Thái Bình đã trao giấy chứng nhận đầu tư một dự án 2 tỷ USD vào cuối năm 2023, đưa tỉnh này vươn lên trở thành một trong những địa phương có tổng thu hút FDI cao nhất cả nước.
Thái Bình là một tỉnh “đất chật, người đông”, quy mô diện tích khá nhỏ (chiếm 0,48% diện tích cả nước), xếp thứ 54/63 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên về dân số, Thái Bình xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố; chiếm 1,9% dân số cả nước và có mật độ dân số gấp 4 lần trung bình của Việt Nam.
Khi nhắc đến Thái Bình, từ lâu đã được gắn với hình ảnh quê lúa, tại đây không chỉ có diện tích gieo cấy mà cả sản lượng thóc, gạo đều rất cao, ít nơi nào có được. Nhưng những năm qua, Thái Bình đã có sự thay đổi mạnh mẽ, từ một tỉnh phát triển nông nghiệp, đến nay Thái Bình đã vươn lên trở thành điểm đến đầu tư hàng đầu miền Bắc. Trong ảnh là thành phố Thái Bình.
Nếu như giai đoạn từ năm 1987 (thời điểm lần đầu tiên Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được ban hành) đến năm 2020, tổng thu hút FDI của địa phương này chỉ đạt gần 800 triệu USD thì từ năm 2021 đến nay, tổng thu hút FDI của tỉnh đạt 4,1 tỷ USD.
Trong đó, riêng năm 2023 đạt gần 3 tỷ USD, gấp gần 4,4 lần so với cùng kỳ năm 2022. Với kết quả này, Thái Bình tự hào đứng trong top 5 toàn quốc cùng các tỉnh, thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh…
Để có được kết quả ấn tượng như vậy, trong năm 2023, tỉnh Thái Bình đã thu hút được nhiều dự án lớn như: Dự án khu công nghiệp VSIP Thái Bình (212 triệu USD); Dự án nhà máy Pegavision Việt Nam sản xuất kính áp tròng cho Công ty Pegavision Corporation (200 triệu USD); Dự án nhà máy sản xuất rượu soju tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái (100 triệu USD)…
Nổi bật nhất, vào cuối năm 2023, tỉnh Thái Bình đã trao giấy chứng nhận đầu tư dự án nhà máy điện khí LNG Thái Bình cho liên danh 3 nhà đầu tư: Công ty Tokyo gas, Công ty Điện lực Bắc Kyuden của Nhật Bản và Tập đoàn Trường Thành của Việt Nam. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD, với tổng công suất thiết kế 1.500 MW, khi đi vào vận hành sẽ cung cấp cho hệ thống điện quốc gia khoảng 10 tỷ kWh/năm.
Sức hút lớn đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong thời gian qua là quỹ đất lớn của Thái Bình dành cho phát triển công nghiệp, với 10 khu công nghiệp (4 KCN nằm trong Khu kinh tế) đã được thành lập và 49 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 30 km2 đã giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng sẵn sàng chào đón nhà đầu tư nước ngoài.
Đặc biệt và hấp dẫn nhất với các nhà đầu tư là Khu kinh tế Thái Bình với diện tích hơn 305 km2, có vị trí thuận lợi kết nối với sân bay quốc tế Cát Bi (Hải phòng) và cảng biển quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng). Theo quy hoạch, tương lai Khu kinh tế Thái Bình còn là nơi đặt sân bay chuyên dụng ven biển và xây dựng cảng biển đủ tiếp nhận tàu biển có trọng tải lớn.
Việc cải thiện môi trường đầu tư là một nhiệm vụ được tỉnh Thái Bình rất chú trọng trong thời gian qua. Tỉnh đã tập trung bố trí nguồn lực để đầu tư xây dựng các tuyến giao thông kết nối các địa phương lân cận với tỉnh Thái Bình và kết nối các huyện với Khu kinh tế Thái Bình như: Tuyến đường bộ ven biển, các tuyến đường trục trong Khu kinh tế, tuyến đường từ thành phố Thái Bình Cồn Vành, tuyến đường cao tốc CT.08…Trong ảnh là tuyến đường bộ ven biển.
Hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp góp phần đưa Thái Bình từ một tỉnh thuần nông từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động sang công nghiệp và thương mại, dịch vụ.
Năm 2023 tổng sản phẩm địa phương (GRDP) ước đạt gần 68.000 tỷ (tăng gấp 1,3 lần so với 2020). Cơ cấu kinh tế của tỉnh cũng được chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong đó, ngành công nghiệp và xây dựng chiếm đến 45%.
Về du lịch, dù có xuất phát điểm muộn nhưng tỉnh Thái Bình đã và đang cố gắng, nỗ lực để khai thác các tiềm năng của tỉnh và đã đạt được những kết quả bước đầu. Năm 2023, tổng lượng khách đạt 850.000 lượt, trong đó chủ yếu là khách nội địa, doanh thu đạt 550 tỷ đồng.
Theo quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt – đến năm 2030, tỉnh Thái Bình sẽ là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng; có cơ cấu kinh tế hiện đại với công nghiệp là động lực chủ yếu để Thái Bình phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Đến năm 2050, Thái Bình sẽ là tỉnh phát triển của Vùng đồng bằng sông Hồng, có nền kinh tế phát triển thịnh phượng.
Nguồn: cafebiz.vn