Báo cáo đầu tư- Chuỗi cung ứng ngành điện tử tại Việt Nam 08 tháng đầu năm 2022
Tổng quan kinh tế xã hội thế giới
Sau năm 2021 GDP thế giới ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ sau dịch Covid (5,8%) nhờ việc đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắc xin, khôi phục giao thương kinh tế thì sang năm 2022, kinh tế thế giới lại chịu tác động tiêu cực từ cuộc chiến tranh quân sự giữa Nga – Ukraine dẫn tới giá nguyên-nhiên liệu và lạm phát tăng cao. Ngoài ra việc Trung Quốc tiến hành các biện pháp phong tỏa phòng dịch cũng như nhưng xung đột địa chính trị và kinh tế khác, việc tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng đã khiến dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 giảm ở mức 3,2%.
FDI thế giới đang có xu hướng giảm từ năm 2017 đến 2021. Năm 2021 dòng vốn FDI toàn cầu ghi nhận mức tăng 30% so với năm 2020. Tuy nhiên bước sang năm 2022 vốn FDI toàn cầu lại được dự đoán sẽ khá ảm đảm so với năm 2021 do sự không chắc chắn của nhà đầu tư và rủi ro đến từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng cộng với chi phí nguyên vật liệu tăng cao và rủi ro khác từ những xung đột chính trị, kinh tế trên thế giới. Dự báo vốn FDI toàn cầu năm nay có thể đi ngang hoặc theo chiều hướng đi xuống so với năm 2021.
Ngành điện tử là một trong những ngành có sự phát triển nhanh và mạnh nhất trên thế giới trong những năm qua. Với sự đa dạng về loại hình sản phẩm, dịch vụ cũng như sự đổi mới về công nghệ sản xuất, ngành Điện tử đã, vẫn đang và sẽ tiếp tục có những ảnh hưởng lớn tới cuộc sống và hoạt động thường ngày trong kỷ nguyên số hiện tại. Theo ghi nhận của Hiệp hội Công nghiệp Công nghệ Thông tin và Điện tử Nhật Bản (JEITA), giá trị sản xuất toàn cầu ngành Điện tử và IT năm 2020 đạt 30.3 nghìn tỷ USD. Năm 2021 giá trị này tăng 11% bởi dịch Covid-19 là động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành kỹ thuật số (đạt khoảng 33.6 nghìn tỷ USD. Dự báo năm 2022, giá trị sản xuất toàn cầu ngành Điện tử và IT tăng nhẹ 5% lên con số 35.3 nghìn tỷ USD.
Từ tháng 2 năm 2022 cho đến nay, chỉ số niềm tin người tiêu dùng (CCI) của cả Mỹ và Trung Quốc đều giảm , đặc biệt là Trung Quốc giảm nhanh chóng. Có thể thấy được người tiêu dùng đang chi tiêu ngày càng tiết kiệm hơn, bên cạnh đó niềm tin của người tiêu dùng vào tình hình kinh tế trong nước đang giảm dần. Điều này càng được thấy rõ hơn khi tổng mức bán lẻ của Mỹ và Trung Quốc đều đang có xu hướng giảm.
Tổng quan kinh tế xã hội Việt Nam
Tăng trưởng GDP Quý II năm 2022 ước tính tăng 7.72% so với cùng kỳ năm trước theo tính toán của Tổng cục thống kê (TCTK). Đây là mức tăng trưởng Quý II cao nhất kể từ một thập kỷ vừa qua. Trong bối cảnh tình hình thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp với các cú sốc lạm phát ở nhiều quốc gia ở thời điểm đầu năm 2022 và Việt Nam mới đang ở giai đoạn đầu của sự tăng trưởng sau đại dịch thì con số tăng trưởng này là vô cùng ấn tượng cho thấy kinh tế đang có khởi sắc rất rõ nét. Trong đó hơn 39% đóng góp vào mức tăng đến từ khu vực Công nghiệp và xây dựng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ngành điện tử được cải thiện đáng kể từ sau tháng 1/2022. Đỉnh điểm là tháng 3/2022, chỉ số IIP tăng khá ở mức 17.7%. Có thể thấy cho đến tháng 8/2022, công tác sản xuất tại các doanh nghiệp sản xuất ngành điện tử đang dần hồi phục vào phát triển.
