Áp lực như chủ đầu tư bất động sản
Áp lực trên vai chủ đầu tư
Sáng 15/11 vừa qua, ông Hà Văn Thiện, Giám đốc Công ty Bất động sản Trần Anh Sài Gòn đã phải nhập viện vì lao lực. Bác sĩ kết luận căn bệnh lớn nhất khiến ông Thiện phải nhập viện đó là rối loạn tiền đình vì thức khuya nhiều, áp lực công việc khiến stress do căng thẳng…
Ngồi trên giường bệnh nhưng bệnh nhân này vẫn đau đáu về dự án. Ông Thiện cho biết, làm một chủ đầu tư, cái đầu tiên phải nghĩ đến là phải dùng mọi mối quan hệ tìm quỹ đất phát triển dự án. Tiếp theo là phải làm sao ra được phê duyệt quy hoạch, thi công rồi mở bán. Nói thì chỉ có vài công đoạn, nhưng để triển khai, người lãnh đạo như ông không chỉ phải chấp nhận cảnh sáng đi làm sớm, tối muộn mới về nhà mà lúc nào cũng như ngồi trên đống lửa.
Với một doanh nghiệp cỡ vừa như công ty của ông Thiện đã vậy, còn các công ty lớn với hàng chục dự án thì áp lực đặt lên vai những người đứng mũi chịu sào còn lớn hơn nhiều. Những cuộc họp kéo dài hàng ngày, xuyên đêm giữa lãnh đạo và nhân viên, làm sao “có hàng để bán và bán được hàng” là việc diễn ra thường xuyên.
Bà Phạm Thị Trang, giám đốc kinh doanh một công ty bất động sản tại TP.HCM cho biết, công ty bà đang phát triển một dự án lớn ở quận Thủ Đức. Dù dự án có từ năm 2015, mở bán năm 2016 nhưng vì quy mô lớn, lại chia ra làm nhiều đợt mở bán nên lãnh đạo công ty luôn phải “ăn ngủ” cùng với các cuộc họp.
Chỉ riêng câu chuyện tiến độ đã phải giao ban hàng tuần, hàng ngày, bởi tiến độ nếu triển khai chậm sẽ làm ảnh hưởng các khâu khác và khách hàng mua nhà cũng sẽ mất lòng tin vào chủ đầu tư, thậm chí nếu chậm quá so với hợp đồng mua bán, có thể phải đền tiền cho khách hàng. Bên cạnh đó, thanh khoản cũng là một áp lực cực lớn bởi mọi vấn đề đều cần tiền, mà tiền thì chủ yếu trông chờ với khách hàng.
“Tất cả là một guồng máy phức tạp phải thông suốt, bởi nếu tắc ở khâu nào, cả bộ máy sẽ đình trệ”, bà Trang nói.
Một câu chuyện lớn khác mà các chủ đầu tư đều sợ đó là không kiểm soát được chất lượng công trình xây dựng, đến khi giao nhà cho khách hàng thì xảy ra chuyện “cơm không lành, canh không ngọt”, dẫn tới cảnh khách hàng mang băng – rôn tới công ty và khiếu kiện khắp nơi. Đối mặt với khủng hoảng này, chủ đầu tư sẽ lâm vào áp lực lớn không chỉ với dự án hiện tại mà còn để lại “vết” cho cả các dự án trong tương lai.
Bên cạnh đó, việc chủ đầu tư phải giải thích với cơ quan chức năng và báo chí về việc khiếu kiện này cũng tạo ra những áp lực lớn.
Không những vậy, khi doanh số giảm, dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện pháp lý nhưng vì có quá nhiều dự án của các doanh nghiệp khác đang bán hàng, nếu không kịp đưa dự án ra thị trường giới thiệu thì sẽ chịu cảnh “trâu chậm uống nước đục”.
Chính vì vậy mà trên thị trường xuất hiện nhiều câu chuyện chủ đầu tư “cầm đèn chạy trước ô tô”, dù dự án chưa có giấy phép xây dựng hay chưa đủ điều kiện mở bán nhưng vẫn được giới thiệu rình rang, nhận đặt cọc giữ chỗ của khách hàng. Từ đây, nhiều rủi ro diễn ra bởi nếu không ra được giấy phép pháp lý, chủ đầu tư sẽ lâm vào cảnh bị khách hàng kiện tụng.
Nỗi khổ ít ai biết
Ông Trần Đức Vinh, Tổng giám đốc Trần Anh Group cho biết, áp lực trong kinh doanh thì chủ doanh nghiệp nào cũng phải chịu, nhưng áp lực của một chủ đầu tư bất động sản thì lớn hơn so với nhiều ngành khác do đụng đến việc an sinh của cư dân.
Một trong các dự án của Trần Anh Group khiến ông Vinh nhớ mãi đó là dự án đã được tỉnh đồng ý chủ trương và giấy phép quy hoạch, xây dựng đã có. Tuy nhiên, Trần Anh vẫn không thể phát triển dự án dù đã bỏ rất nhiều tiền làm hạ tầng, số tiền lớn này tất nhiên phải vay ngân hàng. Nguyên nhân cả dự án bế tắc chỉ vì một hộ dân không chịu đồng ý đền bù để làm đường kết nối dù đã thương thảo rất nhiều.
Nói về những áp lực đối với các chủ đầu tư, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, nó như những con sóng ngầm mà dữ dội với các thành viên trên thị trường. Đằng sau những hào nhoáng, sang trọng là những bài toán cân não lớn mà các chủ đầu tư càng lớn thì càng không thể bỏ cuộc bởi sau họ là hàng trăm, hàng ngàn người lao động.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị HungThinh Corp cho biết, áp lực là rất lớn nhưng đã là chủ đầu tư thì phải chấp nhận điều đó.
“Có nhiều lúc muốn bỏ tất cả vì mệt mỏi, nhưng rồi nghĩ lại đó là tâm huyết của tôi và của tập thể anh em lãnh đạo cùng nhân viên công ty nên không thể dừng lại mà chỉ có thể nỗ lực hết sức từng ngày”, ông Trung nói.
Nguồn: Báo Đầu tư Bất động sản