Dòng vốn FDI kì vọng khởi sắc và bứt phá trong năm 2022

Năm 2022, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam được kỳ vọng sẽ khởi sắc trở lại nhờ những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn và chủ trương mở cửa trở lại nền kinh tế sau hai năm đóng cửa bởi dịch bệnh Covid-19.

Nhiều dự án quy mô lớn

Trong tháng đầu tiên của năm 2022, dòng vốn FDI vào Việt Nam đạt 2,1 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2021. Cùng với đó, vốn FDI thực hiện trong tháng cũng đạt 1,61 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này được đánh giá là tín hiệu tích cực cho dòng vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2022.

Một số dự án FDI có quy mô lớn, điển hình như dự án Nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện của Tập đoàn Goertek (Hồng Kông, Trung Quốc) tại Khu công nghiệp WHA ở Nghệ An, được điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 260 triệu USD để mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư vào dây chuyền sản xuất công nghệ cao.

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Kể từ sau khi được khởi công vào ngày 21/1/2021, đến nay dự án đã hoàn thành phần xây dựng cơ bản và sẽ đưa vào hoạt động vào tháng 6/2022. Dự kiến sau khi hoàn thành, dự án sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 30.000 lao động. Đây là một trong những dự án trọng điểm mà Nghệ An thu hút đầu tư và cũng là dự án có vốn FDI lớn nhất cho đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, cho biết sau khi dự án đi vào hoạt động sẽ tạo sức lan tỏa, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư khác đầu tư vào Nghệ An. Tỉnh Nghệ An nỗ lực cao nhất trong công tác thu hút đầu tư, không ngừng đổi mới, cải cách thực chất môi trường đầu tư an toàn, hấp dẫn để thúc đẩy thu hút các dự án lớn, hình thành môi trường đầu tư kinh doanh tích cực.

Ngoài ra, tại tỉnh Bắc Ninh cũng có dự án điều chỉnh vốn quy mô trăm triệu USD khác, đó là dự án thương mại và dịch vụ GE Việt Nam (Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 216,9 triệu USD. Hay tại Phú Thọ, dự án Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử (JNTC – Hàn Quốc) cũng điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 163 triệu USD nhằm mở rộng dây chuyền sản xuất kính cường lực cho màn hình ô tô, đồng hồ; kính ốp cho camera…

Một điểm đáng chú ý là các dự án FDI có quy mô lớn lần này đều là những dự án tăng vốn đầu tư. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, nối tiếp đà phục hồi từ cuối năm 2021 sau tác động của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp FDI đã ổn định và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Chỉ tính trong tháng 1/2022, trên cả nước còn có 71 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư.

“Điều chỉnh vốn và góp vốn mua cổ phần đều tăng so với cùng kỳ cả về số lượt dự án điều chỉnh, cũng như tổng vốn đầu tư tăng thêm và giá trị vốn góp. Điều này cho thấy niềm tin của doanh nghiệp FDI đối với môi trường đầu tư của Việt Nam”, Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá.

Triển vong thu hút FDI lạc quan

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết Việt Nam có rất nhiều triển vọng thu hút FDI mặc dù dịch bệnh còn diễn biến khó lường. Hiện tại Việt Nam đón đầu dòng vốn đầu tư tái định vị sản xuất của nhiều công ty đa quốc gia, doanh nghiệp trong nước có cơ hội được tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo ông Hoàng, dự kiến đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn tăng trưởng và sẽ bứt phá trong năm 2022 khi các quốc gia đang dần mở cửa nền kinh tế, thích ứng với điều kiện bình thường mới.

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện JETRO Hà Nội, cho rằng Việt Nam sẽ là điểm đến được nhiều doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn trong năm 2022, đặc biệt trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản vào tháng 11/2021 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có 25 thỏa thuận đầu tư được ký kết với tổng vốn đầu tư lên tới 12 tỷ USD. “Đây chính là cơ hội để Việt Nam đón dòng vốn Nhật Bản trong năm 2022 và những năm tiếp theo”, ông Takeo bày tỏ.

Kết quả khảo sát mới nhất của Chỉ số môi trường kinh doanh (Business Climate Index – BCI) từ Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng cho thấy doanh nghiệp châu Âu đang thể hiện tinh thần lạc quan vào môi trường thương mại, đầu tư tại Việt Nam.

Theo đó, Chỉ số BCI đã đạt mức cao nhất kể từ khi làn sóng dịch lần thứ 4 bùng phát, với 61 điểm phần trăm, tăng 42 điểm so với kết quả khảo sát trước đó. Kết quả khảo sát cũng cho thấy hơn một nửa (58%) lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu đang dự đoán sự ổn định và tăng trưởng kinh tế trong quý 1/2022, tăng 8 điểm so với kỳ khảo sát trước, trong khi đó chỉ có 17% dự đoán suy giảm.

Lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu cũng tin tưởng hơn về triển vọng phát triển kinh tế trong thời kỳ bình thường mới của Việt Nam. Do đó, 43% doanh nghiệp có kế hoạch tăng đầu tư vào quý đầu tiên của năm 2022, so với chỉ 17% vào 3 tháng trước.

Không chỉ các doanh nghiệp Nhật Bản hay châu Âu lạc quan về môi trường đầu tư Việt Nam trong năm 2022, chia sẻ với phóng viên b, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng cả năm 2021, vốn FDI vào Việt Nam đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin rất lớn vào môi trường đầu tư Việt Nam.

“Điển hình là ngoài doanh nghiệp Nhật Bản hay châu Âu, các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đang có kế hoạch đầu tư mới tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Hoa Kỳ đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc ứng phó với dịch bệnh. Qua đó khẳng định, Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn và tiềm năng đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2022”, Bộ trưởng khẳng định.

Nguồn: sở hữu trí tuệ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo