2013 – 2019 đạt mức tăng trưởng ổn định qua các năm. Tuy nhiên, tại thời điểm phục hồi sau đại dịch, số lượng dự án đầu tư sản xuất kim loại bắt đầu ghi nhận sự phục hồi. Năm 2023, số lượng dự án tăng 200% so với năm 2022.
Khâu sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn
Tình hình đầu tư các dự án sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn đang có xu hướng tăng trưởng khá tốt. Xét riêng giai đoạn 2013 – 2019, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 24%. Ảnh hưởng của đại dịch Covid đã khiến số lượng dự án đầu tư giảm dần trong 3 năm tiếp theo nhưng bắt đầu có chiều hướng tăng nhẹ trở lại vào năm 2022 (tăng 12% so với năm 2021). Đến năm 2023, thu hút đầu tư ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng ấn tượng (tăng 169% so với năm 2022), cao nhất trong giai đoạn từ năm 2013 – nay. Xét riêng các mã ngành sản xuất, tỷ trọng các dự án sản xuất sản phẩm bằng kim loại khác (mã ngành 2599) chiếm khoảng 60% tổng số dự án qua các năm.
Tổng quan về thị trường ứng dụng sản phẩm sản xuất từ kim loại đúc sẵn
Đối với ngành Sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, các sản phẩm cuối cùng như bu lông, ốc vít, cấu kiện kim loại,… sẽ là những nguyên vật liệu đầu vào cho đa dạng các ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp. Top 3 ngành công nghiệp ứng dụng trực tiếp các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn đang có xu hướng đầu tư nhiều tại thị trường Việt Nam bao gồm Điện tử, Máy móc thiết bị, Nội thất kim loại. Đây là các ngành công nghiệp đang có tốc độ tăng trưởng tốt trong giai đoạn 5 năm trở lại đây. Trong đó, ngành điện tử và máy móc thiết bị lại là các ngành công nghiệp chủ yếu sử dụng các bộ phận, linh kiện bằng kim loại và cũng là hai ngành ghi nhận đầu tư tăng trưởng tốt, chuỗi cung ứng ngành gần như hoàn thiện tại thị trường Việt Nam. Vậy nên trong phần này, dựa trên dữ liệu của HOUSELINK, chúng tôi tập trung phân tích tổng quan về một số yếu tố đầu tư của 2 ngành Điện tử và Máy móc thiết bị như Hình thức đầu tư, Quốc gia đầu tư, Vị trí địa lý.
Các nhân tố thúc đẩy ngành sản phẩm từ kim loại đúc sẵn
Trong Q2 2024, tăng trưởng GDP tổng của Việt Nam đạt 6.9% – mức tăng mạnh so với 4.1% của Q2 2023 và chỉ đứng sau Q2 2022 trong bối cảnh nền kinh tế Thế giới vẫn đang chứng kiến nhiều cơn gió ngược do bất ổn chính trị, xung đột vũ trang và gián đoạn chuỗi cung ứng. Mức tăng trưởng này đã vượt mức kỳ vọng 6.6% trong kịch bản tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, và dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế của khu vực Đông Nam Á trong quý 2. GDP tại ngành Công nghiệp & Xây dựng Q2 2024 ghi nhận đạt mức tăng trưởng 8.3%.
So sánh với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá tiêu dùng tăng liên tục từ đầu năm cho tới tháng 5, tuy nhiên áp lực lạm phát đã giảm dần kể từ tháng 6, đặc biệt giảm mạnh trong tháng 8 – đạt mức 3.45% so với cùng kỳ năm trước. Mức giá chung giảm sẽ giúp giá các nhân tố trong sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn sẽ giảm, từ đó hạ giá thành sản xuất chung. Đồng thời nó cũng giúp tăng sức mua của người tiêu dùng và doanh nghiệp, giúp các nhà sản xuất và thương mại dần cải thiện hiệu quả kinh doanh của mình.
Tỷ giá VND/CNY (Nhân Dân Tệ) đã cho thấy chiều hướng đi lên kể từ đầu năm, mặc dù có giảm nhẹ vào tháng 6, tuy nhiên đã tăng trở lại và đạt mốc 3.507 VND/CNY vào cuối tháng 8. Diễn biến tỷ giá này sẽ gây ra những bất lợi nhất định cho các nhà sản xuất và thương mại ngành sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tại Việt Nam khi tham gia vào hoạt động nhập khẩu bởi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất về nguyên vật liệu như kim loại & kim loại thô cho công đoạn sản xuất thành phẩm tại Việt Nam.
Tác động này sẽ hoặc ảnh hưởng trực tiếp tới tính cạnh tranh về giá của sản phẩm từ Việt Nam, hoặc đặt các nhà sản xuất và thương mại dưới áp lực về bài toán kinh doanh để đảm bảo lợi nhuận biên của doanh nghiệp. Dù vậy, trong bối cảnh chi phí chung tại Việt Nam đang trên chiều hướng giảm, những ảnh hưởng từ giá nguyên liệu nhập khẩu tăng sẽ được bù trừ một cách tương đối. Điều này nhìn chung vẫn tạo ra một tình hình kinh doanh nhiều triển vọng cho các doanh nghiệp trong ngành.
Dân số Việt Nam trong 2023 đạt 100.4 triệu dân – đứng thứ 3 trong khu vực ĐNA, chỉ sau Indonesia – 278.8 triệu dân và Philippines – 112.9 triệu dân, với quy mô dân số ấn tượng này, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm tại Việt Nam được nhận định còn nhiều dư địa để mở rộng thêm. Đặc biệt, Việt Nam hiện đang trong thời kỳ dân số vàng với 68% dân số đang trong độ tuổi lao động. Trong đó, 63% người lao động đang nằm trong độ tuổi 25 – 49, đây là độ tuổi đã tích lũy được những kinh nghiệm làm việc nhất định và sở hữu tay nghề chuyên môn tốt, được kỳ vọng sẽ trực tiếp tham gia và tạo giá trị nhanh chóng cho các doanh nghiệp. Mặt khác, nhóm 25-49 tuổi này cũng là động lực chi tiêu chính của nền kinh tế. Với cơ cấu lớn, nhóm tuổi này sẽ mang lại tiềm năng khổng lồ cho các doanh nghiệp về quy mô tiêu thụ các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn.
Việt Nam đứng thứ 2 toàn cầu về trữ lượng quặng Bô-xít với 5.8 tỷ tấn theo nghiên cứu từ Cục Khảo sát địa chất Hoa Kỳ được công bố vào năm 2023, . Đây là một đầu vào quan trọng cho qua trình tuyển và tinh luyện kim loại Nhôm – một nguyên liệu không thể thiếu để sản xuất các linh kiện và sản phẩm được đúc từ kim loại.
Một số thách thức ngành Sản phẩm từ kim loại đúc sẵn
Liên minh Châu Âu (EU27) nằm trong TOP 5 thị trường xuất khẩu sản phẩm từ kim loại đúc sẵn từ Việt Nam theo giá trị – chiếm 13.2% thị phần trong giai đoạn 2019 – 2023. Đây là một trong số các thị trường chủ đạo mang lại thặng dư thương mại lớn cho Việt Nam về sản phẩm này.
Nhằm đạt được tham vọng trở thành lục địa trung hòa khí Carbon vào năm 2050, EU lo ngại rằng các doanh nghiệp EU có thể chuyển sản xuất các công đoạn phát thải nhiểu carbon ra nước ngoài, trực tiếp làm suy yếu nghiêm trọng tham vọng trung hòa khí hậu của EU và Toàn cầu. Và để ngăn chặn điều này, cơ chế điều chỉnh biên giới Carbon – CBAM đã ra đời.
Để đọc các báo cáo đầu tư ngành và thị trường xây dựng Việt Nam tại đây!