Ba đối tượng bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề kiến trúc
Chứng chỉ hành nghề là cần thiết để quản lý hoạt động hành nghề của kiến trúc sư hành nghề, theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Chuẩn bị cho việc xem xét thông qua tại kỳ họp gần nhất của Quốc hội, dự thảo Luật Kiến trúc mới nhất vừa được gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội.
Cần giai đoạn quá độ
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, liên quan đến đối tượng và chủ thể có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, có ý kiến đại biểu đề nghị quy định rõ đối tượng bắt buộc phải có chứng chỉ.
Tiếp thu ý kiến này, dự thảo luật đã quy định rõ 3 đối tượng bắt buộc có chứng chỉ, bao gồm: kiến trúc sư hành nghề với tư cách cá nhân, cá nhân đảm nhận chức danh chủ trì thiết kế kiến trúc và cá nhân chịu trách nhiệm chuyên môn về kiến trúc trong tổ chức hành nghề kiến trúc.
Bên cạnh đó, kiến trúc sư không có chứng chỉ hành nghề kiến trúc vẫn được tham gia các dịch vụ kiến trúc trong các tổ chức hành nghề kiến trúc theo quy định tại khoản 2 điều 21 của dự thảo luật, báo cáo nêu rõ.
Thảo luận tại kỳ họp thứ sáu, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị giao tổ chức xã hội – nghề nghiệp cấp chứng chỉ để huy động nguồn lực xã hội, giảm bớt công việc cho cơ quan quản lý nhà nước, phù hợp với quy định của pháp luật về xây dựng và thông lệ quốc tế. Ý kiến khác lại cho rằng, không nên giao quá nhiều nhiệm vụ cho tổ chức xã hội – nghề nghiệp của kiến trúc sư vì thực tế cho thấy điều kiện năng lực của các tổ chức này chưa thực sự đáp ứng yêu cầu để có thể đảm nhận việc cấp chứng chỉ hành nghề.
Thống nhất nên từng bước xã hội hóa giao việc cấp chứng chỉ cho các tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tuy nhiên, Uỷ ban Thường vụ cũng nhìn nhận, thực tế cho thấy năng lực của khá nhiều các tổ chức này chưa thực sự đáp ứng yêu cầu để có thể đảm nhận việc cấp chứng chỉ, cần có giai đoạn quá độ, chuyển giao nhiệm vụ này từ cơ quan quản lý nhà nước.
Vì vậy, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng trước mắt giao chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền cấp chứng chỉ và thành lập hội đồng xét cấp chứng chỉ ở địa phương với thành phần là đại diện của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, chuyên gia.
Ngoài ra, dự thảo luật cũng đã bổ sung quy định về trách nhiệm của tổ chức xã hội – nghề nghiệp về hành nghề kiến trúc trong quá trình cấp, gia hạn, thu hồi chứng chỉ, sát hạch để cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc, phát triển nghề nghiệp liên tục… Đồng thời, giao Chính phủ quy định điều kiện hoạt động của các tổ chức này cho phù hợp.
Kinh doanh dịch vụ kiến trúc cần điều kiện
Liên quan đến phạm vi hành nghề kiến trúc, một số vị đại biểu đề nghị cân nhắc việc dự thảo luật quy định bổ sung “hoạt động kinh doanh dịch vụ kiến trúc” vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện của phụ lục 4 Luật Đầu tư tại điểm đ khoản 2 điều 36.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải trình, theo pháp luật hiện hành, kinh doanh dịch vụ kiến trúc thuộc nhóm kinh doanh thiết kế quy hoạch xây dựng và thiết kế xây dựng, là các ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã được quy định trong Luật Đầu tư. Do đó, dự thảo Luật Kiến trúc quy định về điều kiện hoạt động hành nghề cung cấp dịch vụ kiến trúc là phù hợp và khả thi.
Nếu cần thiết quy định tách bạch riêng biệt các hoạt động kinh doanh dịch vụ kiến trúc khỏi các hoạt động kinh doanh dịch vụ quy hoạch xây dựng, thiết kế xây dựng thì cần sửa đổi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư và trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét quyết định theo một quy trình riêng. Do đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không quy định về vấn đề này trong dự thảo Luật Kiến trúc.
Về dịch vụ kiến trúc, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật được chỉnh lý theo hướng quy định bao quát các dịch vụ kiến trúc trong phạm vi hành nghề có tính đến khả năng phát sinh theo nhu cầu xã hội, tách bạch hơn giữa các dịch vụ kiến trúc với các dịch vụ mang nội hàm xây dựng.
Nguồn: vneconomy.vn