Các yếu tố tác động đến đầu tư ngành công nghiệp Điện tử tại Việt Nam
Yếu tố lao động
Điện tử là một trong những ngành sử dụng nhiều lao động (chỉ sau ngành dệt may và da giày đối với khối doanh nghiệp FDI), do đó lực lượng lao động luôn là vấn đề nhức nhối, đặc biệt là trong thời gian gần đây khi lao động ngành này đang thiếu hụt lao động kỹ năng cao trầm trọng.
Yếu tố chính sách
Theo Nghị định số 31/2021/ND-CP, Sản xuất phụ kiện, linh kiện điện tử, cụm chi tiết điện tử là một trong những ngành nghề được khuyến khích và được hưởng ưu đãi khi đầu tư của Chính phủ. Ngoài ra những dự án đầu tư có vốn lớn hơn 6.000 tỷ VNĐ (tương đương khoảng 250 triệu USD) – các dự án lắp ráp lớn đầu tư vào Việt Nam trong ngành điện tử theo thống kê của HOUSELINK thường có mức vốn tương tự, cũng được hưởng ưu đãi đầu tư khi đầu tư vào Việt Nam. Một số các loại thuế được hưởng ưu đãi như:
- Thu nhập của các doanh nghiệp được áp dụng mức thuế suất 10% trong thời gian mười lăm năm, trong đó, miễn thuế tối đa không quá bốn năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá chín năm tiếp theo.
- Trong trường hợp dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn quy định tại phụ lục II Nghị định số 118/2015/NĐ-CP thì doanh nghiệp được chọn hưởng mức ưu đãi thuế thuế thu nhập doanh nghiệp có lợi nhất (Theo quy định tại Khoản 5 Điều 4 Thông tư 83/2016/TT-BTC).
- Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định (Theo quy định tại Khoản 5 Điều 4 Thông tư 83/2016/TT-BTC).
Giảm 50% thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và được miễn giảm hoàn toàn nếu dự án đầu tư này thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn quy định tại Phụ lục II Nghị định số 118/2015/NĐ-CP.
Tổng quan tình hình đầu tư ngành điện tử 08 tháng đầu năm 2022
Thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19 số lượng dự án điện tử gia nhập vào thị trường Việt Nam có xu hướng tăng trưởng rất tốt ( mức tăng trung bình 19%), đạt đỉnh vào năm 2019. Kể từ thời điểm diễn ra dịch bệnh số lượng dự án gia nhập có xu hướng giảm rõ rệt và liên tục. Năm 2022 đã đi qua 8 tháng, nhưng những ảnh hưởng tiêu cực từ các sự kiện kinh tế, chính trị trên thế giới đã dẫn tới tâm lý lo ngại đầu tư, từ đó làm cho số lượng dự án điện tử đầu tư tại thị trường Việt Nam vẫn ở mức khá thấp.
Về khía cạnh tổng vốn đầu tư, thị trường đầu tư ngành điện tử Việt Nam ghi nhận con số 28 tỷ USD tổng vốn đăng ký ngành điện tử và 1,795 tổng số dự án từ năm 2013 đến nay và phụ thuộc nhiều vào các ông lớn trong ngành, đặc biệt từ nguồn vốn FDI. Điển hình, các năm 2013,2014,2016 ghi nhận lượng vốn lớn do các ông lớn trong ngành như Samsung, LG thâm nhập thị trường. Tín hiệu đáng mừng vào các năm 2019,2020,2021 cũng ghi nhận sự đầu tư từ các Công ty công nghệ điện tử lớn. Nhưng xu hướng vốn những năm khác đều ở mức khá thấp, ngoài một vài ông lớn thì những Chủ đầu tư khác vẫn đang đầu tư ở Việt Nam với giá trị chưa cao. Với mức độ tăng trưởng này chúng tôi nhận định năm 2022 dự án ngành điện tử khó có thể phục hồi.
Những năm gần đây Việt Nam bắt đầu thu hút dự án điện tử từ những nguồn vốn đầu tư đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Hàn Quốc vẫn duy trì vị thế dẫn đầu trong việc đầu tư.
Trong suốt chặng đường đầu tư vào ngành điện tử từ năm 2013 tới nay, chúng tôi ghi nhận một số quốc gia nằm trong top các nước đầu tư nhiều vào ngành điện tử ở Việt Nam như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản. Trong đó Hàn Quốc vẫn luôn duy trì vị thế dẫn đầu trong suốt thời gian qua về cả số lượng dự án đầu tư và quy mô vốn.
Xét riêng về quy mô vốn đăng ký, nếu như thời gian trước đây các dự án vốn lớn đa phần đều đến từ các Nhà đầu tư Hàn Quốc, thì những năm gần đây các nước khác như Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore đều đã bắt đầu lựa chọn Việt Nam là địa điểm đầu tư các dự án quy mô lớn. Năm 2022 Hàn Quốc vẫn đi đầu về vốn đầu tư, theo sau là Hồng Kông, Đài Loan nhưng mức độ chênh lệch giữa các quốc gia đã được rút ngắn đáng kể so với trước đây.
Chuỗi cung ứng đầu tư ngành điện tử tại Việt Nam
Chuỗi cung ứng đầu tư tương đối đầy đủ nhưng mạnh về sản xuất, gia công linh kiện/phụ kiện/cụm linh kiện
Tính từ năm 2013 đến nay, chuỗi cung ứng đầu tư ngành điện tử tại Việt Nam hiện tại tương đối đầy đủ với đầy đủ các Chủ đầu tư đã đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ, sản xuất và gia công linh kiện/phụ kiện/cụm linh kiện và lắp ráp gia công, hoàn thiện sản phẩm tập trung chủ yếu và đầy đủ nhất ở Miền Bắc. Số lượng dự án linh phụ kiện chiếm ưu thế trong ngành linh kiện điện tử nước ta nhưng các dự án gia công, lắp ráp, hoàn thiện sản phẩm lại đứng thứ nhất về quy mô vốn đầu tư.
Miền Bắc là nơi tập trung chủ yếu các dự án sản xuất cả về số lượng lẫn quy mô vốn đăng ký đầu tư. Đặc biệt nổi trội là sản xuất điện tử dân dụng, linh kiện điện tử và sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi. Đây cũng là thế mạnh trong xuất khẩu của Việt Nam những năm qua.
Hơn 80% các Khu công nghiệp được nhiều Chủ đầu tư ngành Điện tử lựa chọn nằm gần với cao tốc ( thuộc nhóm 1). Vị trí là một trong những điều kiện quan trọng lựa chọn địa điểm đầu tư. Việc sớm hoàn thiện hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án cao tốc trọng điểm sẽ góp phần quan trọng trong việc thu hút dự án đầu tư ngành điện tử.
Các dự án điện tử chuẩn bị hình thành trong tương lai
Theo dữ liệu của HOUSELINK, các dự án sắp triển khai đa phần tập trung ở miền Bắc (chiếm tới 70% số lượng dự án chuẩn bị triển khai). 18% dự án chuẩn bị triển khai ở miền Nam và khoảng 12% dự án chuẩn bị tiến hành ở miền Trung. Có thể thấy trong tương lai thị trường miền Bắc tiếp tục là thị trường sôi nổi cho các dự án ngành điện tử. Đặc biệt đa số trong đó là các dự án ở giai đoạn chuẩn bị, chưa tiến hành đấu thầu và chưa chọn nhà thầu chính.
Đọc báo cáo chi tiết bản Tiếng Anh, Tiếng Việt tại đây!