Bắc Ninh: Điểm sáng thu hút FDI
Tính đến hết tháng 10/2017, tỉnh Bắc Ninh thu hút được 1.102 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đạt 15,8 tỷ USD, đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố trên cả nước về thu hút FDI.
Tăng nhanh, đóng góp lớn
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh, thời điểm tái lập tỉnh vào năm 1997, tỉnh có duy nhất 4 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 177,6 triệu USD. Tuy nhiên đến nay, đặc biệt chỉ trong 10 tháng đầu năm 2017, Bắc Ninh đã có mức tăng trưởng ấn tượng về thu hút FDI với 145 dự án mới và 103 lượt dự án tăng vốn. Tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 3,19 tỷ USD, đứng thứ 2 cả nước chỉ sau TP. Hồ Chí Minh.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh – cho biết, không chỉ tăng trưởng về số lượng, các dự án FDI đầu tư tại tỉnh còn được đánh giá cao về chất lượng khi có sự đầu tư của nhiều tập đoàn lớn như: Samsung (Hàn Quốc), Nokia (Phần Lan), ABB (Thụy Điển)… Trong đó, Samsung là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Bắc Ninh. Được cấp phép đầu tư năm 2014, đến nay, tập đoàn này đã trải qua nhiều lần tăng vốn (hiện tổng số vốn Samsung đầu tư tại tỉnh Bắc Ninh lên tới 6,5 tỷ USD).
Khu vực FDI đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng xuất khẩu, thu ngân sách và giải quyết việc làm cho người lao động. Hiện các doanh nghiệp (DN) FDI đã tạo việc làm cho 169.144 người, chiếm 25,5% lao động trên toàn tỉnh.
Cần định hướng dài hạn
Dù được đánh giá là một điểm sáng của cả nước về thu hút FDI, song theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh, các dự án FDI trên địa bàn tỉnh chưa thực sự thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ (CNHT) phát triển như kỳ vọng. Phát triển CNHT tại tỉnh vẫn chưa khắc phục những tồn tại của nhiều năm trước. Điển hình: DN Việt Nam đạt tiêu chuẩn sản xuất, cung cấp sản phẩm cho DN FDI như Samsung, Canon… vẫn còn rất thấp so với yêu cầu của nhà đầu tư. DN trong nước mới tham gia vào các khâu gia công phụ kiện đơn giản. Bên cạnh đó, một số DN FDI còn bộc lộ hạn chế như tranh chấp về quyền lợi giữa công nhân với chủ sử dụng lao động, an toàn lao động; vay nợ và không có khả năng thanh toán…
Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Văn Chung – Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) – cũng cho rằng: Tỉnh Bắc Ninh đã đạt được những kết quả đặc biệt trong thu hút FDI, nhưng kết quả đó chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý của tỉnh.
Để tăng sức lan tỏa của dòng vốn FDI đối với khu vực kinh tế trong nước, đại diện Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh cần chủ động đưa ra định hướng và chiến lược thu hút FDI dài hạn. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến các giải pháp tăng sức lan tỏa của FDI như: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư thông qua cải thiện cơ sở hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính; đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư; chú trọng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Các dự án FDI tại tỉnh Bắc Ninh tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và định hướng xuất khẩu.
Nguồn: Báo Công thương