Xếp hàng chờ đầu tư hệ thống trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc – Nam
Đã xuất hiện những tổ hợp nhà đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước có năng lực tài chính và kinh nghiệm đệ đơn xin đầu tư hệ thống các trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc – Nam.
Lộ diện thương hiệu lớn
Tên tuổi tổ hợp đầu tiên có sự góp mặt của các nhà đầu tư nước ngoài đã được lộ diện qua Thông báo số 198/TB-BGTVT về kết luận của Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng tại cuộc họp về các nội dung liên quan đến trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông.
Thông báo số 198/TB-BGTVT cho biết, cuộc họp này, ngoài các đơn vị, cơ quan tham mưu của Bộ GTVT, còn có sự tham gia của Liên danh Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam – Công ty TNHH Tập đoàn Định An – Tập đoàn BTP Holdings – Goldsun Food – Tập đoàn Chang-Jo – Tập đoàn Deabo.
Theo giới thiệu của liên danh này, Goldsun Food là đơn vị giữ vị trí top đầu trong ngành thực phẩm và dịch vụ ăn uống với 13 thương hiệu lớn như King BBQ, ThaiExpress, Seoul Garden, Capricciosa, Tasaki BBQ, Meiwei, Khao Lao… Đơn vị này đã tham gia nghiên cứu trong thời gian dài để xây dựng Đề án Chuỗi trạm dừng nghỉ trên cao tốc.
Trong khi đó, Changjo và Deabo là 2 nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc chuyên thiết kế, quản lý, vận hành các trạm dừng nghỉ cao tốc tại xứ sở Kim chi. “Trong trường hợp được Bộ GTVT lựa chọn, chúng tôi cam kết sẽ xây dựng chuỗi trạm dừng nghỉ hiện đại, đa chức năng, có kiến trúc tiêu biểu cho từng địa phương nơi đặt trạm”, ông Cao Đăng Hoạt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Định An cho biết.
Mặc dù không đưa ra những đánh giá cụ thể về đề xuất trên, nhưng Thông báo số 198/TB-BGTVT cho biết, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng hoan nghênh liên danh các doanh nghiệp trong thời gian ngắn đã nghiên cứu về hiện trạng trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông, cũng như một số tuyến cao tốc đang khai thác tại Việt Nam; mô hình đầu tư, khai thác trạm dừng nghỉ tại Hàn Quốc và đề xuất ý tưởng, mô hình đầu tư trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông.
Ông Thắng nhấn mạnh, phương thức đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông sẽ được thực hiện công khai, minh bạch, tuân thủ đúng quy định pháp luật hiện hành.
Cần phải nói thêm, ngay từ khi Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông bắt đầu được khởi công, Bộ GTVT đã nhận được đề xuất đầu tư các trạm dừng nghỉ của nhiều doanh nghiệp lớn có kinh nghiệm đầu tư vận hành đường cao tốc như: Tập đoàn Đèo Cả, Tập đoàn Sơn Hải, Công ty Xây dựng Phương Thành, Công ty Điện máy xăng dầu Trần Phú…
Giữa tháng 4/2023, Tập đoàn Đèo Cả thậm chí đã ký hợp tác chiến lược với Tổng công ty Dầu Việt Nam để triển khai nghiên cứu đầu tư các trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc, trong đó ưu tiên các tuyến do doanh nghiệp này đầu tư theo hình thức PPP như: Trung Lương – Mỹ Thuận, Bắc Giang – Lạng Sơn và Cam Lâm – Vĩnh Hảo.
“Nếu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền hỗ trợ về giải phóng mặt bằng và triển khai theo chuỗi trên nguyên tắc lấy doanh thu trạm dừng nghỉ tốt bù cho trạm dừng nghỉ có doanh thu kém, thì việc đầu tư các trạm dừng nghỉ hiện đại, tiện nghi, đa chức năng là khả thi về tài chính”, ông Ngọ Trường Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả thông tin.
Nới quy mô trạm dừng nghỉ
Theo một lãnh đạo Cục Đường cao tốc Việt Nam, trạm dừng nghỉ là một bộ phận của đường cao tốc, phục vụ nhân dân, du khách và doanh nghiệp; đồng thời phục vụ công tác quản lý nhà nước khi siết chặt quản lý người điều khiển phương tiện giao thông về thời gian lái xe. Thực tế, ngoài việc cung cấp một số dịch vụ công miễn phí như bãi đỗ xe, khu vệ sinh, phòng nghỉ tạm thời cho lái xe…, trạm dừng nghỉ còn có thể kinh doanh các dịch vụ khác theo quy định pháp luật và có thể sinh lời.
“Chính vì vậy, trạm dừng nghỉ được định hướng đầu tư theo hình thức xã hội hóa để tiết kiệm ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, do các quy định của pháp luật về đầu tư, kinh doanh và khai thác trạm dừng nghỉ chưa được đầy đủ, chưa rõ ràng, việc triển khai đầu tư trạm dừng nghỉ theo hình thức xã hội hóa gặp vướng mắc, nên chưa bảo đảm tiến độ khai thác đồng bộ với đường cao tốc”, vị lãnh đạo này cho biết.
Trong quá trình phê duyệt dự án, triển khai đầu tư các đoạn tuyến/dự án thành phần trên cao tốc Bắc – Nam phía Đông, cơ quan có thẩm quyền hoạch định đầu tư khoảng 39 cặp trạm dừng nghỉ (dự kiến dồn dịch đảm bảo khoảng cách còn 37 cặp trạm) trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông.
Tính đến cuối tháng 4/2023, đã có 5 cặp trạm trên phạm vi 643 km (gồm 2 cặp trạm trên cao tốc Bắc Giang – Hà Nội, 1 cặp trạm trên đoạn Cầu Giẽ – Cao Bồ, 1 cặp trạm đoạn Cao Bồ – Mai Sơn, 1 cặp trạm trên cao tốc TP.HCM – Trung Lương); đang đầu tư 2 cặp trạm (1 cặp trạm trên cao tốc La Sơn – Túy Loan và 1 cặp trạm trên cao tốc Lạng Sơn – Bắc Giang).
Hiện nay, còn lại 30 cặp trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông cơ bản đã hoạch định vị trí, quy mô trong quyết định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần, nhưng chưa được đầu tư.
Để đáp ứng yêu cầu khai thác đối với một số dự án thành phần chuẩn bị đưa vào sử dụng, đầu tháng 4/2023, Bộ GTVT đã chấp thuận vị trí, quy mô 8 cặp trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông có quy mô từ 2 ha đến 2,5 ha/trạm và yêu cầu các ban quản lý dự án khẩn trương tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và triển khai đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch và hiệu quả.
Tuy nhiên, chiểu theo những chỉ đạo mới được đề cập tại Thông báo số 198/TB-BGTVT, thì phương án đầu tư hệ thống trạm dừng nghỉ cao tốc sẽ có thay đổi quan trọng. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, việc hoạch định mạng trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc – Nam phía Đông phải có tầm nhìn dài hạn, cần tham khảo kinh nghiệm đầu tư trạm dừng nghỉ trong nước và quốc tế.
“Yêu cầu Cục Đường cao tốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, nghiên cứu quy mô và tính toán kỹ những công năng, tiện ích của trạm dừng nghỉ để đề xuất vị trí, quy mô cho phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu vận tải trong tương lai, đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật hiện hành; trong đó lưu ý nghiên cứu quy mô trạm dừng nghỉ với diện tích khoảng 5 ha/bên, một số trạm dừng nghỉ gần các đầu mối giao thông, các đô thị lớn nghiên cứu với quy mô diện tích 3 ha/bên”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo.
Nguồn: tinnhanhchungkhoan