Tập đoàn TAL muốn triển khai Dự án dệt nhuộm 350 triệu USD tại Vĩnh Phúc
Tập đoàn TAL (Hồng Kông) khẳng định, mong muốn được địa phương chấp thuận chủ trương đầu tư để TAL sớm triển khai xây dựng Dự án nhà máy dệt nhuộm 350 triệu USD tại KCN Bá Thiện II, tỉnh Vĩnh Phúc.
Tập đoàn TAL mới đây đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ thành lập một Hội đồng thẩm định khoa học và công nghệ để nghiên cứu, đánh giá về công nghệ mà Tập đoàn sẽ sử dụng để xử lý nước thải đạt chuẩn A theo tiêu chuẩn Việt Nam cho Dự án dệt nhuộm mà TAL dự kiến đầu tư tại KCN Bá Thiện II, Vĩnh Phúc.
Theo TAL, thời gian qua, Dự án đầu tư nhà máy dệt nhuộm với vốn đầu tư 350 triệu USD của TAL dự kiến sẽ được xây dựng tại Vĩnh Phúc đã và đang bị chậm tiến độ.
Điều này bắt nguồn từ việc một số người dân lo vấn đề ô nhiễm từ nước thải của Dự án nhà máy dệt mà TAL sẽ đầu tư. Đó là lý do tỉnh Vĩnh Phúc vẫn chưa chấp thuận cấp phép đầu tư cho TAL triển khai dự án này.
Trong Công văn do Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn TAL, ông Roger Lee gửi Thủ tướng Chính phủ, TAL cho rằng, xử lý nước thải là mấu chốt của dự án, nên đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ thành lập một Hội đồng thẩm định khoa học và công nghệ để nghiên cứu, đánh giá về công nghệ mà Tập đoàn sẽ sử dụng để xử lý nước thải đạt chuẩn A theo tiêu chuẩn Việt Nam cho Dự án mà TAL sẽ đầu tư.
TAL cho biết sẽ xây dựng một nhà máy dệt nhuộm đầu tiên tại Việt Nam sử dụng công nghệ tiên tiến và hiện đại.
Công nghệ này đòi hỏi đầu tư rất tốn kém cả về chi phí vốn và chi phí vận hành, vì vậy TAL mong muốn xây dựng một nhà máy dệt nhuộm đẳng cấp nhất.
Nhà máy dệt nhuộm của TAL xử lý nước thải bằng các biện pháp sinh học (cả yếm khí và kỵ khí) kết hợp với màng phản ứng sinh học ozene và carbon hoạt tính, nhờ đó sẽ giảm được tối đa lượng bùn thải phát sinh, thân thiện với môi trường.
Bùn thải từ phương thức xử lý hiện đại của châu Âu và NB này hoàn toàn không độc hại, có thể sử dụng làm phân bón nông nghiệp.
Để cam kết minh bạch tối đa hệ thống xử lý nước thải, TAL sẽ lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải 24/7 tại điểm xả thải kết nối trực tuyến tới Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho phép các cơ quan của Bộ kiểm soát chất lượng nước thải vào bất cứ thời điểm nào trong ngày trong suốt cả năm.
Ngoài việc theo dõi trực tuyến, TAL sẽ bố trí một ao cá dung tích 40.000m3 gần tường bao quanh nhà máy để chứng minh cho người dân địa phương thấy nước thải từ nhà máy an toàn sạch sẽ.
“Hiện nay nhà máy may mặc của chúng tôi vẫn đang phải nhập khẩu nguyên phụ liệu từ nước ngoài, nếu dự án nhà máy dệt nhuộm được xây dựng thành công sẽ làm giảm NK, tăng xuất khẩu, phù hợp với mục tiêu phát triển thương mại quốc tế của Việt Nam. Việc chậm tiến độ triển khai dự án của TAL đã gây tổn thất về kinh tếcho TAL mà còn tổn thất về thuế và giá trị thương mại xuất khẩu cho Việt Nam”, đại diện TAL chia sẻ.
Được biết, tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ , Mai Tiến Dũng với Tập đoàn TAL, cùng đại diện tỉnh Vĩnh Phúc, cùng đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ hôm 6/11, ông Vũ Chí Giang, Phó chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc cho hay, hiện nay tỉnh Vĩnh Phúc chưa có văn bản chấp thuận đầu tư cho dự án là do liên quan đến những lo ngại về nguồn gốc nước cấp cho dự án không bảo đảm công suất; nước thải từ dự án có nguy cơ về sự cố môi trường.
Đại diện tỉnh Vĩnh Phúc quan ngại, dự án dự kiến thải một lượng lớn nước thải chảy qua nhiều tỉnh, thành có mật độ dân cư đông có thể tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, nước sinh hoạt của người dân…
“Tỉnh Vĩnh Phúc đánh giá cao Tập đoàn TAL trong việc cam kết đưa công nghệ xử lý nước thải tiên tiến nhất hiện nay vào Dự án, theo đó, địa phương sẽ cùng TAL sẽ tiếp tục trao đổi kỹ về dự án, đặc biệt là tiếp tục tham vấn các nhà khoa học và các bộ, ngành liên quan tới Dự án này”.
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, trong tháng 11/2017, tỉnh Vĩnh Phúc trả lời cụ thể cho Tập đoàn TAL, trong trường hợp tỉnh Vĩnh Phúc không đồng ý thực hiện dự án tại tỉnh, các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ giới thiệu để Tập đoàn TAL đến các địa phương khác phù hợp với dự án.
Nguồn: Báo Đầu tư Online