30 năm thu hút FDI: Những người khổng lồ và bước ngoặt chính sách
Thu hút FDI đã khiến Việt Nam từ một nước nghèo, lạc hậu trở thành một trong những cứ điểm của hoạt động sản xuất linh phụ kiện điện tử và là thỏi nam châm thu hút FDI.
Nhiều ông lớn trong các lĩnh vực như bất động sản, công nghệ, chế biến chế tạo đã lần lượt tham gia vào thị trường đầu tư Việt Nam, ngay sau khi Việt Nam mở cửa. Sau đó, Luật Đầu tư nước ngoài cũng ra đời, đánh dấu bước ngoặt trong hoạt động thu hút FDI. Có thể nói, hành trình 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam cũng gần như song trùng với hơn 3 thập kỷ đổi mới của nền kinh tế.
Khu đô thị Phú Mỹ Hưng được xem như một trong những dự án đầu tư tiêu biểu “mở đường” cho hàng loạt các dự án thu hút FDi vào lĩnh vực này.
Nhắc đến đây có lẽ phải kể đến “ông lớn” đại diện tiêu biểu cho làn sóng đầu tư thế hệ thứ nhất đó là nhà đầu tư đến từ Đài Loan (Trung Quốc) Central Trading & Development Group đã chính thức có mặt tại Việt Nam vào năm 1993. Khi đó, nhà đầu tư này đã thành lập tới 3 công ty để phát triển khu chế xuất Tân Thuận, xây dựng nhà máy điện có vốn FDI đầu tiên ở Việt Nam và kiến tạo Khu đô thị Phú Mỹ Hưng.
Có lẽ, điểm nhấn đặc biệt bên cạnh việc kiến tạo khu đô thị Phú Mỹ Hưng, thì nhà đầu tư này cũng đã xây dựng một con đường mang tên đại lộ Nguyễn Văn Linh, dài 17,8km. Theo đó, đại lộ này đã kết nối khu đô thị với trung tâm thành phố, qua vùng đầm lầy huyện Nhà Bè, Quận 8 và huyện Bình Chánh (TP. Hồ Chí Minh). Chính vì vậy, khu đô thị này đã làm thay đổi bộ mặt của thành phố bằng sự sung túng và hiện đại.
Được biết, thời điểm trước khi dự án được cấp phép, đã có nhiều lo ngại liên quan đến việc cấp một dự án đất quá lớn cho một nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, đáng nói hơn cả, sau dự án này của nhà đầu tư này, đã có hàng loạt các dự án đầu tư khác vào lĩnh vực bất động sản nói riêng và các lĩnh vực khác nói riêng được thực hiện một cách dễ dàng. Vì những “trái ngọt” đầu tiên mà nhà đầu tư Đài Loan đã mang lại. Được biết tính đến tháng 9/2019, tổng vốn đầu tư luỹ kế vào lĩnh vực bất động sản là 57,4 tỷ USD với 740 dự án.
Trong làn sóng đầu tư thứ 2, “người khổng lồ” đến từ Mỹ đó là Intel đã tạo ra một “bước ngoặt” mang tính lịch sử. Việc Intel đầu tư 1 tỷ USD vào năm 2006 đã tạo được tiếng vang cho thị trường đầu tư Việt Nam, các nhà đầu tư trong nước và khu vực biết đến Việt Nam như là một điểm đến đầu tư đẳng cấp vì có “con dấu đảm bảo” của Intel khi đó.
Sau đó, không thể không nhắc đến nhà đầu tư Samsung và Việt Nam đã trở thành cứ điểm sản xuất toàn cầu hoàn của “ông lớn” Hàn Quốc này. Hiện nay, tổng giá trị đầu tư của Samsung tại thị trường Việt Nam khoảng với 17,3 tỷ USD.
Tiếp đó, lần lượt những cái tên quen thuộc khác như LG, Microsoft, Bosch, Canon, Jabil Circuit Inc, Nidec, Fuji Xerox, Kyocera…cũng sớm có mặt tại thị trường Việt Nam.
Nhà máy LG Innotek Hải Phòng của nhà đầu tư LG Innotek Co., Ltd. (Hàn Quốc) với tổng vốn đầu tư 550 triệu USD. Ảnh: GenK
Chính sự gia nhập của những đại gia này, bên cạnh việc giải quyết việc làm, thì những đóng góp vào xuất khẩu là vô cùng quan trọng. Còn nhớ, năm 2017, tổng giá trị xuất nhập khẩu Việt Nam đã đạt hơn 400 tỷ USD.Trong đó, xuất khẩu là gần 204 tỷ USD, ngoài ra, chỉ riêng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng điện thoại, máy tính, điện tử và linh kiện các loại đạt kỷ lục với 71,6 tỷ USD.
Có được những thành quả này, phải kể đến sự ra đời đúng thời điểm của Luật Đầu tư nước ngoài ngày 29/12/1987. Cụ thể, Luật này được ra đời vào cuối năm 1987 khi đó Hiến pháp năm 1980 vẫn đang có hiệu lực. Tuy nhiên, khi đó, Hiến pháp mới chỉ đề cập 2 thành phần kinh tế là kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể. Điểm khác biệt của Luật Đầu tư nước ngoài khi đó hướng đến nguồn lực mới đó là đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Khi đó, Luật Đầu tư nước ngoài được các nhà bình luận thế giới đánh giá đây là một trong những đạo luật về đầu tư hấp dẫn nhất trong khu vực. Được biết, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được xây dựng dựa trên sự học hỏi kinh nghiệm 18 luật đầu tư nước ngoài của các quốc gia khác.
Chia sẻ rõ hơn về điều này, GS. TSKH Nguyễn Mại – nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (SCCI) cho biết: “Bởi chỉ học hỏi cái hay, nên Luật của Việt Nam hấp dẫn. Hơn nữa, khi đó, các nước xung quanh như Thái Lan, Indonesia chỉ mở cửa dần dần, giới hạn đầu tư của nước ngoài là 49%, còn Việt Nam thì ngay lập tức mở cửa, thông thoáng hết mức, chấp nhận doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, chỉ giới hạn tỷ lệ góp vốn tối thiểu của nhà đầu tư nước ngoài là 30%, mà không giới hạn tối đa”.
Nguồn: enternews.vn