30 năm FDI: Dự luật lịch sử và những chuyên cơ chở tỷ phú
Những ngày đầu tháng 11/2017, các chuyên cơ chở những người được coi là đã làm nên diện mạo của kinh tế thế giới liên tiếp đáp xuống Sân bay Đà Nẵng. Một hình ảnh mà 30 năm trước, không ai dám nghĩ tới. Nhưng tất cả đều là sự thật. Và nó khởi nguồn từ một quyết định mang tính lịch sử: ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Từ quyết định mang tính lịch sử
Câu chuyện về 30 năm thu hút FDI với GS – TSKH. Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (SCCI) lại bắt đầu về một người thợ cơ khí bậc 6 ở Hà Nội. Khi ấy, người thợ này tuyên bố sẽ làm được những chiếc ô tô đủ sức “đánh bật” cả ô tô Toyota, Honda của Nhật Bản và ngay lập tức, đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ TP. Hà Nội. Tất nhiên, ý tưởng “điên rồ” đó đã thất bại.
Hàng loạt CEO nổi tiếng thế giới đã tới tham dự APEC CEO Summit là minh chứng cho sự đúng đắn của quyết định lịch sử 30 năm trước. Trong ảnh: Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại APEC CEO Summit tháng 11/2017 |
“Hồi ấy, kể cả những ảo tưởng như vậy mà còn được ủng hộ, đủ thấy nền kinh tế Việt Nam là ‘không có gì’. Chúng ta khát vốn, làm không đủ tiêu, lạm phát lên tới 774,7%. Do vậy, buộc phải nghĩ đến nguồn lực nước ngoài và đó là lý do vì sao, ngay sau Đổi mới, thì dự luật đầu tiên được xây dựng là Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”, GS. Nguyễn Mại kể và cho biết, chỉ sau khoảng 6 tháng chuẩn bị, Luật được chính thức thông qua vào ngày 29/12/1987.
Thực ra, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam không phải là văn bản pháp luật đầu tiên của Việt Nam liên quan đến thu hút đầu tư nước ngoài. Năm 1977, dưới sự chỉ đạo của Phó thủ tướng Đặng Việt Châu và sự chắp bút của GS. Lưu Văn Đạt, Điều lệ về đầu tư của nước ngoài đã chính thức ra đời.
Chỉ tiếc rằng, vì một số lý do, nên chưa có một giấy phép đầu tư nào được cấp dựa trên căn cứ trực tiếp là Điều lệ Đầu tư 1977. Tuy vậy, dựa trên Điều lệ này, một số hiệp định đầu tư được ký kết và một trong số đó là Hiệp định về việc thành lập Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro, tồn tại và hoạt động kinh doanh hiệu quả cho đến tận bây giờ.
“Thời điểm đó, đây là một quyết định mang tính lịch sử”, ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định.
Lý do rất dễ hiểu, bởi khi Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được ban hành vào cuối năm 1987, thì Hiến pháp 1980 vẫn đang có hiệu lực, mà Hiến pháp khi ấy chỉ đề cập 2 thành phần kinh tế là kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể – trong một nền kinh tế kế hoạch tập trung. Vậy mà Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam lại hướng đến một nguồn lực hoàn toàn mới: đầu tư trực tiếp nước ngoài. Phải tới tận năm 1990, Luật Công ty, Luật Doanh nghiệp tư nhân mới chính thức ra đời. Và Hiến pháp 1980 cũng phải tới tận năm 1992 mới được sửa đổi.
“Nếu hồi ấy cứ máy móc bám theo các nguyên tắc cứng nhắc thì không thể cho ra đời đạo luật có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của kinh tế đất nước như vậy”, ông Phúc nói.
Sau khi Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành, thế giới bình luận đó là một trong các đạo luật về đầu tư hấp dẫn nhất trong khu vực. Hấp dẫn nhất là bởi Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được xây dựng dựa trên sự học hỏi kinh nghiệm 18 luật đầu tư nước ngoài của các quốc gia khác.
“Chỉ học hỏi cái hay, nên Luật của Việt Nam hấp dẫn. Hơn nữa, khi đó, các nước xung quanh như Thái Lan, Indonesia chỉ mở cửa dần dần, giới hạn đầu tư của nước ngoài là 49%, còn ta thì ngay lập tức mở cửa, thông thoáng hết mức, chấp nhận doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, chỉ giới hạn tỷ lệ góp vốn tối thiểu của nhà đầu tư nước ngoài là 30%, mà không giới hạn tối đa”, GS. Nguyễn Mại lý giải.
Chưa kể, còn hàng loạt chính sách ưu đãi đầu tư được thực hiện. Và quan trọng hơn hết đó là việc SCCI chính thức được thành lập vào tháng 3/1989, rồi sau đó được giao nhiệm vụ là đầu mối để quản lý các hoạt động về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Đây là một ủy ban liên bộ, đầy đủ thẩm quyền trong tay, phê duyệt dự án rất nhanh, khi cần thiết có thể trình thẳng lên Thủ tướng, nên GS. Nguyễn Mại nói, thủ tục đầu tư khi ấy “không ai kêu ca gì hết”, nhà đầu tư rất hào hứng. Bởi vậy, sau đó mới lần lượt có những làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Đến những làn sóng FDI vào Việt Nam
Bây giờ nhìn lại, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nói rằng, Luật Đầu tư nước ngoài 1987 “không thể tránh khỏi những thiếu sót, hoặc hạn chế mà trong quá trình thực hiện mới phát hiện ra”, nên tới năm 1990, Việt Nam đã lần đầu tiên phải sửa đổi Luật. Sau đó, liên tục có các đợt sửa đổi Luật trong năm 1992, 1996, 2000, 2005, rồi năm 2014, để có các quy định phù hợp hơn với diễn biến kinh tế thế giới và Việt Nam. Thế nhưng, vai trò của Luật Đầu tư nước ngoài 1987 là vô cùng to lớn.
“Luật Đầu tư nước ngoài 1987, với những tư tưởng cởi mở, thông thoáng, tầm nhìn xa, trông rộng đã mở đường cho thu hút FDI và thực sự đã phát huy hiệu quả, tạo đà cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam trong các giai đoạn khó khăn. Luật này đã trở thành cầu nối vươn ra bên ngoài và cùng với những nhân tố khác đưa vị thế của Việt Nam nâng lên tầm cao mới”, ông Đỗ Nhất Hoàng nói.
Con số có thể chứng minh được thực tế đó. Chỉ trong hơn 2 năm, kể từ năm 1988 đến tháng 5/1990, đã có 213 giấy phép đầu tư được cấp, với tổng vốn đăng ký gần 1,8 tỷ USD. Khi ấy, dòng vốn FDI vào Việt Nam còn dè dặt, bởi công cuộc Đổi mới của Việt Nam mới chập chững những bước đi đầu tiên và khi ấy, Mỹ cũng còn đang bao vây, cấm vận nền kinh tế Việt Nam.
Sự bùng nổ khởi nguồn từ năm 1991, khi làn sóng FDI thứ nhất vào Việt Nam bắt đầu. Theo đó, chỉ trong vòng 7 năm, đã có 2.230 dự án đăng ký đầu tư vào Việt Nam, với 16,244 tỷ USD vốn đăng ký và 12,98 tỷ USD vốn thực hiện. Trong đó, chỉ riêng năm 1997, vốn thực hiện đã đạt 3,115 tỷ USD, gấp 9,5 lần năm 1991.
Dòng vốn này đã chững lại trong giai đoạn 1998 – 2004, do tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực. Năm 1998, vốn đầu tư đăng ký chỉ là 5,099 tỷ USD; năm 2000 là 2,838 tỷ USD; năm 2004 là 4,547 tỷ USD.
Làn sóng thứ hai bắt đầu từ năm 2005, với vốn đăng ký 6,839 tỷ USD và vốn thực hiện 3,3 tỷ USD, sau đó bật tăng lên 12 tỷ USD trong năm 2006; 21 tỷ USD trong năm 2007 và từ đó tới nay, liên tục ở mức cao. Tuy có những thời điểm chững lại do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, song làn sóng FDI thứ 3 được cho là đang dồn dập đổ tới Việt Nam.
Tháng 6/1990: Sửa đổi Luật Đầu tư nước ngoài lần đầu tiên; tháng 12/1992: Sửa đổi Luật Đầu tư nước ngoài lần thứ hai. Thu hút đầu tư nước ngoài đã nâng lên 459 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư là 5,28 tỷ USD. Trong giai đoạn này, vốn FDI tăng tốc. Làn sóng đầu tư thứ nhất bắt đầu.
Năm 1996: Sửa đổi và ban hành Luật Đầu tư nước ngoài 1996. Do tác động của khủng hoảng kinh tế khu vực, nhịp tăng vốn đầu tư nước ngoài thực hiện năm 1997 tăng 25%, nhưng năm 1998 đã giảm 40%, năm 1999 giảm tiếp 22%.
Năm 2000: Tiếp tục sửa đổi Luật Đầu tư nước ngoài. Thu hút FDI năm nay tiếp tục chậm lại, chỉ đạt 2,838 tỷ USD.
Năm 2005: Ban hành Luật Đầu tư chung, thay thế Luật Đầu tư nước ngoài và Luật Đầu tư trong nước. Vốn FDI tăng mạnh trở lại, làn sóng đầu tư thứ hai bắt đầu. Năm 2005, thu hút được 6,839 tỷ USD.
Năm 2014: Sửa đổi và ban hành Luật Đầu tư 2014, tạo một bước đột phá về tư duy, bởi từ nay, doanh nghiệp và nhà đầu tư được làm những gì mà pháp luật không cấm. Làn sóng đầu tư thứ ba bắt đầu. Năm 2017, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có thể vượt 35 tỷ USD .
11 tháng đầu năm nay, đã có trên 33 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, đưa tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký trong gần 30 năm qua lên gần 317 tỷ USD, một con số mà chắc chắn, 3 thập kỷ trước đây khi ký ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, không một vị lãnh đạo đất nước nào nghĩ tới.
30 năm thu hút FDI của Việt Nam cũng gần như song trùng với hơn 3 thập kỷ Đổi mới của nền kinh tế. Không quá khó để thấy, trong thành công hôm nay của kinh tế Việt Nam, có đóng góp lớn của khu vực FDI.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, khi trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội hồi cuối tháng 11 vừa qua, cũng đã nói, năm nay, Việt Nam sẽ tổng kết 30 năm thu hút FDI và kết quả trong thời gian qua cho thấy, FDI đã đóng vai trò quan trọng cho xuất khẩu, giải quyết việc làm, chuyển giao công nghệ và quản lý, đặc biệt là góp phần thúc đẩy kinh tế trong nước. “Chính FDI đã đóng góp to lớn cho nền kinh tế Việt Nam và là một thành phần của nền kinh tế Việt Nam”, Thủ tướng nói.
Và những chuyên cơ chở tỷ phú
Nhớ lại 30 năm trước đây, GS. Nguyễn Mại kể, khi ấy, các dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam còn rất nhỏ, có dự án chỉ vài chục USD, ví như dự án làm taxi ở Bà Rịa – Vũng Tàu, chắc chủ yếu là để phục vụ các chuyên gia làm việc ở Liên doanh Vietsovpetro. Hồi đầu, khi SCCI chưa được thành lập, thì Ban Kinh tế đối ngoại là cơ quan chịu trách nhiệm chính cấp giấy phép đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài. Khi ấy, ban này mới chỉ cấp được 8 giấy phép đầu tư, có tổng vốn đầu tư cỡ đâu đó khoảng 5 triệu USD.
Bây giờ thì khác. Đầu tháng 11/2017, các chuyên cơ chở lãnh đạo của hàng loạt tập đoàn lớn trên toàn cầu đã tới Đà Nẵng tham dự Hội nghị CEO Summit. Một hình ảnh trái ngược với những dè dặt ban đầu của các nhà đầu tư nước ngoài, khi mới đặt chân tới Việt Nam vào 30 năm trước.
Thực ra, tháng 11/2013, trên các chuyên cơ, các chính khách và tỷ phú của các quốc gia trên thế giới đã tới Đà Nẵng để dự một hội nghị tài chính mang tầm quốc tế. Sau đó, có câu chuyện được tiết lộ rằng, các tỷ phú đã dành hàng tiếng để nói về Việt Nam như một điểm đến đầu tư vô cùng hấp dẫn.
Và hàng loạt tên tuổi hàng đầu thế giới cứ tiếp tục đến Việt Nam. Đây là điều mà vào thời điểm Việt Nam bắt đầu thực hiện công cuộc Đổi mới, không một ai dám nghĩ tới. Nhưng tất cả đều là sự thật. Và có lẽ nó được khởi nguồn từ một quyết định mang tính lịch sử từ 30 năm trước: ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Tất nhiên, để tới được con đường hôm nay, thì còn là một hành trình rất dài.
Nguồn: Báo Đầu tư Online