Các tập đoàn tỷ USD muốn phát triển nhà máy thông minh tại Việt Nam
Chủ tịch Tập đoàn Siemens cho biết, Việt Nam có nguồn nhân lực năng động, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng số. Siemens đang hợp tác với FPT để triển khai các nhà máy thông minh không chỉ ở Việt Nam và còn cho các thị trường khác như Nhật Bản và châu Âu.
Tại buổi làm việc và ăn sáng bên lề WEF 2018 với Phó Thủ tướng Vường Đình Huệ ngày 25/1, ông Joe Kaeser, Chủ tịch Tập đoàn Siemens, tập đoàn đang dẫn dắt cuộc chơi nhà máy thông minh trên toàn cầu cho biết, Việt Nam có nguồn nhân lực năng động, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng số. Siemens đang hợp tác với FPT để triển khai các nhà máy thông minh không chỉ ở Việt Nam và còn cho các thị trường khác như Nhật Bản và châu Âu.
Với nền tảng công nghệ MindSphere, nền tảng công nghệ IoT cho các lĩnh vực công nghiệp, Siemens đang đi đầu trong việc xây dựng các nhà máy thông minh trên toàn cầu, giúp kết nối các máy móc trong nhà máy và tăng hiệu quả sản xuất của các nhà máy thông minh. Tại thành phố Amberd (Đức), Siemens đã vận hành một nhà máy thông minh. Vào năm 1990, chỉ có khoảng 25% dây chuyền sản xuất của nhà máy được tự động hóa, nhưng đến hiện nay tỷ lệ này là 75%. Tỷ lệ sản phẩm lỗi được duy trì ở mức thấp với con số 11,5 trên 1.000.000 sản phẩm (11,5/1.000.000) và sản lượng tăng lên 8,5 lần.
Hiện nay, sự quan tâm về xu hướng xây dựng các nhà máy thông minh ngày càng tăng và đây cũng là câu chuyện được nhiều người đứng đầu doanh nghiệp đề cập đến trong các cuộc gặp 1:1 với lãnh đạo FPT bên lề sự kiện WEF 2018 tại Davos.
Theo dự báo, đến năm 2025, các nhà máy thông minh sẽ đóng góp khoảng 5% sản lượng và mang đến một khoản lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh là khoảng 70 tỷ USD. Bên cạnh đó, các nhà máy thông minh còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm cho phí năng lượng, chi phí bảo trì bảo dưỡng cũng như cho phép các công ty thu thêm được một khoản lợi nhuận mới từ việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cá nhân hóa cho từng khách hàng.
Nhà máy thông minh là sự tiến hóa vượt bậc từ một hệ thống sản xuất tự động hóa truyền thống sang một hệ thống sản xuất có thể kết nối và xử lý dữ liệu liên tục từ hoạt động sản xuất và kinh doanh để có thể tự học và thích nghi theo nhu cầu mới của thị trường. Điểm quan trọng nhất của một nhà máy thông minh chính là “kết nối”. Trong một nhà máy thông minh, toàn bộ máy móc, tài sản đều được lắp đặt các thiết bị cảm biến thông minh để giúp hệ thống có thể truy xuất liên tục các dữ liệu theo thời gian thực. Một nhà máy thông minh tối ưu cho phép việc vận hành được thực hiện với sự can thiệp tối thiểu của con người với độ tin cậy cao.
Nguồn: ICT News