Khu công nghiệp 1.200 tỷ treo nhiều năm ở Hải Dương được điều chỉnh quy hoạch và chuẩn bị hồi sinh

Tháng 2/2009, Hải Dương đã đồng ý chủ trương giao CTCP Công nghiệp Tây Bắc lập quy hoạch chi tiết và lập dự án đầu tư xây dựng hạ tầng KCN Tân Trường mở rộng, đồng thời chuyển quy hoạch CCN Tân Trường thành KCN Tân Trường (mở rộng). 

Do khó khăn trong quá trình triển khai nên dự án đã trở thành quy hoạch treo trong nhiều năm và đến năm 2021 mới được thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và khởi động lại. 

Thông tin từ Báo Hải Dương, sau khi tái khởi động, vào cuối năm 2021 xã Tân Trường đã phát thông báo thu hồi đất đến 577 hộ liên quan, di dời khoảng 400 ngôi mộ nghĩa trang Đống Bi và thu hồi đất 4 hộ khoán thầu đất công điền. Tổng kinh phí khoảng 260 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong quý IV năm nay.

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Hải Dương, KCN Tân Trường mở rộng thời gian qua là khu chậm bàn giao mặt bằng nhất trong tất cả các dự án công nghiệp mở rộng nên chủ đầu tư chưa thể xây dựng hạ tầng. Nguyên nhân chính là do chờ điều chỉnh quy hoạch. 

Theo báo cáo mới đây của chủ đầu tư, kể từ thời điểm có quyết định phê duyệt lựa chọn nhà đầu tư đến nay đã có những biến động về chính sách pháp luật, thay đổi về các điều kiện hiện trạng công trình, hạ tầng kỹ thuật ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả đầu tư và tiến độ triển khai của dự án. 

Cụ thể, quy hoạch đã phê duyệt chiều cao trung bình công trình nhà máy là 1 – 2 tầng, mật độ xây dựng tối đa 60%. Các chỉ tiêu này không còn phù hợp với bối cảnh hiện tại, gây khó khăn cho việc thu hút đầu tư, do đó cần điều chỉnh quy hoạch.

Tháng 8 vừa qua, Hải Dương đã phê duyệt quy hoạch phân khu 1/2000 KCN Tân Trường mở rộng với quy mô khoảng 115,4 ha, nằm tại các xã Tân Trường và Định Sơn, huyện Cẩm Giàng. 

Nằm trên trục kết nối Hà Nội – Hải Dương – Hải Phòng

Vị trí KCN Tân Trường mở rộng. (Nguồn: Chủ đầu tư).

Theo quy hoạch điều chỉnh, phía bắc dự án giáp tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng; phía nam giáp Quốc lộ 5; phía tây và phía đông giáp đất nông nghiệp, khu dân cư hiện hữu. 

Về hiện trạng, trong ranh giới dự án không có các công trình di tích cần bảo tồn. Toàn bộ diện tích đất là đất nông nghiệp, trồng lúa và hoa màu. Có một diện tích là đất trang trại và đất khai thác nguyên liệu làm gạch nung. Nằm trong khu vực dự án có 1 nghĩa trang nhỏ (0,3 ha) có thể di dời.

Trên khu đất không có khu dân cư sinh sống, các công trình xây dựng chủ yếu là nhà tạm, lán trại để phục vụ mục đích sản xuất nông nghiệp.

Phía nam khu vực dự án là Quốc lộ 5 nối Hà Nội – Hải Dương – Hải Phòng với chiều rộng mặt đường là 15 m. Tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng đi gần ranh giới phía bắc dự án. Phía bắc cách dự án khoảng 0,9 km là ĐT.280.

Trong cơ cấu sử dụng đất, dự án sẽ bố trí hơn 72 ha xây nhà máy, xí nghiệp; 11 ha đất cây xanh; 14 ha đất giao thông; 4,7 ha xây khu điều hành dịch vụ… 

Sau khi điều chỉnh quy hoạch, các công trình nhà máy được xây tối đa 3 tầng (không bao gồm tầng tum, tầng hầm), mật độ xây dựng tối đa 70%, hệ số sử dụng đất tối đa 2,1 lần. Riêng các công trình nhà văn phòng, điều hành, nhà nghỉ ca trong các dự án thứ cấp được phép cao tối đa 5 tầng. Ưu tiên thu hút các dự án công nghiệp công nghệ cao, công nghệ hỗ trợ.

Khu dịch vụ điều hành bố trí cạnh đường trục chính phía nam dự án, gần phía Quốc lộ 5, chiều cao tối đa 3 tầng (không bao gồm tầng tum, hầng hầm), mật độ xây dựng tối đa 60%, hệ số sử dụng đất tối đa 1,8 lần.

Khu dịch vụ tiện ích công cộng bố trí phía tây KCN, gồm cơ sở lưu trú, dịch vụ thương mại, thiết chế văn hóa, xã hội, thể thao; cao tối đa 8 tầng (không bao gồm tầng tum, hầng hầm), mật độ xây dựng tối đa 60%, hệ số sử dụng đất tối đa 4,8 lần.

Dự án sẽ xây 2 tuyến đường trục chính: một tuyến chiều dài hơn 1,5 km, mặt cắt ngang 32 m và một tuyến dài 932 m, rộng 51,5 m. Giao thông nội bộ sẽ có các tuyến đường rộng 14,5 – 33 m.

Tiến độ KCN Tân Trường mở rộng sẽ thực hiện trong 24 tháng kể từ ngày được nhà nước bàn giao đất. Tổng mức đầu tư dự án này là 1.251 tỷ đồng, trong đó vốn góp là 200 tỷ, còn lại là vốn vay các tổ chức tín dụng.

Danh mục bất động sản của Ricco Group

Phối cảnh tổ hợp nghỉ dưỡng của Ricco tại Hải Dương. (Ảnh: Ricco Group).

Về chủ đầu tư, CTCP Công nghiệp Tây Bắc được thành lập từ năm 2009, có trụ sở tại TP Hải Dương. Tính đến tháng 6/2020, doanh nghiệp có vốn điều lệ 160 tỷ đồng, Chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Công Hải.

Tây Bắc được biết đến là thành viên thuộc hệ sinh thái của Ricco Group, một tập đoàn đa ngành trong các lĩnh vực gồm vật liệu xây dựng và nội thất, nhôm kính kiến trúc, bất động sản, khách sạn và nông nghiệp công nghệ cao.

Ricco Group tiền thân là Công ty TNHH Hùng Hương ra đời từ năm 2001, chuyên hoạt động mảng kinh doanh nhôm thanh định hình cao cấp.

Năm 2005, Ricco lấn sân mảng bất động sản khi thành lập công ty thành viên là CTCP Xuyên Á để đầu tư và phát triển dự án Khu sinh thái, nhà hàng, khách sạn và biệt thự cho thuê 2,3 ha nằm tại khu đất trên quốc lộ 5A, thuộc địa phận Khu Nhị Châu, Phường Ngọc Châu, TP Hải Dương.

Đây là tổ hợp nghỉ dưỡng gồm khách sạn 3 sao với 112 phòng nghỉ và 104 condotel; 4 biệt thự cho thuê; tổ hợp 5 tầng gồm trung tâm thương mại, nhà hàng, rạp phim, trung tâm sự kiện… tổng mức đầu tư hơn 159 tỷ đồng.

Đến năm 2017, Tây Bắc trở thành thành viên của Ricco, phụ trách việc đầu tư và phát triển dự án KCN Tân Trường mở rộng. 

Năm 2020, Ricco có thêm thành viên là CTCP Đầu tư và Phát triển Thương mại Mê Linh để phát triển dự án khu dịch vụ và biệt thự nhà vườn tại thôn Chi Đông, xã Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội. Dự án này có quy mô 1,3 ha, tổng vốn 90 tỷ đồng, gồm 19 biệt thự nhà vườn và 29 căn shophouse.

Theo Vietnammoi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo