Báo cáo tình hình triển khai dự án xây dựng công nghiệp Việt Nam Q1.2023

Năm 2023 khởi động với mức tăng trưởng GDP Quý 1 là 3,32%. Tình hình kinh tế thế giới vẫn tồn tại nhiều thách thức như lạm phát còn cao, chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều nước, nhu cầu toàn cầu giảm sút, chiến tranh giữa Nga – Ukraine vẫn đang diễn biến căng thẳng,… đã gây ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là sản xuất công nghiệp khi chi phí tăng và số lượng đơn hàng giảm. Thể hiện rõ nét ở tăng trưởng ngành công nghiệp và xây dựng tiếp tục ghi nhận sự sụt giảm liên tiếp từ Quý 1/2022, thậm chí Quý 1/2023 tăng trưởng hai ngành này lần đầu tiên ghi nhận con số tăng trưởng âm (-0.4%) kể từ Quý 1/2018 (không tính đến sự sụt giảm mạnh vào Quý 3 năm 2021 do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh).

Theo ghi nhận của Tổng cục thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam giảm 19.3% so với cùng kỳ năm trước. Con số này chủ yếu do sự sụt giảm của tổng vốn điều chỉnh ( giảm 61% so với cùng kỳ 2022). Điểm sáng của tình hình thu hút vốn FDI Quý 1 năm 2023 là sự tăng trưởng về số lượng dự án so với cùng kỳ (tăng 83%) và vốn đăng ký cấp mới (tăng nhẹ 7% so với cùng kỳ năm 2022). Số lượng dự án tăng trưởng tốt nhưng tổng vốn không tăng nhiều đã cho thấy tình trạng các Nhà đầu tư e dè trong việc mở rộng sản xuất vẫn duy trì dẫn tới quy mô dự án không quá lớn.

Quý 1 năm  2023,  dự án FDI cấp mới ngành Công nghiệp Chế biến chế tạo và các dự án xây dựng nhà xưởng, kho bãi, các dự án xây dựng công nghiệp thuộc các ngành khác thuê xưởng và thuê đất tăng mạnh cả về số lượng dự án cũng như vốn đăng ký so với Quý 1 năm 2022.

Số lượng các dự án đăng ký cấp mới FDI phân bổ chủ yếu ở hai miền Bắc và Nam. Miền Bắc nổi lên là thị trường sôi nổi bậc nhất trong Quý 1 năm 2023 khi thu hút nhiều dự án cấp mới cả về số lượng và tổng vốn đăng ký đầu. Tiếp đến là miền Nam và miền Trung. Khu vực miền Nam sau một thời gian là trọng điểm vùng thu hút dự án đã bắt đầu chững lại.

Quý 1 năm 2023, các dự án thuê nhà xưởng chiếm phần lớ tỷ trọng dự án đăng ký đầu tư. Các dự án thuê đất Quý 1/2023 ghi nhận sự tăng nhẹ về số lượng dự án nhưng giảm về quy mô vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2022. So với thời điểm Quý 4/2022, chúng tôi nhận thấy sự sụt giảm cả về số lượng dự án và quy mô vốn của các dự án thuê đất xây dựng.

Qua phân tích nước gốc của Chủ đầu tư có đầu tư dự án vào Việt Nam, Trung Quốc hiện chiếm vị trí top 1 các nước đầu tư vào Việt Nam tại thời điểm Quý 1/2023. Nguồn vốn đầu tư chủ yếu đến từ các nước: Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, v.v. Có thể thấy xu hướng các nhà máy của Trung Quốc dịch chuyển đầu tư sang các nước, trong đó có Việt Nam nhằm tránh những rủi ro, ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn đang tiếp tục diễn ra. Kinh tế thế giới đặc biệt là kinh tế các nước Mỹ, Châu Âu bị ảnh hưởng đã dẫn tới sự sụt giảm đầu tư đến từ các nước này. Do đó dự án nguồn vốn từ các nước Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông vẫn sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu dự án đầu tư vào Việt Nam thời gian sắp tới.

Các dự án chuẩn bị triển khai đang phân bổ nhiều hơn ở các tỉnh phía Bắc với số lượng dự án nhỉnh hơn hai vùng còn lại. Trong khi đó, ở miền Trung, qua số liệu tổng hợp có thể thấy mặc dù số lượng dự án chuẩn bị triển khai chỉ chiếm ít nhưng quy mô vốn đăng ký lại chiếm tỷ trọng lớn. Điều này là do một lượng các dự án về năng lượng, nông nghiệp thực phẩm có quy mô đầu tư rất lớn chuẩn bị được tiến hành xây dựng tại đây.

Đọc báo cáo tóm tắt tại đây!

Đăng ký để nhận báo cáo định kỳ tại đây!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo