Lịch sử kinh doanh bết bát, Tuấn Dung Group vẫn được chấp thuận tham gia dự án có quy mô 4.500 tỷ đồng?
Việc tăng vốn điều lệ lên 500 tỷ đồng năm 2019 đã tạo ra bước ngoặt đối với Tuấn Dung Group, minh chứng là kết quả kinh doanh được cải thiện rõ rệt trong khi quy mô lại… thu hẹp. Liệu việc này đã giúp doanh nghiệp được lựa chọn nhà đầu tư của dự án Khu đô thị mới Đầm Cà Ná?
Dự án “khủng” khu đô thị mới Đầm Cà Ná lên tới 4.500 tỷ đồng
UBND tỉnh Ninh Thuận mới có quyết định về việc công nhận nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án đầu tư Khu đô thị mới Đầm Cà Ná.
Cụ thể, UBND tỉnh Ninh Thuận công nhận Liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại Tuấn Dung (gồm Công ty TNHH Tập đoàn thương mại Tuấn Dung, Công ty cổ phần Bất động sản Đông Đô – Bộ Quốc phòng, ông Nguyễn Văn Chiến và ông Kiều Anh Tuấn) là nhà đầu tư đáp ứng sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị mới Đầm Cà Ná.
Theo đó, UBND tỉnh Ninh Thuận giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo và hướng dẫn Liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại Tuấn Dung nộp hồ sơ trình Quyết định chấp thuận nhà đầu tư đối với dự án Khu đô thị mới Đầm Cà Ná theo quy định.
Đồng thời, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng giao Sở Tài chính phối hợp Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Dân dụng và Công nghiệp và các đơn vị liên quan khẩn trương xác lập giá sàn nộp ngân sách nhà nước, làm cơ sở để nhà đầu tư thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu.
Liên quan đến dự án này, hồi tháng 10/2021, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận đã công bố danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất cần lựa chọn nhà đầu tư đối với Khu đô thị mới Đầm Cà Ná.
Dự án thuộc xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam với quy mô hơn 64ha, tổng vốn đầu tư gần 4.491 tỷ đồng. Mục tiêu nhằm hình thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, tạo lập một khu đô thị mới hiện đại phát triển hạ tầng đồng bộ kết nối với khu dân cư hiện hữu tại xã Phước Diêm; phục vụ một phần nhu cầu làm việc của các doanh nhân, chuyên gia, công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, cảng biển và khu điện khí LNG…
Tiến độ thực hiện dự án 6 năm kể từ ngày được lựa chọn nhà đầu tư. Cụ thể, giai đoạn triển khai thủ tục kêu gọi đầu tư một năm; hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trong 1,5 năm; công tác đầu tư xây dựng công trình Hạ tầng kỹ thuật hoàn thành trong 2 năm; công tác đầu tư xây dựng các công trình kiến trúc trên đất thời gian hoàn thành trong 1,5 năm.
Theo quyết định phê duyệt quy hoạch 1/500 hồi tháng 4/2021, Khu đô thị mới Đầm Cà Ná có 31,7ha đất ở. Trong đó, đất ở hỗn hợp khoảng 7,5ha (tầng cao tối đa 30 tầng), đất ở liên kế 16,8ha, đất nhà ở biệt thự 2,5ha, đất nhà ở xã hội gần 3ha, đất ở hiện trạng chỉnh trang 1,2ha và đất ở khác…
Doanh nghiệp có lịch sử kinh doanh bết bát với bước ngoặt tăng vốn
Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại Tuấn Dung (Tuấn Dung Group) từng gây xôn xao dư luận với đề xuất nghiên cứu, đầu tư dự án đường sắt tránh thành phố Nha Trang; xây mới nhà ga theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT) và hoàn vốn bằng quỹ đất ga Nha Trang hiện tại.
Doanh nghiệp này được thành lập từ tháng 12/2004 hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản với người đại diện theo pháp luật là bà Nguyễn Thị Tâm. Sau khi thực hiện tăng vốn vào năm 2019, quy mô vốn điều lệ của doanh nghiệp này tính đến cuối năm 2020 lên đến 500 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu cũng theo đó tăng vọt từ khoảng xấp xỉ 390 tỷ đồng trong giai đoạn 3 năm 2016 – 2018 lên 514 tỷ đồng vào cuối năm 2019. Con số này tiếp tục tăng lên gần 624 tỷ đồng vào cuối năm 2020 nhờ khoảng lợi nhuận tích lũy tăng vọt.
Năm 2020, Tuấn Dung Group ghi nhận hơn 580 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 66% so với năm trước. Lợi nhuận thuần cũng tăng đột biến gấp 8,6 lần lên 109,6 tỷ đồng. Trước đó, trong năm thực hiện tăng vốn, doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp bất động sản này cũng đã tăng vọt số với khoảng thời gian trước.
Trong giai đoạn 2016 – 2018, Tuấn Dung Group chỉ tạo ra doanh thu vài chục tỷ đồng trên khối tài sản có thời điểm vượt trên 1.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp này cũng chỉ lãi tượng trưng gần 3 tỷ đồng năm 2018 trong khi 2 năm trước đó đều lỗ.
Đáng chú ý, giai đoạn kinh doanh bết bát, nhưng quy mô của Tuấn Dung Group lại liên tục mở rộng và đến cuối năm 2018 tổng tài sản đã lên đến gần 1.250 tỷ đồng. Phần lớn trong số này được tài trợ bởi nguồn vốn nợ khi nợ phải trả liên tục tăng mạnh từ dưới 500 tỷ đồng năm 2016 lên 860 tỷ đồng vào cuối năm 2018.
2 năm trở lại đây, Tuấn Dung Group đã cắt giảm đáng kể các khoản nợ phải trả đồng thời gia tăng phần vốn chủ sở hữu. Động thái này dường như đã mang lại hiệu quả khi doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng mạnh.
Nguồn: báo công luận