An Giang phấn đấu hút 700 triệu USD vốn đầu tư trong 2023

Tỉnh An Giang phấn đấu thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách tăng trên 10% so với năm 2022. Tổng vốn đầu tư đăng ký mới và điều chỉnh, bổ sung trên địa bàn tỉnh quy đổi đạt khoảng 700 triệu USD (bao gồm cả dự án FDI và dự án đầu tư trong nước).

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định mục tiêu tổng vốn đầu tư xã hội 5 năm đạt từ 164.600 đến 176.000 tỷ đồng, bình quân tăng 7,6%/năm. Trên cơ sở đó, Chương trình xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2023 phấn đấu đạt mục tiêu như trên.

Đồng thời, An Giang đặt kế hoạch thu hút ít nhất 10 dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực ưu tiên của tỉnh, bao gồm: Hạ tầng giao thông; cơ sở hạ tầng khu đô thị, khu nhà ở; nông nghiệp; công nghiệp; thương mại – dịch vụ – du lịch; văn hóa – xã hội – môi trường; tổng vốn đầu tư đạt trên 20.000 tỷ đồng. Trong đó, mỗi lĩnh vực có ít nhất 1 dự án quy mô lớn có tính động lực, tạo sự lan tỏa cao góp phần phát triển kinh tế – xã hội tỉnh.

Đặc biệt, tận dụng vị trí trung tâm kinh tế thương mại kết nối giữa 3 thành phố lớn (TP HCM, TP Cần Thơ và TP Phnompenh, Campuchia), trên cơ sở Đề án xây dựng và phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; tỉnh tập trung xây dựng các vùng sản xuất lúa gạo xuất khẩu ổn định, hiệu quả và bền vững, góp phần đưa gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm.

Định hướng chung trong thu hút mời gọi các dự án đầu tư của tỉnh là chọn lọc các dự án có chất lượng, sử dụng công nghệ hiện đại, phù hợp với định hướng tái cơ cấu nền kinh tế phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh và giải quyết nhiều lao động tại địa phương.

Cụ thể, thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông kết nối thông tuyến Long Xuyên – Chợ Mới – Phú Tân – Châu Phú; phát triển dịch vụ vận tải, kho bãi chuyên nghiệp, các dịch vụ trọn gói phục vụ giao thông vận tải đường bộ, đường thủy.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào hoạt động phát triển hạ tầng đô thị, cung cấp chỗ ở, mở rộng không gian đô thị các nhánh dọc trục lộ giao thông tuyến Long Xuyên – Cần Thơ và Long Xuyên – Châu Thành.

An Giang cũng thu hút các dự án phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, ứng dụng công nghệ cao, xanh, sạch, hữu cơ; phát triển sản phẩm chủ lực, đặc sản (OCOP) theo hướng hữu cơ gắn với phát triển du lịch bền vững. Khuyến khích các dự án liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với vùng nguyên liệu tập trung…

Năm 2022, toàn tỉnh An Giang đã tiếp nhận 69 dự án đầu tư đăng ký mới. Trong đó phê duyệt 11 dự án với tổng vốn đầu tư 1.660 tỷ đồng, bao gồm: 2 dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký là 391 tỷ đồng; 8 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký 1.269 tỷ đồng; chấp thuận chủ trương đầu tư để thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư 1 dự án với tổng vốn 14.096 tỷ đồng.

So với cùng kỳ năm 2021, tổng số dự án đăng ký mới giảm. Đồng thời do vướng mắc về trình tự, thủ tục đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng khu đô thị và nhà ở thương mại nên số dự án được cấp mới giảm 8 dự án, tuy nhiên tổng vốn đầu tư đăng ký tăng 323 tỷ đồng.

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 2 dự án đầu tư mới (tăng 100% so với cùng kỳ) với tổng vốn đăng ký 22,7 triệu USD (tăng 61% so với cùng kỳ). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh hiện có 40 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đầu tư là 304 triệu USD, tổng vốn thực hiện là 176 triệu USD (chiếm 57,89% tổng vốn đầu tư đăng ký)./.

Nguồn: moitruongvadothi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo