Sân bay Sa Pa là cầu nối Tây Bắc với cả khu vực ASEAN
Tỉnh Lào Cai vừa gây chú ý mạnh mẽ trong dư luận khi được Thủ tướng chấp thuận đề xuất xây dựng Cảng hàng không Sa Pa với số vốn nghìn tỉ.
Báo Lao Động có cuộc phỏng vấn ông Trịnh Xuân Trường – Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai – xung quanh câu chuyện này.
* Thưa ông, nhân dân cũng như các cấp lãnh đạo sở ban, ngành trong tỉnh đón chào dự án này như thế nào?
– Xây dựng Cảng hàng không Sa Pa là ước mơ, khát vọng đã hình thành từ rất lâu của lãnh đạo tỉnh Lào Cai qua các thời kỳ, đó cũng là sự mong mỏi của nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai.
Xuất phát từ mong muốn đó, tỉnh Lào Cai đề xuất với Trung ương đầu tư xây dựng theo nhiều hình thức đầu tư đối tác công tư PPP. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Cảng hàng không Sa Pa với tổng mức đầu tư gần 7.000 tỉ đồng theo hình thức PPP đã đáp ứng mong mỏi, kỳ vọng của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
* Thời gian tới, địa phương dự kiến sẽ làm những gì và được làm gì với dự án sân bay này?
– Với khối lượng triển khai rất lớn, hơn nữa, Cảng hàng không Sa Pa là sân bay thứ hai trên toàn quốc được Chính phủ giao cho địa phương thực hiện nên ngay sau khi có Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Lào Cai tập trung thực hiện các nhiệm vụ:
Khẩn trương hoàn thành quy hoạch chi tiết xây dựng các khu chức năng Cảng hàng không trình Cục Hàng không Việt Nam, thẩm định, phê duyệt, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, thi tuyển phương án kiến trúc nhà ga hành khách, lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi…
Hoàn thành xây dựng khu tái định cư, tổ chức giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện dự án.
Ưu tiên cân đối nguồn lực để triển khai dự án, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương trong việc thẩm định hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi để phê duyệt dự án, lựa chọn nhà đầu tư… phấn đấu hoàn thành đưa vào khác thác sử dụng trong nhiệm kỳ 2020 – 2025.
* Để đồng hành cùng Chính phủ trong chủ trương xây dựng sân bay, tỉnh nhà triển khai những biện pháp gì để đồng hành hỗ trợ cùng chính phủ?
– Tỉnh Lào Cai đã ưu tiên cân đối 1.200 tỉ đồng từ ngân sách địa phương để đầu tư dự án. Còn lại gần 3.000 tỉ đồng sẽ do nhà đầu tư huy động.
Ngoài ra, tỉnh Lào Cai đã thực hiện đầu tư xây dựng khu tái định cư với tổng mức đầu tư gần 409 tỉ đồng để bố trí tái định cư cho các hộ nằm trong khu vực bị ảnh hưởng. Như vậy, với một tỉnh còn khó khăn như Lào Cai, việc cân đối gần 1.600 tỉ đồng để đầu tư xây dựng là nỗ lực hết sức lớn của tỉnh.
– Theo chủ tịch, đánh giá một cách sơ bộ, dự án này tác động như thế nào đến kinh tế và du lịch địa phương?
– Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2021, xác định hai lĩnh vực đột phá là: Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, ưu tiên phát triển các công trình giao thông trọng điểm, hạ tầng đô thị lớn; phát triển hạ tầng các đô thị, khu công nghiệp, khu du dịch; đầu tư hạ tầng thông tin viễn thông, hạ tầng số, tạo nền tảng chuyển đổi số, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số, đồng thời xây dựng thành phố thông minh và phát triển du lịch, dịch vụ.
Cảng hàng không Sa Pa được đầu tư và đưa vào hoạt động sẽ có sức lan tỏa rất lớn đối với tỉnh Lào Cai nói riêng, khu vực Tây Bắc và cả nước nói chung, từng bước góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông của tỉnh; thúc đẩy liên kết vùng của Lào Cai với các địa phương của Việt Nam và vùng Tây Nam rộng lớn của Trung Quốc.
Tạo ra kết nối với các trung tâm du lịch lớn của Việt Nam tại khu vực miền Trung, miền Nam của đất nước và với thị trường trên 300 triệu dân thuộc các tỉnh vùng Tây Nam của Trung Quốc; cầu nối giao thương trọng điểm của Tây Bắc với cả nước và khu vực ASEAN nói chung.
Cảng Hàng không Sa Pa sẽ là cầu nối quan trọng để phát triển thương mại, du lịch – dịch vụ, đồng thời là giải pháp thu hút, phát triển ngành du lịch của tỉnh, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo đúng định hướng của Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025.
– Xin cảm ơn ông!
Ngày 21.10, Thủ tướng ban hành quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng cảng hàng không Sa Pa, Lào Cai theo phương thức đối tác công – tư (PPP) với tổng mức đầu tư hơn 6.948 tỉ đồng. Địa điểm xây dựng sân bay Sa Pa tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên. Dự kiến, nhu cầu sử dụng đất của sân bay 371ha, trong đó giai đoạn 1 là 295,2ha, giai đoạn 2 là 75,8ha.
Giai đoạn 1 (thực hiện từ năm 2021): Sân bay Sa Pa được xây dựng đạt tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4C (theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế – ICAO), là sân bay quân sự cấp II, công suất 1,5 triệu hành khách/năm.
Giai đoạn 2 (hoàn thiện, thực hiện sau năm 2028): Hoàn thành các hạng mục của dự án để sân bay đạt công suất 3 triệu khách/năm.
Dự kiến thời gian thực hiện dự án sân bay Sa Pa 50 năm, gồm thời gian xây dựng 4 năm, thời gian khai thác và thu hồi vốn 46 năm.
Nguồn: báo lao động