Ba dự án ngành Công Thương “thoát” danh sách hoạt động kém hiệu quả

Các dự án, DN ra khỏi danh sách kém hiệu quả gồm Nhà máy sản xuất phân bón DAP-1 Hải Phòng, Nhà máy Nhiên liệu sinh học Phú Thọ, Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bình Phước.

Tìm cách khởi động lại Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bình Phước - TỔNG CÔNG TY DẦU VIỆT NAM
Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bình Phước.

Theo báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 mà Chính phủ gửi Quốc hội, thực hiện Nghị quyết số 33/2016/QH14 ngày 23/11/2016 của Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo, phê duyệt đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương.

Đến nay, đã có 3 dự án, doanh nghiệp ra khỏi danh sách dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương gồm: Nhà máy sản xuất phân bón DAP-1 Hải Phòng, Nhà máy Nhiên liệu sinh học Phú Thọ, Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bình Phước.

Theo báo cáo trên, việc chỉ đạo xử lý tồn tại, yếu kém ở các dự án, doanh nghiệp đã được thực hiện thống nhất, đồng bộ, bảo đảm bám sát quan điểm, mục tiêu, nội dung chỉ đạo của Bộ Chính trị và phương án, giải pháp xử lý các dự án, doanh nghiệp theo đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Các giải pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, doanh nghiệp đã được triển khai thực hiện một cách tổng thể, toàn diện.

Cùng với việc xử lý các vấn đề về tài chính, quản trị, thị trường, hỗ trợ pháp lý, khoa học công nghệ, các vấn đề về lao động việc làm, ổn định xã hội, bảo đảm môi trường, an ninh – quốc phòng đã được tính tới để xử lý. Qua đó, tới nay đã tạo được những chuyển biến tích cực.

Nhờ đó, 3 dự án của doanh nghiệp trên đã được đưa ra khỏi danh sách theo dõi, xử lý của Ban Chỉ đạo. Cùng đó, hiện đã xử lý vướng mắc quyết toán dự án đối với Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất; báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi chính sách thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón, bảo đảm công bằng giữa hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu.

Các đơn vị chỉ đạo quyết liệt xử lý vướng mắc tranh chấp hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công (EPC), chưa quyết toán được của 5 dự án gồm: DAP-2 Lào Cai, Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, TISCO-2, Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất.

Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ, hiện nay Ban chỉ đạo đang tiếp tục tìm phương án xử lý mới đối với dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam, khi các phương án hiện hành đều vướng mắc.

Tuy nhiên, đến nay, số liệu thiệt hại về kinh tế cho nhà nước của 12 doanh nghiệp, dự án thuộc đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương chưa được xác định đầy đủ.

Lý do là bởi có 5/12 dự án còn tranh chấp, vướng mắc hợp đồng EPC, nên chưa hoàn thành quyết toán và xác định chính xác giá trị các dự án. Theo số liệu ước tính 6 tháng đầu năm 2020, tình hình tài chính của 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương như sau: vốn chủ sở hữu âm 7.264,61 tỷ đồng; tổng tài sản 59.152,88 tỷ đồng; tổng nợ phải trả 63.308,82 tỷ đồng; lỗ lũy kế 26.360,88 tỷ đồng…

Nguồn: https://vtv.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo