Chủ Dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong xin chuyển đổi hình thức đầu tư

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có buối làm việc với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về Dự án Trung tâm Điện lực khí và Kho cảng LNG Vân Phong.

Theo đó, nội dung của cuộc làm việc với các đơn vị trên liên quan đến toàn bộ dự án trước đó được thực hiện trên khu vực Dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong mà Petrolimex (làm chủ đầu tư) vừa đề nghị Chính phủ cho phép dừng triển khai.

Tại buổi làm việc, đại diện Petrolimex báo cáo nguyên nhân dừng Dự án với lý do chính là tập trung vốn đầu tư các dự án quan trọng khác.

Trước đó, từ năm 2008, Petrolimex và các đối tác đã đăng ký đầu tư Dự án tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong với số vốn dự kiến ban đầu khoảng 4,4 – 4,8 tỷ USD. Nhà máy sử dụng 300 ha mặt đất và 300 ha mặt biển; công suất thiết kế đạt 200.000 thùng/ngày, tương đương 10 triệu tấn/năm. Dự án dự kiến khởi công năm 2011 và đi vào hoạt động cuối năm 2013, với các sản phẩm như khí hóa lỏng LPG, xăng (RON 92, 95, 98), dầu hỏa, diesel, lưu huỳnh, polypropylene, benzen.

Đến cuối năm 2014, Tập đoàn JX Nippon Oil & Energy đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác chiến lược với Petrolimex, là cơ sở để hai bên liên doanh triển khai Dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong.

Tại thời điểm đó, Petrolimex và JX Nippon Oil & Energy dự kiến hoàn tất việc phát hành tăng vốn, thành lập công ty liên doanh đầu tư Dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong để xúc tiến các thủ tục đầu tư vào giữa năm 2015.

Đến năm 2016, JX đã chính thức thành đối tác chiến lược của Petrolimex với việc mua 8% cổ phần của tập đoàn. Tuy nhiên, sau 2 năm yên ắng, đến nay Petrolimex bất ngờ xin rút khỏi dự án này.

Cuộc làm việc với Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa, đại diện Petrolimex trình bày nguyện vọng được thay đổi hình thức đầu tư bằng Dự án Trung tâm điện lực khí và Kho cảng LNG Vân Phong, với sự tham gia đầu tư của EVN.

Theo đó, dự án này có diện tích khoảng 30 0ha (nằm hoàn toàn trong dự án đã xin dừng), được triển khai thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, xây dựng 2 nhà máy nhiệt điện tuabin khí có tổng công suất 3.000 MW và kho cảng LNG Vân Phong có sức chứa 180.000 m3; giai đoạn 2 tiếp tục xây dựng 2 nhà máy nhiệt điện tuabin khí với tổng công suất tương đương các nhà máy giai đoạn 1.

Chủ tich UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh cho biết, đây là một dự án lớn nên cần được xem xét kỹ lưỡng, nên Khánh Hòa đề nghị chủ đầu tư đưa ra báo cáo chi tiết và dự kiến tiến độ thực hiện… để trình Ban thường vụ Tỉnh ủy xem xét chủ trương.

Nguồn: baodautu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo