Bạc Liêu: Sơ kết 6 tháng triển khai dự án xây dựng Nhà máy điện khí hóa lỏng 3.200MW
Chiều 3/8, tân Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng cùng Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung đã chủ trì Hội nghị sơ kết 6 tháng triển khai dự án xây dựng Nhà máy điện khí hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu, nhằm đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
UBND tỉnh Bạc Liêu cùng các sở ngành, nhà đầu tư và các đối tác sơ kết 6 tháng triển khai thực hiện dự án xây dựng Nhà máy điện khí LNG |
Dự án này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch Điện VII quốc gia từ ngày 19/12/2019, UBND tỉnh Bạc Liêu phê duyệt Quyết định chủ trương đầu tư ngày 16/01/2020 và đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Nhà đầu tư là Công ty Delta Offshore Energy Pte, Ltd (DOE).
Đây là dự án thu hút vốn đầu tư nước ngoài khoảng 4 tỉ USD, quy mô dự án tích hợp tổng thể, gồm: nhà máy điện tổng công suất thiết kế 3.200MW trên diện tích 40ha tại xã Vĩnh hậu A (huyện Hòa Bình), trạm tiếp nhận và lưu trữ nhiên liệu có diện tích khoảng 100ha mặt biển (lưu trữ từ 150.000 – 174.000m3 khí tự nhiên hóa lỏng), trạm tái hòa khí, 35km đường ống dẫn khí áp suất cao và lưới điện đấu nối đường dây 500KV (mạch kép) có tổng chiều dài 289km.
Dự kiến đến cuối tháng 12/2020, sẽ hoàn thành khâu chuẩn bị đầu tư dự án, 3 năm tiếp theo triển khai việc xây lắp khu tiếp nhận, lưu trữ LNG và trạm tái hòa khí, đường đưa khí vào bờ và vận hành tổ máy tuabin khí giai đoạn 1 (750MW) vào cuối năm 2023, sau đó tiếp tục xây lắp và đưa vào vận hành các tổ máy còn lại của dự án để đạt đủ công suất 3.200MW trước tháng 12/2027.
Đến nay, cùng với việc cập nhật dự án, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, xúc tiến trình tự thủ tục chuẩn bị thu hồi khoảng 40ha đất xây dựng khu Nhà điều hành; lựa chọn phương án thiết kế tuyến đường ống đấu nối ra biển; xác định nhu cầu sử dụng đất rừng phòng hộ; tài nguyên nước ngầm, định mức khai thác nước ngầm phục vụ thi công, vận hành của dự án…; UBND tỉnh Bạc Liêu đang hỗ trợ nhà đầu tư các thủ tục xin thuê khu vực biển (khoảng 100ha) xây lắp khu tiếp nhận, lưu trữ LNG và trạm tái hòa khí, đường đưa khí vào bờ nằm ngoài vùng 3 hải lý thuộc thẩm quyền Bộ TN&MT; phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương lân cận hỗ trợ nhà đầu tư chuẩn bị thủ tục, mặt bằng, triển khai hạng mục đấu nối đường dây 500KV (mạch kép) có tổng chiều dài 289km nối từ Bạc Liêu – Thốt Nốt – Đức Hòa – Cầu Bông.
Viện Năng lượng (Bộ Công thương) là đơn vị tư vấn cho nhà đầu tư tiến hành lập báo cáo bổ sung lưới điện đấu nối dự án vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Báo cáo Nghiên cứu khả thi và Báo cáo Đánh giá tác động môi trường. Nhà đầu tư đang dự thảo Thỏa thuận Hợp đồng mua bán điện để bắt đầu quá trình đàm phán với Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong tháng 8/2020. Mặt khác, nhà đầu tư cho biết đã xúc tiến với các đối tác tiến hành các thủ tục chuyên ngành, bảo hiểm, pháp lý và tài chính, trong đó đã hoàn thiện và gửi hồ sơ đăng ký chương trình tài trợ không hoàn lại của Cục Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ USTDA đang được Chính phủ Hoa Kỳ thẩm định và phê duyệt.
Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, ông Dương Thành Trung yêu cầu nhà đầu tư hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở trong tháng 9/2020 và Báo cáo Đánh giá tác động môi trường trong tháng 10/2020; cần hoàn tất hồ sơ để UBND tỉnh đề nghị Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ TN&MT) xem xét cho thuê khu vực biển triển khai dự án; hoàn tất đề xuất các nội dung về kỹ thuật hướng tuyến và giải phóng mặt bằng của tuyến đường dây 500KV để UBND tỉnh có cơ sở làm việc với tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Hậu Giang, TP. Cần Thơ trong trong tháng 9/2020 để thỏa thuận đối với giai đoạn 1 của đường dây 500KV từ Bạc Liêu đi Thốt Nốt, sau đó tiếp tục làm việc trong tháng 11/2020 với các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An để kéo dài đường dây 500KV giai đoạn 2 về Đức Huệ, Long An.
Theo ông Dương Thành Trung – Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, đây là một trong những dự án điện khí LNG đầu tiên của cả nước được bổ sung vào quy hoạch Điện VII điều chỉnh, nên dự án phải vượt qua nhiều thủ tục chưa có tiền lệ, đồng thời phải thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng về tiến độ (hoàn thành đóng điện giai đoạn 1 trong năm 2024) và giá bán điện (yêu cầu khoảng 7 UScent/kWh) nên áp lực đối với dự án là rất lớn. Do đó, tỉnh Bạc Liêu tiếp tục tập trung tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ từ các Bộ ngành, phối hợp các địa phương liên quan để hỗ trợ nhà đầu tư hoàn tất trình tự thủ tục trong năm 2020, đồng thời tạo mọi điều kiện về mặt bằng, nguồn nước ngọt, vật liệu san lấp,… phục vụ triển khai dự án đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
theo baotainguyenmoitruong.vn