Báo cáo Tóm tắt chuỗi cung ứng đầu tư ngành Nhựa – Cao su Tháng 11/2023
Năm 2023 sắp kết thúc, tình hình kinh tế thế giới năm 2023 được dự báo đạt mức GDP khoảng 3%, giảm so với mức 3.3% ghi nhận năm 2022. Tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 giảm trong bối cảnh bị đè nặng và rủi ro bởi lạm phát mặc dù giảm nhưng vẫn neo ở mức cao và chính sách tiền tệ vẫn liên tục bị thắt chặt. Tuy nhiên việc kinh tế thế giới tăng trưởng chậm theo các chuyên gia về kinh tế thế giới, vẫn sẽ có xu hướng diễn ra trong các năm tới. Dự báo năm 2024, GDP giảm nhẹ so với năm nay – ở mức 2.9% do kinh tế thế giới – đặc biệt ở các nước, khu vực trọng điểm như Hoa Kỳ, Châu Âu chưa có sự cải thiện rõ rệt. Tăng trưởng chủ yếu mạnh nhất ở khu vực các nền kinh tế mới nổi ở Châu Á.
Xuất nhập khẩu ngành nhựa-cao su thế giới đang có xu hướng tăng qua từng năm. Tuy nhiên ghi nhận sự giảm nhẹ của cả xuất khẩu và nhập khẩu vào hai năm 2019, 2020. Sang đến năm 2021 ghi nhận mức tăng 31% đối với nhập khẩu và 30% đối với xuất khẩu, đạt mốc trên 1 tỷ USD với nhập khẩu và trên 1.1 tỷ USD với xuất khẩu. Ngành Nhựa-cao su là một trong những ngành có ứng dụng nhiều, sản phẩm của ngành này được sử dụng rất nhiều trong các lĩnh vực khác như điện tử, ô tô, hàng tiêu dùng, v.v. Do đó Nhựa-cao su được coi là một trong những ngành xương sống và truyền thống của nền công nghiệp.
Chỉ số lạm phát các nước trên thế giới có xu hướng giảm trong năm 2023 nhưng vẫn tồn tại nhiều rủi ro tăng lạm phát
Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam cùng kỳ của Quý 3 năm 2023 chỉ cao hơn các năm 2020 và 2021 nhưng đang có xu hướng tích cực (Quý 1 tăng 3.32% svck, Quý 2 tăng 4.14% svck, Quý 3 tăng 5.33% svck). Trong khi đó Quý 1, Quý 2 và Quý 3 đều kém hơn so với cùng kỳ năm 2022. Nhìn chung GDP 9 tháng đầu năm 2023 tăng 4.24%, chỉ cao hơn so với 9 tháng năm 2020 và 2021 (lần lượt là 2.12% và 1.42%). Trên thế giới nhu cầu tiêu dùng còn thấp, hàng rảo bảo hộ tăng, nhiều quốc gia vẫn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, rủi ro trên thị trường tài chính, bất động sản vẫn còn cao do đó kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng không ít. Nhìn chung kinh tế Việt Nam năm nay gặp nhiều khó khăn nhưng hiện tại đang được cải thiện theo chiều hướng tích cực.
Nhìn chung thị trường xuất nhập khẩu ngành Nhựa-cao su chưa có nhiều diễn biến khởi sắc trong năm nay. Xét về khía cạnh nhập khẩu, các sản phẩm ngành nhựa nhìn chung có mức độ tăng trưởng nhập khẩu khá đều đặn, chỉ đến thời điểm năm 2022 mức độ tăng trưởng bắt đầu giảm dần (tuy nhiên sản lượng vẫn tăng). Chỉ sang đến năm 2023 thì ngành nhựa ghi nhận mức tăng trưởng âm đầu tiên trong 5 năm trở lại đây. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với tình hình nhập khẩu ngành cao su. 10 tháng năm 2023, nhập khẩu ngành cao su ghi nhận mức tăng trưởng âm tới 33.7%.
