Đồng Nai chú trọng phát triển hạ tầng khu công nghiệp
Đầu tư phát triển, hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp (KCN) có vai trò quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư. Tuy nhiên, do tác động của nhiều nguyên nhân, việc phát triển hạ tầng các KCN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang gặp nhiều khó khăn cần sớm có giải pháp tháo gỡ.
Vừa qua, Hội nghị giao ban với các công ty đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng khu công nghiệp được tổ chức. Tới dự buổi lễ có đồng chí Trần Văn Vĩnh Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng nai, đồng chí Cao Tiến Sĩ Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh, đại diện sở công thương và ban ngành địa phương. Ngoài ra, Hội nghị có sự góp mặt của đại diện các công ty đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại hội nghị đồng chí Trần Văn Vĩnh Phó chủ tịch UBND nhấn mạnh, thời gian tới UBND tỉnh sẽ xem xét các chủ đầu tư nào làm tốt mới đồng ý cho mở rộng hoặc đầu tư mới khu công nghiệp, làm như vậy là để chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp quan tâm hơn đến các nhà đầu tư thứ cấp, nhằm mang lại hình ảnh tốt cho xúc tiến đầu tư của tỉnh. Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng cam kết sẽ chỉ đạo quyết liệt đối với các cơ quan và địa phương để làm tốt công tác hỗ trợ.
Tính chung năm 2017 tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh vốn các dự án FDI trong các KCN Đồng Nai là 1,36 tỷ USD và 8.155,2 tỷ đồng, vượt kế hoạch thu hút đầu tư năm 2017 đề ra. Theo phòng quản lý đến ngày 27/12/2017, các KCN Đồng Nai thu hút được 78 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 564,23 triệu USD, đạt 113% kế hoạch năm và 20 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 6.195,7 tỷ đồng, đạt 310% kế hoạch năm.
Các dự án mới FDI hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với 509,58 triệu USD, chiếm 90,3% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 53,65 triệu USD (chiếm 9,5% tổng vốn đầu tư), dịch vụ tư vấn với 01 triệu USD (chiếm 0,2% tổng vốn đầu tư).
Trong năm thu hút 78 dự án FDI có vốn đầu tư từ 14 quốc gia, trong đó đứng đầu là Đài Loan với tổng vốn đầu tư đăng ký 163,5 triệu USD (chiếm 29% tổng vốn đầu tư). Hàn Quốc đứng thứ hai với 120,2 triệu USD (chiếm 21,3% tổng vốn đầu tư). Nhật Bản đứng thứ ba với 116,1 triệu USD (chiếm 20,6% tổng vốn đầu tư), tiếp theo lần lượt là Singapore, Hồng Kông, Malaysia, Samoa,….
Quá trình phát triển các KCN trong thời gian qua cũng tồn tại một số hạn chế như: Một số KCN còn gặp nhiều khó khăn trong công tác triển khai xây dựng hạ tầng do vướng việc giải phóng mặt bằng. Quy định về cấp giấy phép quy hoạch dự án tại khu công nghiệp làm phát sinh thủ tục, gây khó khăn cho nhà đầu tư…
Việc xây dựng các công trình trong và ngoài hàng rào phục vụ cho các KCN chưa đáp ứng được nhu cầu cũng như không theo kịp tốc độ phát triển của các KCN, công tác quản lý môi trường trong các KCN trong việc kiểm soát nước thải: thời gian đầu do chú trọng ưu đãi thu hút đầu tư nên chưa quan tâm đến yếu tố môi trường, do đó đòi hỏi cần có sự lựa chọn dự án đầu tư ít ô nhiễm môi trường, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi. Tình hình đình công đã và đang xảy ra trong các doanh nghiệp tại các KCN Đồng Nai. Tính chất của đình công thường là tự phát và không đúng với trình tự thủ tục quy định của pháp luật.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng của tỉnh còn hạn chế. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các KCN đều chậm so với tiến độ; nhận thức của một bộ phận người dân về đầu tư phát triển các KCN chưa đúng dẫn đến quá trình triển khai đầu tư hạ tầng các KCN người dân thiếu hợp tác, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án; một số chủ đầu tư và đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa thực sự vào cuộc và chưa quyết liệt triển khai. Một số chủ đầu tư các KCN năng lực có hạn ảnh hưởng đến quá trình đầu tư hoàn thiện hạ tầng, quản lý phát triển cũng như thu hút các dự án sản xuất kinh doanh vào các KCN…
Ðể phát triển bền vững các KCN trong năm 2018 và thời gian tới, phối hợp với các công ty hạ tầng, các địa phương liên quan thúc đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch các KCN đã lập, tập trung phát triển KCN ở những vùng, những địa bàn có đầy đủ điều kiện, có những lợi thế đã thấy rõ; tập trung ưu tiên thu hút đầu tư trong các ngành nghề, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường. Đặc biệt, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ Trung ương đến địa phương; phát triển nhanh, tận dụng tốt những ưu thế mà KCN mang lại.
Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam