Bắc Giang sắp có 75 ha đất công nghiệp từ dự án của nhà Garco Hà Bắc, lấp đầy 100% vào đầu 2025
CCN Hà Thịnh mở rộng tại Hiệp Hoà, Bắc Giang có tổng vốn 835 tỷ đồng hiện đã giải phóng mặt bằng khoảng 81%. Chủ đầu tư dự án là Hà Thịnh – một doanh nghiệp của ông Nguyễn Văn Khanh – Chủ tịch Garco Hà Bắc.
CTCP Đầu tư và Phát triển Hà Thịnh vừa lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp Hà Thịnh mở rộng tại các xã Hợp Thịnh và Đại Thành, huyện Hiệp Hoà, Bắc Giang. Đơn vị tư vấn lập báo cáo là Công ty TNHH Chính sách và Phát triển Môi trường 79.
CCN Hà Thịnh được thành lập vào tháng 7/2016 và phê duyệt quy hoạch chi tiết vào tháng 2/2017 với diện tích ban đầu 50 ha. Đến tháng 8/2017, dự án được điều chỉnh tăng diện tích lên thành 75 ha, đồng thời điều chỉnh quy hoạch.
Sau điều chỉnh, phía bắc dự án giáp với đê sông Cầu; phía nam giáp chợ, trạm y tế, UBND xã Hợp Thịnh và làn 2 dân cư đường ĐT.296; phía đông giáp trạm điện 500kV Hiệp Hòa và ruộng thôn Đa Hội, xã Hợp Thịnh và ruộng thôn Đại Mão, xã Đại Thành; phía tây giáp cánh đồng thôn Hương Ninh, thôn Đa Hội, xã Đại Thành.
Khu vực dự án nằm trên đất nông nghiệp trồng lúa phía bắc ĐT.296 đoạn qua Thị trấn Thắng – Cầu Vát. Vị trí này cách trung tâm huyện Hiệp Hòa 9 km về phía tây nam và cách TP Bắc Giang khoảng 40 km về phía tây.
Về hiện trạng, trong khu vực thực hiện dự án chủ yếu là đất trồng lúa (50,9 ha); không có dân cư sinh sống, không có công trình kiến trúc; không có tài nguyên khoáng sản dưới đất, không có mồ mả và không có công trình di tích văn hóa lịch sử. Bán kính 1 km xung quanh không có các điểm quân sự.
Khu vực dự án có yếu tố nhạy cảm về môi trường là chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên (10 ha trở lên) thuộc thẩm quyền chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.
Về tính chất, CCN Hà Thịnh sẽ tập trung thu hút các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dệt nhuộm và giặt, các sản phẩm dệt may, các ngành công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may.
Trong cơ cấu sử dụng đất, đất xây dựng nhà máy sẽ chiếm khoảng 50,9 ha; đất cây xanh mặt nước là 9,7 ha; đất giao thông là 8,6 ha; còn lại là khu hành chính dịch vụ, đất đỗ xe, hạ tầng kỹ thuật.
Tại giai đoạn 1 của dự án, chủ đầu tư đã thực hiện bồi thường, giải phóng, san lấp mặt bằng và đang thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng với phần diện tích quy hoạch là 60,85 ha. Trong giai đoạn 2 thực hiện mở rộng diện tích lập quy hoạch thêm 14,1 ha nên phần mở rộng này chưa thực hiện giải phóng và san lấp mặt bằng.
Giai đoạn triển khai, đất xây nhà máy tại dự án sẽ được chia thành 19 ô đất cao 3 – 5 tầng. Khu điều hành và dịch vụ bố trí tại khu vực của ngõ của CCN, xây cao 3 – 5 tầng.
Tổng mức đầu tư của dự án này là 835 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp của chủ đầu tư là 229 tỷ đồng, vốn huy động là 606 tỷ đồng, sẽ thực hiện theo tiến độ dự án.
Về tiến độ, giai đoạn 2016 – 2022 dự án sẽ hoàn thiện các thủ tục pháp lý về quy hoạch chi tiết, chuyển mục đích sử dụng đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, bắt đầu triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Giai đoạn 2022 – 2023, Hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng, hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, đưa vào vận hành trạm xử lý nước thải tập trung và thu hút nhà đầu tư thứ cấp. Dự kiến năm 2024, sẽ hoàn tất thu hút lấp đầy 100% đất công nghiệp tại dự án.
Theo tìm hiểu của người viết, ngay sau khi lập ĐTM, mới đây vào ngày 30/5, CCN Hà Thịnh đã được UBND tỉnh Bắc Giang điều chỉnh tiến độ.
Theo đó, từ tháng 9/2023 đến tháng 2/2024 dự án sẽ hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, đưa vào vận hành thử nghiệm trạm xử lý nước thải tập trung và thu hút nhà đầu tư thứ cấp. Đến tháng 3/2025 sẽ thu hút lấp đầy 100% đất công nghiệp.
Về chủ đầu tư, CTCP Đầu tư và Phát triển Hà Thịnh được thành lập vào năm 2016, có trụ sở tại Hiệp Hoà, Bắc Giang. Tính đến tháng 11/2021, doanh nghiệp có vốn điều lệ 229 tỷ đồng.
Đại diện pháp luật kiêm Chủ tịch HĐQT của Hà Thịnh hiện nay là ông Nguyễn Văn Khanh. Hiện ông Khanh đang đồng thời đứng tên tại một số doanh nghiệp khác như CTCP May Xuất khẩu Hà Bắc; CTCP May Xuất khẩu Hà Phong và CTCP Bao bì Hoà Phong.
Trong đó, May Xuất khẩu Hà Bắc (Garco Hà Bắc) được biết đến là một trong 50 doanh nghiệp may lớn nhất cả nước. Garco Hà Bắc thành lập từ năm 2002, lấy trụ sở tại huyện Việt Yên, Bắc Giang. Theo giới thiệu, kim ngạch xuất khẩu hàng năm của công ty này đạt hàng chục triệu USD. Chủ tịch của Garco Hà Bắc cũng là ông Nguyễn Văn Khanh.
Theo Quy hoạch các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, dự kiến giai đoạn đến năm 2030 tỉnh này sẽ có 57 CCN với tổng diện tích 1.945 ha. Trong đó, có 40 CCN được quy hoạch trong giai đoạn 2016 – 2020 với diện tích 1.258 ha. Còn lại 17 CCN được bổ sung mới vào quy hoạch giai đoạn 2021 – 2030 có tổng diện tích 657 ha.
Nguồn: vietnammoi