Hiện tại tổng số lượng lao động ở Việt Nam có khoảng 56 triệu người. Khi so sánh với một số nước khác ở Châu Á, số lượng lao động của Việt Nam có thể coi là khá dồi dào, chỉ sau Ấn Độ và Indonesia và vẫn đang ở thời kỳ dân số vàng. Lực lượng lao động trên 15 tuổi của Việt Nam những năm gần đây đang có xu hướng giảm nhẹ, theo như dự báo của Tổng cục thống kê, vào năm 2039 Việt Nam sẽ bắt đầu bước vào giai đoạn cuối của thời kỳ dân số vàng. Khi đó tỷ trọng dân số trên 65 tuổi được dự báo chiếm 15%, tỷ trọng dân số 0-14 tuổi chiếm khoảng 21%. Sau đó sẽ là chuỗi giai đoạn Việt Nam bước vào thời kỳ già hóa dân số với tỷ lệ người dân trên 65 tuổi chiếm từ 20% trở lên.
Các doanh nghiệp ngành nhựa Việt Nam được hưởng các ưu đãi từ các FTA giúp sản phẩm nhựa của Việt Nam xuất khẩu đi các nước thành viên được hưởng thuế suất 0% hoặc gần bằng 0%.Đây là cơ hội rất lớn để tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nhựa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên để hưởng được những lợi thế này, doanh nghiệp ngành nhựa phải tuân thủ các quy tắc, quy định của các Hiệp định FTA và thị trường quốc tế, như quy tắc xuất xứ, cam kết về phát triển bền vững… Ngoài ra, trong xu hướng hiện nay, người tiêu dùng đặc biệt quan tâm đến các sản phẩm bền vững, thân thiện với môi trường.
Tình hình đầu tư dự án ngành nhựa-cao su tại Việt Nam
Trong phần nội dung này, chúng tôi tiến hành tổng hợp và phân tích tất cả dự án FDI cấp mới và DDI (dự án DDI có vốn trên 2 triệu USD) ngành nhựa-cao su từ năm 2013 đến hết tháng 9/2023 có địa điểm đầu tư trong và ngoài Khu công nghiệp.
Số lượng dự án đầu tư vào ngành nhựa-cao su thể hiện đà tăng liên tiếp nhưng giảm vào giai đoạn dịch bệnh Covid-19, đến nay đã ghi nhận dấu hiệu tăng trưởng trở lại, cả về số lượng dự án và vốn đăng ký.
Đầu tư ngành Nhựa-cao su vào Việt Nam chủ yếu vẫn là các quốc gia Đông Á
Miền Nam nổi trội về thu hút dầu tư ngành Nhựa-cao su
Các dự án ngành nhựa-cao su đầu tư chủ yếu vào miền Nam và miền bắc. Trong đó chủ yếu là tại miền Nam, và quy mô đầu tư dự án tại khu vực này cũng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong ba miền. Tuy nhiên mức độ tăng trưởng dự án của khu vực này trong những năm gần đây, đặc biệt kể từ thời điểm dịch Covid-19 đang có phần chững lại. Trong khi các dự án đầu tư vào khu vực phía Bắc đang có mức tăng trưởng tốt hơn.
Chuỗi cung ứng đầu tư ngành nhựa-cao su ở Việt Nam
Tình hình triển khai các dự án nhựa-cao su tại Việt Nam
Dựa trên dữ liệu các dự án công nghiệp có vốn đầu tư từ 2 triệu USD trở lên (tương đương 46 tỷ đồng) với hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đầu tư trực tiếp trong nước (DDI) trên nền tảng HOUSELINK trong lĩnh vực Điện-điện tử; chúng tôi thực hiện tổng hợp, phân tích dữ liệu và lập báo cáo những dự án đang triển khai hoạt động xây dựng và đang thực hiện các bước chuẩn bị (chuẩn bị dự án, thiết kế, chọn thầu). Tất cả các dự án đã được kiểm chứng và xác thực bởi HOUSELINK.
Các dự án chuẩn bị triển khai xây dựng phân bổ đồng đều ở miền Nam và Bắc, không có sự khác biệt có nhiều về quy mô lẫn số lượng dự án chuẩn bị triển khai thi công giữa hai vùng miền này. Các Nhà dầu tư hiện hữu đang có xu hướng mở rộng dự án tại Việt Nam, chúng tôi ghi nhận các dự án xây dựng mở rộng có quy mô lớn hơn so với các dự án của các Nhà đầu tư mới trong khi về mặt số lượng dự án thì không có sự chênh lệch quá nhiều. Các nhà đầu tư mới vẫn đang khá dè dặt trong việc triển khai dự án đầu tư tại Việt Nam, nguyên nhân chủ yếu đến từ nhu cầu thế giới giảm, các nhà đầu tư mới khi đầu tư vào Việt Nam cũng có sự tính toán kỹ hơn về quy mô đầu tư.
Nguồn: HOUSELINK