3 lý do khiến Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài
Theo GS. Nguyễn Mại, sở dĩ Việt Nam thu hút hiệu quả vốn đầu tư nước ngoài vào và tiến hành cấp các thủ tục một cách nhanh chóng do Luật Đầu tư của Việt Nam có nhiều lợi thế cho các doanh nghiệp.
Việt Nam đang đánh giá tổng kết 30 năm thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Theo nhiều chuyên gia nhận định, sự nghiệp của FDI của Việt Nam 30 năm qua (1987 – 2017) để thoát nghèo, phát triển kinh tế – xã hội của đất nước đã rất thành công.
Theo đó, tính đến 20/11/2017 theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư), Việt Nam đã thu hút được hơn 316,9 tỷ USD vốn FDI đăng ký, vượt quá khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Trên 170,8 tỷ USD đã được giải ngân, đưa vào đầu tư, sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp có vốn FDI. Nguồn vốn này hiện đã chiếm tới gần 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong năm, đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế.
TheLEADER đã có dịp trò chuyện với GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư – người đã có công rất lớn trong việc kết nối Tập đoàn Nomura của Nhật Bản đầu tư vào trong một trong những khu công nghiệp đầu tiên của Việt Nam.
Nomura tại Việt Nam sau đó đã được xây dựng một cách nhanh chóng, thu hút được nhiều doanh nghiệp công nghệ cao, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động, đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước nói chung.
Ông có thể chia sẻ một chút về những năm tháng đầu tiên đáng nhớ đó khi Việt Nam bắt đầu thực hiện các chính sách thu hút FDI?
GS. Nguyễn Mại:Sau khi Luật Đầu tư nước ngoài ra đời, trong thời gian đầu, vốn đầu tư nước ngoài chưa tác động rõ rệt đến tình hình kinh tế. Trong ba năm (1988 – 1990), Việt Nam chỉ thu hút được chưa đến 1 tỷ USD vốn thực hiện, phần lớn là dự án quy mô nhỏ.
Còn nhớ thời điểm năm 1992, ông Tabuchi, Chủ tịch Tập đoàn Nomura (tập đoàn về chứng khoán lớn nhất Nhật Bản) đã mời tôi sang thăm quan. Chuyến thăm đó có hai mục đích, vừa là để Nomura giới thiệu về tiềm lực kinh tế, vừa muốn tìm hiểu chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam.
Sau chuyến thăm khoảng một tuần, ông Tabuchi đã cùng nhiều cán bộ chủ chốt của Tập đoàn Nomura sang Việt Nam để tìm hiểu chính sách đầu tư vào các khu công nghiệp. Ông Tabuchi đã có ấn tượng rất tốt về chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam.
Tôi còn nhớ lúc bấy giờ ông Đào An là Chủ tịch TP. Hải Phòng đã trao đổi với tôi và mời ông Tabuchi xuống Hải Phòng tìm hiểu, nghiên cứu thực tế nhằm tìm kiếm cơ hội giúp doanh nghiệp này đầu tư vào khu công nghiệp tại đây.
Cuối cùng, ông Tabuchi đã quyết định đầu tư tại Hải Phòng khiến thành phố này trở thành một trong những địa phương đầu tiên có vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Ông đánh giá như thế nào về thành công ban đầu đó trên chặng đường thu hút FDI vào Việt Nam?
GS. Nguyễn Mại: Có thể nói, đây là một thành công không nhỏ. Nomura thời điểm đó là một Tập đoàn chứng khoán hàng đầu Nhật Bản, vai trò của Chủ tịch Nomura lớn không kém Thủ tướng Nhật Bản.
Thắng lợi ban đầu này đã giúp Việt Nam tiếp tục nuôi hy vọng sẽ hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hơn nữa. Và thực tế đã chứng minh điều này khi với uy tín của một tập đoàn lớn, ông Tabuchi đã đưa 70 nhà đầu tư vào Việt Nam.
Các khu công nghiệp phát triển đã thu hút được nhiều doanh nghiệp trên mọi lĩnh vực như công nghệ cao, dệt may, công nghiệp chế tạo máy, tiêu dùng.
Qua đó, đóng góp rất lớn cho sự tăng trưởng chung của nền kinh tế; tạo ra việc làm cho nhiều lao động; tăng tỷ trọng sản xuất công nghiệp, tăng tỷ trọng hàng xuất khẩu về công nghiệp; đem lại lợi ích về thu thuế thu ngân sách cho xã hội.
Theo ông đâu là nguyên nhân khiến trong suốt 30 năm thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã đạt được những chỉ số rất đáng ghi nhận?
GS. Nguyễn Mại: Tôi cho rằng, sở dĩ Việt Nam thu hút hiệu quả vốn đầu tư nước ngoài vào và tiến hành cấp các thủ tục một cách nhanh chóng do Luật Đầu tư của Việt Nam có nhiều lợi thế cho các doanh nghiệp.
Trong đó, phải kế đến ba yếu tố quan trọng nhất: Trước hết là Luật Đầu tư nước ngoài thông thoáng nhất so với Luật đầu tư của một số nước trong khu vực châu Á.
Thứ hai, thủ tục đầu tư nước ngoài do Uỷ ban Nhà nước về hợp tác đầu tư cấp, chưa yêu cầu phân cấp quản lý cho tỉnh.
Khi đó, dự án các địa phương tất cả tập trung về Uỷ ban Nhà nước về hợp tác đầu tư. Tại Uỷ ban có Trung tâm thẩm định dự án, nhân sự của Trung tâm không chỉ có các chuyên gia của Uỷ ban mà còn có các chuyên gia của các bộ ngành có lĩnh vực đầu tư chuyên môn. Do đó, các nhà đầu tư hầu như không phải đi lại nhiều, thủ tục hành chính được tinh gọn.
Thứ ba, chính sách ưu đãi của Việt Nam khá cao. Tại thời điểm đó, phần lớn các dự án lớn đều chỉ chịu 10% thuế thu nhập doanh nghiệp và giảm 5 năm đầu tiên không phải nộp, 5 năm tiếp theo chỉ nộp 5%.
Chính sách ưu đãi này rất tốt cho đầu tư nước ngoài, trong đó Nhật Bản và Đài Loan đã đầu tư vào Việt Nam sớm nhất tận dụng được lợi thế này.
Tiếp đà tăng trưởng, các ưu đãi đối với các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam đang ngày càng được các cơ quan quản lý Nhà nước, Chính phủ quan tâm.
Theo quy định hiện nay, mức ưu đãi cao nhất về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với một số lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư đang được áp dụng tại các khu kinh tế, khu công nghệ cao là 10% trong thời hạn 15 năm; miễn 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo.
Đặc biệt, trong dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, các quy định còn kéo dài thời gian áp dụng mức thuế ưu đãi 10% lên tới 30 năm, đồng thời mở rộng thêm nhiều ưu đãi khác về tiền sử dụng đất, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu. Trên cơ sở đó, tôi tin rằng, Việt Nam sẽ thu hút mạnh mẽ đầu tư FDI hơn nữa trong thời gian tới.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: The Leader