1.670 công ty Nhật nộp hồ sơ “thoát Trung” đợt 2
Trung Quốc đã mất dần sức hấp dẫn của một cứ điểm sản xuất khi chi phí lao động ở đó tăng lên. Trong một cuộc khảo sát năm 2019 về các công ty Nhật Bản của JETRO, chi phí sản xuất của Trung Quốc hiện đang bằng khoảng 80% chi phí ở Nhật Bản, trong khi con số đó đối với Việt Nam chỉ khoảng 74%.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 cảnh báo nguy cơ phụ thuộc chuỗi cung ứng vào một khu vực, đặc biệt là Trung Quốc, các doanh nghiệp đã có sự quan tâm mạnh mẽ đến các khoản trợ cấp của chính phủ Nhật Bản cho việc đưa sản xuất trở lại quê hương”.
Theo Nikkei Asian Review, chính phủ đã dành 220 tỷ JPY (2,07 tỷ USD) trong ngân sách bổ sung năm tài chính 2020 cho Chương trình Thúc đẩy sản xuất nội địa của Nhật Bản.
Trong vòng trợ cấp đầu tiên, kết thúc vào tháng 6, chính phủ đã phê duyệt 57 dự án (hơn một nửa trong số 90 dự án đăng ký) quay về Nhật Bản với tổng trị giá 57,4 tỷ JPY. 30 công ty khác đã được hỗ trợ theo một chương trình khác trị giá 23,5 tỷ JPY (riêng biệt với chương trình kia) tập trung vào việc di dời đến Đông Nam Á.
Đợt nộp hồ sơ thứ hai, kết thúc vào tháng 7, nhận được đông đảo phản hồi hơn nhiều.
1.670 hồ sơ trị giá khoảng 1,76 nghìn tỷ JPY đang yêu cầu “thoát Trung” – gấp 11 lần số tiền còn lại trong ngân sách. Các công ty sẽ được lựa chọn vào tháng 10 sau khi vượt qua vòng đánh giá của các chuyên gia.
Mặc dù chính phủ hiện không có kế hoạch chi thêm tiền cho Chương trình này, nhưng một số ứng cử viên đang tìm cách kế nhiệm ông Shinzo Abe để trở thành thủ tướng mới đã đề cập đến các biện pháp hỗ trợ đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Các khoản trợ cấp áp dụng cho doanh nghiệp sản xuất các loại hàng hóa quan trọng đối với sức khỏe cộng đồng hoặc được sản xuất phần lớn ở một số quốc gia cụ thể. Nhiều dự án được phê duyệt trước đây liên quan đến khẩu trang và các sản phẩm y tế. Trợ cấp bao gồm một phần chi phí nhất định, giới hạn ở mức 15 tỷ JPY cho mỗi dự án.
Ace Japan nằm trong số các công ty đã giành được trợ cấp trong vòng đầu tiên. Nhà sản xuất thành phần thuốc sẽ động thổ vào đầu mùa hè năm sau trên một nhà máy ở tỉnh Yamagata.
Iris Ohyama, một trong những công ty đầu tiên khác được chấp thuận trợ cấp, đã sử dụng tiền của mình để bắt đầu sản xuất khẩu trang trong nước, đa dạng hóa ra bên ngoài Trung Quốc.
Showa Glove có kế hoạch bắt đầu sản xuất găng tay cao su trong nước sớm nhất là vào mùa xuân năm 2023, thay thế khoảng 10% hàng nhập khẩu. Công ty bán găng tay được sản xuất ở nước ngoài, chủ yếu ở Malaysia, nhưng đại dịch đã làm gián đoạn nguồn cung của công ty.
Yasuyuki Todo, giáo sư kinh tế tại Đại học Waseda ở Tokyo, cho biết: “Các chính sách bảo hộ đã phổ biến ngay cả trước khi Covid-19 xuất hiện, nhưng cú sốc từ đại dịch khiến xu hướng này diễn ra nhanh hơn”.
Đại diện của một trong những doanh nghiệp nhận trợ cấp thừa nhận rằng “chúng tôi đã quyết định sản xuất trong nước ngay cả khi không được trợ cấp”.
Các dự án được trợ cấp có xu hướng liên quan đến việc các công ty đa dạng hóa mạng lưới sản xuất của họ, để đảm bảo an toàn hơn trong trường hợp khẩn cấp, thay vì chỉ đơn giản là đóng cửa các hoạt động ở nước ngoài và chuyển về nước.
Đáng chú ý, Trung Quốc đã mất dần sức hấp dẫn của một cứ điểm sản xuất khi chi phí lao động ở đó tăng lên. Trong một cuộc khảo sát năm 2019 về các công ty Nhật Bản của JETRO, chi phí sản xuất của Trung Quốc hiện đang bằng khoảng 80% chi phí ở Nhật Bản, trong khi con số đó đối với Việt Nam chỉ khoảng 74%.
Nguồn cafef.vn