Amazon hợp tác với Bộ Công Thương, chính thức mở đường vào Việt Nam
Chiều ngày 14/1, Cục Xúc tiến Thương mại thuộc Bộ Công Thương đã công bố hợp tác với Amazon Global Selling để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu thông qua thương mại điện tử. Sau rất nhiều lời đồn đoán, đây được xem là bước tiến mới nhất, chính thức hóa việc gã khổng lồ Mỹ Amazon bước chân vào thị trường Việt Nam.
Theo thỏa thuận hợp tác, Amazon sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiếp cận thị trường thế giới, phát triển thương hiệu trên Amazon.com. Cùng đó, đơn vị này cũng giúp phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp, hàng hoá Việt Nam trong môi trường thương mại điện tử và đào tạo các doanh nghiệp Việt về thương mại điện tử, để xuất khẩu hàng hoá và học kỹ năng bán hàng trên Amazon.
Đây được cho là cơ hội vàng cho các doanh nghiệp Việt bởi họ có thể dễ dàng tiếp cận hơn 300 triệu tài khoản người mua trên toàn cầu của tập đoàn này, đồng thời là cơ hội tăng cường xuất khẩu sản phẩm qua kênh thương mại điện tử này ra toàn thế giới. Đây là tín hiệu cho thấy Việt Nam đang trở thành thị trường hấp dẫn đối với những gã khổng lồ thương mại điện tử.
Theo nhận định của ông Bernard Tay, Giám đốc Amazon Global Selling Đông Nam Á: “Việt Nam có thế mạnh về các mặt hàng như đồ gia dụng, may mặc, giày da, thủ công… là những mặt hàng có thể bán rất tốt trên Amazon. Chúng tôi đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng hàng đầu Đông Nam Á để xuất khẩu hàng hóa qua Amazon”.
Thuận lợi là vậy nhưng để buôn bán thành công trên Amazon, các doanh nghiệp Việt cần tuân thủ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm. “Các thị trường xuất khẩu lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật… đều có quy định nghiêm ngặt về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Hàng hoá, sản phẩm doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu hoặc bán ra nước ngoài đều buộc phải tuân thủ”, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng cục Xúc tiến thương mại nói.
Trên thực tế lâu nay trên Amazon cũng đã xuất hiện một vài sản phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam được bán với mức giá “trên trời” cao gấp 10 – 20 lần giá sản phẩm trong nước và nhận được những phản hồi tốt.
Đương cử như việc có lần chiếc nón lá có giá bán là 17,11 USD, tương đương gần 400.000 đồng ở Việt Nam, cao gấp hơn 10 lần so với giá bán tại Việt Nam.
Sản phẩm được đánh giá khá tốt, gần 4 sao trên website này. Có nhiều review của khách hàng. Họ chia sẻ rằng, chiếc nón tuởng mỏng manh nhưng lại có thể che mưa, che nắng rất tốt để bảo vệ sức khỏe. Thậm chí, một khách hàng ở Mỹ cho biết, họ đã đặt mua chiếc nón trên Amazon để đội trong một buổi biểu diễn văn nghệ.
Bên cạnh nón lá, chổi bông cỏ (chổi chít) cũng được bán trên Amazon với giá 14,19-19,99 USD, tương đương 300.000-400.000 đồng đi kèm với lời quảng cáo được làm từ rơm tự nhiên, với nhiều mày sắc, rất hữu hiệu.
Đây là sản phẩm bình dân quen thuộc của mỗi gia đình. Chổi được làm thủ công với nguyên liệu chính từ bông đót cắt khi còn xanh và chưa nở hoa. Sau khi phơi khô sẽ bện và hoàn thiện thành chổi quét nhà. Tại Việt Nam, mỗi cây chổi được bán với giá khoảng 30.000 – 40.000 đồng/chiếc.
Ngoài những sản phẩm thủ công truyền thống thì dược phẩm Việt Nam cũng được đánh giá cao trên trang mua bán toàn cầu này. Đơn cử nhất là hộp Cao Sao Vàng được chào bán với giá 7 USD, tương đương khoảng 160.000 đồng, gấp tới 80 lần giá bán trong nước.
Lọ cao có trọng lượng chỉ 3g đã có sức hút kỳ diệu với khách quốc tế khi trong giỏ hàng của người bán luôn cập nhật tình trạng hàng hóa ở mức low stock (còn rất ít) hoặc out of stock (đã hết).
Ngoài Sao Vàng, Cao bạch hổ cũng là mặt hàng được rao bán nhiều trên trang này với giá cao. Tại thị trường trong nước, giá bán của loại cao này là 15.000 đồng, giá trên trang Amazon là 9 USD, tương đương gần 200.000 đồng.
Rõ ràng không thể phủ nhận các sản phẩm truyền thống của Việt Nam đang có sức hút đặc biệt trên các kênh mua bán trực tuyến quốc tế. Chính vì vậy hợp tác chính thức lần này của Amazon với Cục Xúc tiến thương mại được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nội và những làng thủ công mỹ nghệ ở Việt Nam.
Trước Amazon, tập đoàn Alibaba của tỷ phú Jack Ma cũng đã đặt chân vào Việt Nam thông qua việc thâu tóm Lazada. Tháng 10/2017, Alibaba cũng ký thỏa thuận hợp tác với một doanh nghiệp Việt là Novaon để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu. Doanh nghiệp Việt Novaon là đại lý chính thức cung cấp các gói dịch vụ hỗ trợ xuất nhập khẩu của Alibaba.com; giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận, khai thác và làm chủ nền tảng kinh doanh trực tuyến này.
BBT
Nguồn: cafebiz.vn