CCN Điền Lộc của Đạt Phương: Đón quy hoạch đường ven biển Thừa Thiên – Huế, khả năng hoàn thành tháng 3/2025

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, lãnh đạo Đạt Phương cho biết năm 2025 có thể hoàn tất xây dựng toàn bộ CCN Điền Lộc. Cập nhật tại ĐTM công bố vừa qua, dự kiến đến tháng 3/2025 CCN Điền Lộc sẽ bàn giao hạ tầng và đưa vào sử dụng.

Tháng 8 năm ngoái, CTCP Đạt Phương Hội An đã đăng ký thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Điền Lộc tại xã Điền Lộc, huyện Phong Điền, Thừa Thiên – Huế và sau đó đã được chấp thuận là nhà đầu tư. Vừa qua, doanh nghiệp đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án này. 

CCN Điền Lộc có diện tích khoảng 27,6 ha. Phía đông bắc giáp Nhà máy điện mặt trời TTC Phong Điền; phía tây bắc và tây nam giáp đất lâm nghiệp hiện trạng; phía đông nam giáp tuyến đường cứu hộ ven biển (quốc lộ 49B) và tuyến đường liên xã Điền Lộc – Điền Hòa.

Về hiện trạng, phần lớn diện tích dự án (26,5 ha) là đất bằng chưa sử dụng do UBND xã Điền Lộc quản lý; còn lại là đất mặt nước chuyên dùng và đất rừng sản xuất. Vị trí này cách bãi tắm Điền Lộc khoảng 900 m về hướng đông bắc; cách Phá Tam Giang khoảng 5 km…

Giai đoạn hoạt động, CCN Điền Lộc chủ yếu thu hút các nhà đầu tư trong các hoạt động khai thác, chế biến các sản phẩm từ nguồn khoáng sản của địa phương: các sản phẩm từ cát trắng như thuỷ tinh, men frit, sản phẩm từ gỗ các loại, chế biến thuỷ sản, may mặc, vật liệu xây dựng… 

Trong cơ cấu sử dụng đất, dự án sẽ bố trí 19,1 ha cho công trình nhà xưởng; 4,5 ha đất giao thông; đất cây xanh mặt nước khoảng 5,2 ha; đất hành chính dịch vụ 0,5 ha…

Dự án sẽ xây dựng tuyến đường trục trung tâm rộng 32 m vuông góc với quốc lộ 49B. Ngoài ra bố trí thêm các trục đường phụ rộng 20,5 m và 16,5 m theo ô bàn cờ giúp tối ưu hoá việc khai thác quỹ đất.

Chủ đầu tư cho biết, CCN Điền Lộc có tổng mức đầu tư khỏang 264 tỷ đồng, dự kiến nghiệm thu và bàn giao hạ tầng đưa vào sử dụng trong giai đoạn tháng 9/2024 – tháng 3/2025. 

Về Đạt Phương Hội An, doanh nghiệp này được thành lập từ năm 2017, trụ sở đặt tại Hội An, Quảng Nam. Tính đến 30/6, Đạt Phương Hội An có vốn điều lệ 171 tỷ đồng, trong đó CTCP Tập đoàn Đạt Phương (mã chứng khoán: DPG) nắm tỷ lệ sở hữu 88,9%.

Đạt Phương Hội An là công ty con duy nhất mà Đạt Phương đang góp vốn để đầu tư mảng bất động sản. Năm 2023, Đạt Phương Hội An ghi nhận doanh thu thuần hơn 33 tỷ và lỗ sau thuế hơn 27 tỷ đồng.

Khi lấn sân vào bất động sản vào năm 2017, Đạt Phương thông qua công ty con Đạt Phương Hội An đã đầu tư vào dự án đầu tiên là Khu đô thị Võng Nhi (Casamia Hội An) với quy mô 15,6 ha.

Đây cũng là 1 trong 5 dự án đối ứng của Đạt Phương tại Quảng Nam nhờ tham gia xây dựng cầu Đế Võng trên tuyến đường dẫn phía bắc cầu Cửa Đại theo hình thức BT.

Năm 2024, Đạt Phương Hội An đặt mục tiêu doanh thu và lãi sau thuế lần lượt là 239 tỷ đồng và 13 tỷ đồng. Năm nay, doanh nghiệp sẽ tiếp tục dự án Khu đô thị Cồn Tiến, GPMB phần diện tích còn lại, hoàn thành toàn bộ hạ tầng kỹ thuật.

Cùng với đó, triển khai đầu tư xây dựng khách sạn Casamia Hội An tại khu đô thị Võng Nhi, mục tiêu năm 2026 đưa vào vận hành; hoàn thành công tác chuyển quyền sử dụng đất và tài sản trên đất đối với các căn hộ đã bàn giao cho khách hạng.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, lãnh đạo Đạt Phương cho biết, năm nay Đạt Phương Hội An sẽ bán một khu đất khách sạn cho một công ty con khác là Sông Bung, doanh thu dự kiến khoảng 100 tỷ đồng. Dự án Cồn Tiến dự kiến có doanh thu từ năm 2025.

Khu đô thị Võng Nhi của Đạt Phương Hội An. (Ảnh: Hoàng Huy).

Trở lại với CCN Điền Lộc, theo chia sẻ của lãnh đạo Đạt Phương, khu đất dự án này trước đây là đất công, hiện nay đã là đất sạch nên việc giải phóng mặt bằng rất thuận lợi. Các dự án Đạt Phương đang nghiên cứu trong thời gian tới cũng sẽ tương tự như CCN Điền Lộc. 

Tính đến tháng 4/2024, Đạt Phương cho biết cơ bản làm xong các công tác thiết kế, quy hoạch của giai đoạn 1, trong năm 2024 sẽ xong xuôi cả phần xây dựng, năm 2025 có thể sẽ xong toàn bộ dự án. 

Bên cạnh dự án Điền Lộc, Đạt Phương đang đầu tư một dự án khác ở Huế là Nhà máy sản xuất kính siêu trắng 7,4 ha, dự kiến khởi công đầu năm 2025, tổng vốn giai đoạn 1 khoảng 1.500 tỷ đồng. Sản xuất kính siêu trắng sẽ đồng thời là ngành mũi nhọn trong 5 năm tới của doanh nghiệp.

“Hiện nay Đạt Phương đang tập trung vào một số lĩnh vực chính là xây lắp, thuỷ điện, bất động sản.

Những năm đầu, xây lắp sẽ chiếm ưu thế chính về mặt lợi nhuận, doanh số nhiều. Thực tế, đây là ngành biên có lợi nhuận thấp nhất, là ngành truyền thống của Đạt Phương, là ngành giữ doanh số và doanh nghiệp chưa có cách nào để tăng biên lợi nhuận đối với mảng này.

Với thuỷ điện, Đạt Phương có một số công ty con như Sông Bung, Sơn Trà, doanh thu ít nhưng lợi nhuận cao, đây là lĩnh vực mà ngày nào cũng mang tiền về cho Đạt Phương. Thuỷ điện bản chất là mảng có tỷ suất lợi nhuận rất cao nhưng doanh số thì không nhiều.  

Còn bất động sản là ngành có lợi nhuận tốt nếu kinh doanh hiệu quả. Song, lợi nhuận lớn nhất của Đạt Phương giai đoạn trước là bất động sản, vài năm qua thị trường hơi khó khăn. 

Đạt Phương cũng đang hướng đến ngành dịch vụ, gồm hệ sinh thái khách sạn để mang lại doanh thu thường xuyên cho công ty, bởi theo ông Tuấn, bất động sản bán xong là hết. Còn khách sạn thì mang đến dòng tiền ổn định hàng ngày.

Mũi nhọn trong 5 năm tới của Đạt Phương sẽ là sản xuất kính trắng. Đây sẽ là ngành đóng góp doanh thu và lợi nhuận chính một cách lâu dài cho tập đoàn. Các ngành còn lại vẫn đóng góp, nhưng khi so sánh tỷ lệ thì sẽ có sự chuyển biến tổng thể mà ngành kính trắng là chủ đạo”, Chủ tịch Lương Minh Tuấn chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2024. 

Nguồn: vietnammoi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo