Thường Tín: Khởi công Cụm công nghiệp Ninh Sở giai đoạn 2
Ngày 27/3/2023, UBND huyện Thường Tín tổ chức Lễ khởi công xây dựng Cụm công nghiệp Ninh Sở giai đoạn 2.
Đến dự và phát lệnh khởi công có các đồng chí: Trần Thị Phương Lan Quyền – Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội; Thành Ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh; Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Tạ Hữu Thọ; Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Xuân Minh.
Báo cáo Kết quả công tác phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn huyện và Quá trình hình thành, thành lập Cụm công nghiệp Ninh Sở giai đoạn 2, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản, cho biết: Thời gian qua UBND Thành phố quyết định thành lập 03 Cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Thường Tín gồm: Cụm công nghiệp Tiền Phong giai đoạn 2; Cụm công nghiệp Thắng Lợi; Cụm công nghiệp Ninh Sở giai đoạn 2. Trong đó cụm công nghiệp Ninh Sở giai đoạn 2 là một trong số các Cụm công nghiệp được UBND Thành phố quyết định thành lập theo Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.
Cụm công nghiệp Ninh Sở giai đoạn 2, có quy mô diện tích 7,7ha, do Công ty cổ phần Confitech Tân Đạt làm chủ đầu tư. Dự án đã thực hiện hoàn tất thỏa thuận đấu nối hạ tầng kỹ thuật: cấp nước, thoát nước, cấp điện, giao thông, thông tin liên lạc, phòng cháy chữa cháy theo quy định. Ngày 24/3/2023, UBND huyện đã phê duyệt cấp giấy phép xây dựng cho Công ty Confitech Tân Đạt để triển khai dự án. Cụm công nghiệp Ninh Sở giai đoạn 2 đã đáp ứng các điều kiện để khởi công dự án theo quy định.
Hiện nay trên địa bàn huyện đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đi vào hoạt động 11 cụm công nghiệp với tổng diện tích trên 195 ha. Dự kiến đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trên địa bàn huyện Thường Tín sẽ hình thành và phát triển khoảng 29 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 954 ha.
Đến dự và phát lệnh khởi công, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh chỉ rõ, Thường Tín có 126 làng có nghề, trong đó 48 làng được thành phố công nhận làng nghề truyền thống, 01 làng nghề Hà Nội với hàng nghìn cơ sở đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các làng nghề. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 11 cụm công nghiệp hoạt động, với tổng diện tích trên 195 ha. Tuy nhiên các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện hiện mới đáp ứng nhu cầu về mặt bằng sản xuất cho khoảng 190 doanh nghiệp và trên 500 hộ sản xuất, kinh doanh, vẫn còn hàng nghìn cơ sở sản xuất kinh doanh đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các làng nghề, khu dân cư với diện tích nhỏ hẹp, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn và cháy nổ cao. Nhu cầu về mặt bằng sản xuất của nhân dân trên địa bàn là rất lớn.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết Đại hội đảng bộ huyện lần thứ XXIV, đẩy mạnh phát triển công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp, duy trì, bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, huyện Thường Tín luôn xác định việc phát triển, thành lập các cụm công nghiệp là một trong những giải pháp trọng tâm, có vai trò ý nghĩa hết sức quan trọng.
Các cụm công nghiệp đi vào hoạt động sẽ góp phần giải quyết khó khăn vướng mắc về mặt bằng cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, tạo ra hàng nghìn việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của huyện Thường Tín và của Thành phố Hà Nội, nhằm thực hiện mục tiêu phấn đấu xây dựng Thường Tín trở thành Quận của Thủ đô Hà Nội năm 2030.
Chủ tịch UBND huyện yêu cầu Chủ đầu tư tập trung nhân lực, vật lực, tài chính đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật của dự án theo đúng Quy hoạch được duyệt. Thực hiện kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư thứ phát tham gia sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp theo đúng quy định. Phối hợp chặt chẽ với UBND huyện trong công tác quản lý nhà nước đối với các cụm công nghiệp. Vận hành, duy trì, cung cấp, quản lý các dịch vụ công cộng tiện ích chung trong cụm công nghiệp đảm bảo theo quy định./.
Nguồn: moitruongvadothi