Tập đoàn Hòa Phát lãi 8.100 tỷ đồng sau 11 tháng
Ước tính cả năm 2018, Hòa Phát sẽ tiêu thụ khoảng 3 triệu tấn thép các loại ra thị trường. Con số này sẽ tăng lên 3,5 – 4 triệu tấn trong năm 2019 sau khi Khu liên hợp thép tại Dung Quất đi vào hoạt động.
Cổ phiếu HPG của Công ty cổ phần tập đoàn Hòa Phát (HPG) gần đây đã giảm tới 30% so với giá đỉnh, khiến vốn hoá tập đoàn thép giữ thị phần số một của Việt Nam chỉ còn 73.000 tỷ.
Nhà sáng lập tập đoàn, Chủ tịch HĐQ Hóa Phát ông Trần Đình Long cũng ra khỏi danh sách tỷ phú USD trong bảng xếp hạng của Tạp chí Forbes.
Trong buổi Gặp mặt nhà đầu tư vừa được tổ chức, Chủ tịch Hòa Phát đã có những động thái trấn an nhà đầu tư. Ông Long cho biết, sau 11 tháng, Hòa Phát đã hoàn thành kết quả kinh doanh năm với doanh thu đạt trên 50.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 8.100 tỷ đồng.
Kết quả này đã vượt kết hoạch năm 2018 của Ban lãnh đạo tập đoàn đặt ra hồi đầu năm (doanh thu 55.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 8.050 tỷ đồng).
Năm 2018, Hòa Phát đẩy mạnh sản lượng tiêu thụ thép để mở rộng thị phần, tháng 10 vừa qua sản lượng thép xây dựng đạt cao nhất lịch sử 250.000 tấn, tháng 11 đạt 220.000 tấn. Dự kiến sản lượng bán hàng các loại thép sẽ đạt khoảng 3 triệu tấn trong năm nay, trong đó có trên 2,3 triệu tấn thép xây dựng, 600-700 nghìn tấn ống thép.
Sau khi Khu liên hợp gang thép Dung Quất đi vào hoạt động từ năm sau, Hòa Phát đặt kế hoạch 2019 sản lượng khoảng 3,5 triệu – 4 triệu tấn, tăng khoảng 33% so với thực hiện năm nay.
Ông Long cho biết tiến độ xây dựng Khu liên hợp Dung Quất hiện tương đối đúng tiến độ, dự kiến đến cuối quý 1, đầu quý 2/2019 lò cao số 1 sẽ đi vào hoạt động.
Được biết, Hòa Phát đã triển khai hàng loạt các biện pháp để mở rộng thị phần như tăng quảng cáo tiếp thị, tăng cường nhân lực, thuê thêm kho bãi, làm cảng trên sông Đồng Nai để tiếp quản thép từ miền Trung chuyển vào, tăng cường lượng hàng ở phía Nam, phía Bắc và thị trường xuất khẩu.
Tỷ trọng xuất khẩu đang chiếm khoảng 10% tổng sản lượng thép của Tập đoàn với thị trường đa dạng như Lào, Campuchia, Malayxia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Canada, đặc biệt là Mỹ, nơi đánh thuế 25% với thép nhập khẩu từ Việt Nam nhưng thép Hòa Phát vẫn xuất khẩu được sản phẩm vào thị trường này.
Liên quan đến việc quỹ ngoại liên tiếp bán ròng cổ phiếu HPG thời gian gần đây, ông Long cho rằng quỹ PENM là nhà đầu tư nên việc đến hạn phải bán ra là bình thường.
Đại diện PENM cho biết quỹ là đối tác chiến lược lâu năm của HPG từ năm 2007 và cho đến giờ đã có 4 quỹ do PENM quản lý đang đầu tư vào tập đoàn Hòa Phát.
“Hiện PENM đang trong giai đoạn huy động quỹ mới để đầu tư vào HPG, điều này thể hiện cam kết lâu dài đầu tư vào HPG. Hiện tại, PENM III chưa bán nhiều HPG. Việc bán cổ phiếu như vậy là điều bắt buộc do điều khoản quỹ. Nhưng PENM III còn 2,5 năm nữa mới đến thời hạn đóng quỹ nên không có áp lực phải bán hết cổ phiếu HPG thời gian này”, đại diện Quỹ PENM cho biết.
Đánh giá về các yếu tố ảnh hưởng tới Hòa Phát trong giai đoạn 2019 – 2020, lãnh đạo Tập đoàn cho rằng thép vẫn là trọng số lớn nhất với Hòa Phát. Do vậy, có 2 yếu tố sẽ ảnh hưởng chính là tính chu kỳ của ngành thép thế giới và tăng trưởng kinh tế thế giới; sự phát triển của thị trường bất động sản.
Theo Chủ tịch Hòa Phát, Việt Nam là nước đang phát triển nên nhu cầu xây dựng hạ tầng đường xá, thị trường bất động sản sẽ có nhiều tiềm năng phát triển. Mặt khác, Hòa Phát luôn sẵn sàng thích ứng với những biến động của thế giới, chủ động trong mọi trường hợp nhằm đảm bảo sự phát triển, và thị phần là mục tiêu quan trọng nhất, lợi nhuận là hệ quả tất yếu.