Bắc Ninh: Kinh nghiệm để thành nơi hội tụ của những “ông lớn” FDI
Nhờ đón bắt xu thế phát triển và hội nhập của đất nước để sớm định hình hướng đi và cùng với cách làm riêng, Bắc Ninh đã trở thành nơi hội tụ nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới, kết nối vùng đất Kinh Bắc vào chuỗi liên kết giá trị toàn cầu.
Samsung-một thương hiệu lớn của thế giới đã chọn Bắc Ninh làm ‘nơi đất lành’. Ảnh: Báo Bắc Ninh
Hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào tỉnh Bắc Ninh được xúc tiến ngay từ khi tái lập tỉnh (năm 1997). Trong hơn 20 năm qua (từ 1997-2018), mỗi kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh, vấn đề lớn này luôn nhận được sự thống nhất cao.
Cách làm bài bản, tập trung thu hút thương hiệu lớn
Với phương châm lấy niềm tin, sự hài lòng của doanh nghiệp làm mục tiêu cốt lõi để thúc đẩy phát triển kinh tế, các cấp chính quyền của tỉnh Bắc Ninh đã không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Trong nỗ lực hướng đến mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp, Bắc Ninh sớm quy hoạch nhiều khu công nghiệp (KCN) đồng bộ; làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư… Sự năng động cùng nỗ lực không mệt mỏi đã đưa những cánh đồng quê Bắc Ninh trở thành các KCN tập trung hiện đại, mở ra thời kỳ phát triển công nghiệp hóa của tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh chủ động hướng đến các tập đoàn đa ngành, đa quốc gia để chủ động tiếp cận, giới thiệu, mời gọi và thu hút đầu tư. Điều này đã dẫn đến thành công của tỉnh là ở mỗi KCN tập trung đều có một vài tập đoàn đầu tư nước ngoài có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, có thương hiệu, từ đó đã kéo theo chuỗi các nhà đầu tư vệ tinh, tạo được KCN chuyên ngành và cụm công nghiệp phụ trợ. Tiêu biểu là KCN Quế Võ có Canon, KCN Yên Phong có Samsung…, đều là những tập đoàn lớn của thế giới.
Khi đã tiếp nhận dự án đầu tư, vấn đề sau đầu tư cũng được đặc biệt quan tâm. Thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, Bắc Ninh đã lập mô hình KCN gắn với đô thị nhằm tạo hình ảnh riêng biệt và diện mạo KCN hiện đại, góp phần hình thành chuỗi không gian kinh tế, đô thị. Các dịch vụ đi kèm cũng được tổ chức quy mô, chuyên nghiệp, đồng thời phát huy vai trò quản lý của Nhà nước; tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, giao thông, môi trường, y tế, nhà ở; quan tâm, chú trọng công tác quy hoạch hạ tầng giao thông, KCN, khu đô thị, thông tin-viễn thông, điện, nước… từ đó giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất, yên tâm gắn bó lâu dài.
Bắc Ninh cũng đẩy mạnh công tác phối hợp, hợp tác với các bộ, ngành, đại sứ quán các nước tổ chức thành công nhiều sự kiện ngoại giao, các hoạt động đối ngoại với các nước ở khắp mọi nơi trên thế giới. Từ đó tạo sự đa dạng hóa trong các mối quan hệ hợp tác, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư của tỉnh.
Những hoạt động đó đã mang lại quả ngọt cho Bắc Ninh.
Khu vực FDI trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế địa phương
Nếu như tại thời điểm tái lập tỉnh năm 1997, Bắc Ninh chỉ có 4 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 177,6 triệu USD thì lũy kế đến hết tháng 6/2017 đã có 1.031 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh đạt 15,2 tỷ USD, đưa Bắc Ninh trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về mức độ hấp dẫn các dự án FDI.
Lũy kế đến hết tháng 6/2017, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào Bắc Ninh 15/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Trong đó các dự án FDI đầu tư vào tỉnh chủ yếu ở lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo với vốn đầu tư đăng ký hơn 14,618 tỷ USD (chiếm 96% tổng vốn FDI toàn tỉnh); kế đến là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với vốn đăng ký 302,433 triệu USD; một số lĩnh vực khác như xây dựng, vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trú, ăn uống… cũng thu hút lượng khá vốn FDI.
Các dự án FDI ở Bắc Ninh còn được đánh giá cao về chất lượng nhờ sự đầu tư của nhiều tập đoàn lớn mang thương hiệu toàn cầu như: Canon (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Nokia (Phần Lan), Pepsico (Hoa Kỳ), ABB (Thụy Điển)… Đây là điểm khác biệt đáng chú ý khi trên cả nước, số lượng các tập đoàn lớn đầu tư còn khiêm tốn.
Trong 20 năm qua, nguồn vốn FDI đã có những đóng góp to lớn đối với phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bắc Ninh. Khu vực FDI đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế địa phương. Theo đó, tỉ lệ đóng góp của khu vực FDI trong GRDP toàn tỉnh tăng dần qua các năm.
Nếu như năm 1997, khu vực FDI đóng góp cho GRDP của Bắc Ninh là 1 tỷ đồng thì đến năm 2016 đã đạt đến 68.500 tỷ đồng. Nguồn vốn FDI góp phần tích cực vào việc tăng thu ngân sách và giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh lân cận.
Tập đoàn Canon hiện diện ở KCN Quế Võ. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Bắc Ninh
Bên cạnh những đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội, sự xuất hiện của các dự án FDI đã trở thành nhân tố thúc đẩy sự hình thành và phát triển nhanh chóng của hệ thống kết cấu hạ tầng xã hội gồm giao thông, điện, nước, viễn thông, đặc biệt là hạ tầng các KCN, góp phần phát triển nhanh các khu đô thị, bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại…
Các doanh nghiệp FDI cũng đã đóng góp, ủng hộ tích cực cho nhiều dự án thuộc các công trình phúc lợi công cộng, các hoạt động văn hóa xã hội của địa phương như ủng hộ Quỹ “Nối vòng tay nhân ái”, xóa nhà cấp 4 dột nát và các đợt phát động ủng hộ người nghèo, ủng hộ đồng bào bị thiên tai…
Có thể khẳng định nguồn lực từ khu vực FDI đã tạo được sức bật mạnh mẽ, là tiền đề quan trọng để Bắc Ninh, một tỉnh “đất chật, người đông”, phát triển đồng bộ, hiện đại, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022 như kỳ vọng./.
Nguồn: baoxaydung.com.vn