Bạn có tự tin đang hiểu đúng về công trình xanh?
Xuất hiện từ những năm cuối của thập niên 90 và nhanh chóng lan rộng ra toàn thế giới, công trình xanh được xem như một trong những lời giải cho vấn nạn biến đổi khí hậu toàn cầu.
Với đặc trưng sử dụng tài nguyên hiệu quả, giảm chi phí vận hành, giảm thiểu tác động tới môi trường trong khi vẫn đảm bảo tiện nghi cho người sử dụng, tạo điều kiện sống tốt nhất cho con người,… không khó để hiểu vì sao công trình xanh là xu hướng xây dựng tất yếu và sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng.
Trào lưu công trình xanh đã được giới thiệu và triển khai tại Việt Nam từ năm 2007 và nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của chính phủ cũng như người sử dụng công trình.
Mặc dù được đánh giá cao nhờ những ưu điểm không thể chối cãi trong việc bảo vệ môi trường, số lượng công trình xanh được chứng nhận trên toàn quốc mới dừng lại ở mức khiêm tốn.
Theo số liệu từ Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC), hiện cả nước có 61 công trình xanh đạt tiêu chuẩn, trong đó có 36 công trình đạt chứng nhận LEED (Mỹ), 13 công trình đạt chứng nhận LOTUS (Việt Nam) và 12 công trình đạt chứng nhận Green Mark (Singapore).
Trong khi đó, Singapore hiện có hơn 2100 công trình xanh đạt chuẩn Green Mark; tại Úc số công trình xanh đạt chứng nhận này là 750 (theo số liệu từ Hội đồng Công trình Xanh Thế giới).
Không chỉ vậy, tại Việt Nam xu hướng công trình xanh còn phải đối mặt với nhiều nhận thức sai lầm, chủ yếu đến từ các nhà đầu tư và nhà thầu xây dựng, có thể kể đến như:
Công trình xanh là công trình trồng nhiều cây xanh
Đây là một nhầm lẫn khá phổ biến, vì thuật ngữ công trình xanh có khi được hiểu theo nghĩa đen. Chính vì vậy, rất nhiều nhà đầu tư đã sử dụng thủ pháp đưa nhiều cây xanh vào công trình, đặc biệt là việc đưa cây xanh lên các vị trí trên cao, nhất là trên mái để gây ấn tượng cho khách hàng.
Tuy nhiên, để giải quyết các giải pháp kĩ thuật cho việc trồng cây trên cao lại là các giải pháp phức tạp, tốn kém và khó khăn cho việc duy trì. Việc lạm dụng trồng nhiều cây xanh cho công trình, thậm chí làm cho giá trị “xanh” thực bị ảnh hưởng, cụ thể:
– Tăng việc sử dụng các vật liệu dùng để chống thấm, các giá thể cho đất trồng làm bằng các vật liệu không thân thiện, lâu phân huỷ đối với môi trường;
– Tăng mức tiêu hao năng năng lượng cho chi phí vận chuyển, trồng và chăm sóc cây;
– Tăng chí phí đầu tư với mức hiệu quả thấp
Phát triển công trình xanh, ngược lại, về cơ bản là vấn đề tiết kiệm tài nguyên, sử dung nguồn năng lượng hiệu quả và tạo môi trường sống tốt cho con người.
Do đó, công trình xanh chắc chắn không phải là những công trình bài trí cây xanh vô tội vạ với mục đích bán hàng và thu hút những người mua nhẹ dạ, chưa hiểu hết về khái niệm này.
Công trình xanh là công trình có giá thành cao
Một câu hỏi chung mà các chủ đầu tư thường đặt ra khi tiếp cận công trình xanh là vấn đề lợi ích kinh tế thu được so với chi phí đầu tư thêm.
Bên cạnh những lợi ích cho môi trường như: giảm phát thải khí nhà kính, giảm tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên, giảm tác hại tới môi trường tự nhiên cũng như môi trường sống của cư dân…, thì lợi ích kinh tế luôn là một yếu tố quan trọng trong quyết định của chủ đầu tư.
Thực tế triển khai các công trình xanh trong và ngoài nước đều cho thấy lợi ích kinh tế dài hạn mà các giải pháp sử dụng tài nguyên hiệu quả mang lại là rất đáng kể. Có thể khẳng định rằng công trình xanh không phải là những công trình đắt tiền.
Việc xây dựng công trình Xanh chỉ tạo ra một khoản chi phí nhỏ ở giai đoạn xây dựng nhưng không hề phát sinh chi phí ở giai đoạn vận hành và bảo hành. Mặt khác, mô hình này lại mang tới những khoản lợi nhuận hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng và hàng năm cho chủ đầu tư.
Do đó, số tiền đầu tư ban đầu sẽ được hoàn lại nhanh chóng cùng những khoản thu về đáng kể. Công trình xanh có thể tiết kiệm 50% tiêu thụ năng lượng so với thiết kế ban đầu mà không làm tăng chi phí.
Lợi ích rõ ràng nhất của công trình xanh là giảm chi phí vận hành (chi phí vận hành thường chiếm hơn 80% chi phí đầu tư), làm gia tăng giá trị tài sản; mức hoàn vốn đầu tư nhanh chóng.
Ngoài ra, các nhà đầu tư có thể chú ý lựa chọn vật liệu xây dựng hợp lý để tối thiểu hóa chi phí phát sinh cho công trình xanh. Những loại vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường có rất nhiều ưu điểm, không chỉ giảm trọng tải móng, cách âm cách nhiệt tốt mà còn giúp tiết kiệm năng lượng.
Ngoài ra, sử dụng các vật liệu tác dụng chống thấm và chống nhiệt thích hợp góp phần tiết kiệm năng lượng cho công trình.
Nguồn: Tuổi trẻ Online