30 năm thu hút FDI, Việt Nam được gì?
Việt Nam đang chuẩn bị tổng kết 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Một trong những câu hỏi được đặt ra là, sau 30 năm đó, Việt Nam có được những gì?
Một động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Cho đến nay, công tác chuẩn bị cho việc tổng kết 30 năm thu hút FDI ở Việt Nam chỉ mới bắt đầu. Báo cáo tổng kết đang được chuẩn bị, một phần dựa trên báo cáo từ các địa phương gửi về.
Tuy nhiên, thông tin cho biết, Báo cáo tổng kết 30 năm thu hút FDI sẽ kế thừa kết quả nghiên cứu từ Báo cáo tổng kết 25 năm thu hút FDI, đồng thời khảo sát và đánh giá thực trạng FDI trong vòng 5 năm qua (2012 – 2017). Trong đó, bao gồm các đánh giá chuyên sâu về các vấn đề nổi bật của FDI trong thời gian qua, như phát triển công nghiệp hỗ trợ, sự liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, vấn đề chuyển giao công nghệ và tất nhiên, không thể thiếu những đánh giá liên quan đến công tác đảm bảo môi trường của doanh nghiệp FDI, cũng như thu hút FDI vào công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao – theo như định hướng thu hút FDI mới mà Chính phủ đặt ra sau khi tổng kết 25 năm thu hút FDI.
Trong khi chưa thể phân tích chuyên sâu, thì con số dễ thấy nhất, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đó là tính lũy kế cho đến nay, có 23.737 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 307,86 tỷ USD – một con số rất đáng ghi nhận.
Một điều rất đáng ghi nhận khác, khu vực FDI thời gian qua đã đóng góp lớn cho phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. Khu vực này đóng góp tới 70% kim ngạch xuất khẩu, 50% giá trị sản xuất công nghiệp, 22 – 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, 15 – 19% ngân sách… Và khu vực FDI đã thực sự được coi là “động lực tăng trưởng của Việt Nam trong 30 năm Đổi mới vừa qua”.
Cũng vẫn chưa phải là phân tích chuyên sâu, mà chỉ nhìn “bề nổi” thông qua các con số, thì có thể thấy rõ một thực tế khác. Đó là, trong 30 năm qua, dù Việt Nam đã thu hút được trên 300 tỷ USD vốn FDI, nhưng đó mới chỉ là con số đăng ký. Con số giải ngân thực tế, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chỉ ước đạt 163,9 tỷ USD, bằng 53,2% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.
Câu hỏi đặt ra là, hơn 140 tỷ USD vốn FDI đã đăng ký đó hiện đi đâu, về đâu, bao nhiêu là con số thực, bao nhiêu là ảo? Tổng kết 30 năm thu hút FDI, cần phải khảo sát và đánh giá rõ con số này, để chúng ta có được một bức tranh thực về thu hút FDI trong 3 thập kỷ qua.
Nhiều lần trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, GS-TSKH Nguyễn Mại đã nhấn mạnh rằng, khá nhiều trong số số liệu thống kê về tình hình thu hút FDI Việt Nam hiện nay là con số ảo, song những con số đó vẫn được đưa vào niên giám thống kê và báo cáo kinh tế hàng năm mà thực chất chẳng có giá trị thực tế.
Loại bỏ những con số ảo
Hơn một lần, GS-TSKH Nguyễn Mại đã đề xuất việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần chỉ đạo các địa phương kiểm tra toàn diện tình hình các dự án chưa triển khai để phân thành 2 loại là dự án có khả năng thực hiện và dự án không thể triển khai, để từ đó kiên quyết loại bỏ số liệu thống kê các dự án loại 2, đồng thời đôn đốc, theo dõi để các dự án loại 1 nhanh chóng được triển khai. Tổng kết 30 năm thu hút FDI là cơ hội rất lớn để Việt Nam loại bỏ bớt những con số ảo trong số liệu thống kê về vốn đăng ký lũy kế, vì không phù hợp với tình hình thực tế.
Thực tế, dù chưa cần các báo cáo chính xác, vẫn có thể kể ra hàng loạt dự án “ảo”, nói đúng hơn là hàng loạt dự án FDI quy mô lớn mà cho đến nay vẫn chưa thể triển khai. Chẳng hạn, ở Đồng Nai, chỉ riêng Dự án Thành phố mới Nhơn Trạch Berjaya có vốn đầu tư tới 2 tỷ USD. Ở TP.HCM, cũng Berjaya đã đăng ký đầu tư Khu đô thị đại học quốc tế (vốn đầu tư 3,5 tỷ USD), rồi Dự án Trung tâm Tài chính Việt Nam (930 triệu USD). Hay ở Nghệ An, có Dự án Thép Kobelco ở Nghệ An (1 tỷ USD)…
Để loại bỏ các con số ảo và để tiến hành tổng kết 30 năm thu hút FDI, hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang yêu cầu các địa phương báo cáo về tình hình thu hút FDI của địa phương mình trong 30 năm qua, cũng như báo cáo về tình hình triển khai các dự án quy mô lớn, sử dụng nhiều đất… Đáng tiếc, chưa nhiều địa phương thực hiện hiện báo cáo này.
Vừa để chuẩn bị cho việc tổng kết 30 năm thu hút FDI, vừa để thúc đẩy giải ngân vốn FDI, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng vừa đề xuất Chính phủ một loạt giải pháp quan trọng. Mà một trong số đó là thường xuyên theo dõi, đôn đốc các doanh nghiệp FDI thực hiện giải ngân theo cam kết; tiến hành rà soát các dự án đã cấp giấy chứng nhận đầu tư trên địa bàn cả nước để có hướng xử lý đối với từng loại dự án, đặc biệt với các dự án quy mô lớn, sử dụng nhiều đất đai, bao gồm cả việc rút giấy phép nếu cần thiết.
Thông tin cho biết, trên cơ sở tổng hợp báo cáo của địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổ chức 3 đoàn công tác thúc đẩy giải ngân một số dự án FDI lớn chậm triển khai tại miền Bắc, miền Trung và miền Nam vào cuối năm 2017. Đây là động thái quan trọng và cần thiết để vừa thúc đẩy giải ngân vốn FDI phục vụ mục tiêu tăng trưởng, nhưng cũng vừa để có thêm tư liệu thực tế tổng kết 30 năm thu hút FDI.
Nguồn: Báo đầu tư Online