Xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng trở thành trung tâm Logistics tầm cỡ quốc tế
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định: xây dựng Khu Kinh tế (KKT) Vũng Áng thực sự trở thành KKT đa chức năng. Trong đó, phát triển dịch vụ cảng biển và logistics trở thành trụ cột kinh tế quan trọng của Hà Tĩnh.
TẬP TRUNG XÂY DỰNG HẠ TẦNG
Khát vọng hình thành một trung tâm logistics tại KKT Vũng Áng để kéo theo các ngành nghề dịch vụ, công nghiệp phụ trợ trong KKT trọng điểm quốc gia này cũng như các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển đã được lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh qua các thời kỳ nung nấu thực hiện. Tuy nhiên, có một thực tế là, dù cụm cảng Vũng Áng – Sơn Dương có nhiều lợi thế để phát triển logistics nhưng việc khai thác hiệu quả cảng biển để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu và phát triển dịch vụ logistics thông qua cảng thời gian qua còn nhiều khó khăn.
Đến nay, các nhóm hàng container xuất khẩu của doanh nghiệp (DN) Hà Tĩnh lại đang thực hiện xuất qua cảng Hải Phòng, còn hàng nội địa đang vận chuyển tại cảng Cửa Lò (Nghệ An) hoặc Xuân Hải (Nghi Xuân).
Ông Phạm Văn Túc – Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh cho hay: “Dịch vụ hậu cảng, logistics tại Vũng Áng dù đã được đầu tư nhưng nhìn chung còn hạn chế. Cụ thể là điều kiện kho bãi, nhất là bãi chứa container đang chật hẹp; các thiết bị bốc dỡ hàng hóa đang thiếu nghiêm trọng… Những hạn chế này đã ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa”.
Không chỉ hạn chế về hạ tầng kỹ thuật phục vụ bốc xếp, kho bãi, hiện tại, khu vực hậu cần cảng Vũng Áng cũng thiếu và yếu. Ngoài 1 nhà nghỉ của Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn vừa mới hoàn thành đưa vào sử dụng, hiện nay, chưa có khách sạn nào để các thủy thủ hay khách hàng nghỉ ngơi, giải trí ngay tại cảng. Cùng với đó, các dịch vụ nhà hàng ăn uống, vui chơi giải trí hiện vẫn rất manh mún, tự phát.
Để phát huy lợi thế, đáp ứng nhu cầu phát triển, Hà Tĩnh đã có sự tập trung cao cho vấn đề này. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, để có cơ sở kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng Trung tâm logistics tại Vũng Áng, ngày 8/4/2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1734/QĐ-UBND phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng trung tâm logistics tại KKT Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh, tỷ lệ 1/500.
Theo đồ án quy hoạch được phê duyệt, Trung tâm logistics tại KKT Vũng Áng có quy mô diện tích lập quy hoạch hơn 133 ha thuộc địa bàn xã Kỳ Lợi (TX Kỳ Anh) với 6 phân khu chức năng gồm: khu kho logistics; khu quản lý điều hành, dịch vụ tài chính ngân hàng và dịch vụ phụ trợ; khu nhà dịch vụ lưu trú cho chuyên gia, khách hàng và dịch vụ thiết yếu; đất giao thông + bãi đậu xe; khu đầu mối hạ tầng kỹ thuật; cây xanh.
Trung tâm logistics tại KKT Vũng Áng được quy hoạch là trung tâm logistics hạng I, phục vụ các hoạt động dịch vụ logistics trong tỉnh, khu vực và quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, góp phần từng bước đưa kinh tế Hà Tĩnh hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế. Đây cũng sẽ là điểm tập kết hàng từ các KKT, khu – cụm công nghiệp thuộc Hà Tĩnh và khu vực Bắc Quảng Bình để vận chuyển đến cảng Hải Phòng bằng đường biển; vận chuyển trực tiếp bằng đường biển đến các cảng trung chuyển lớn trong khu vực như: Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore; vận chuyển bằng đường bộ (QL 8 và QL 12C) đến Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan.
Ông Hoàng Thanh Tùng – Phó Trưởng ban Quản lý KKT tỉnh Hà Tĩnh cho biết, để thu hút các DN tham gia đầu tư, quản lý, kinh doanh, khai thác trung tâm logistics tại KKT Vũng Áng cũng như thúc đẩy hoạt động và phát triển cụm cảng Vũng Áng – Sơn Dương, góp phần phát triển ngành dịch vụ logistics tỉnh Hà Tĩnh, hỗ trợ các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ khác của tỉnh phát triển…, Hà Tĩnh đã, đang và sẽ tập trung huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng cảng biển: Cảng Lào – Việt, Hoành Sơn, Vingroup…; hạ tầng giao thông, kho bãi… Đồng thời, ưu tiên nguồn vốn trung hạn đầu tư xây dựng đê chắn sóng cảng Vũng Áng theo quy hoạch gồm đê phía Bắc dài 370m, đê phía Tây dài 1.850m.
Về hạ tầng giao thông đường bộ kết nối với cảng Vũng Áng, Hà Tĩnh ưu tiên phân bổ nguồn đầu tư trung hạn cho việc đầu tư hạ tầng giao thông kết nối cảng biển, Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo với các KKT, khu công nghiệp trong tỉnh và các tỉnh trong khu vực; nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông huyết mạch như: đường từ cảng Vũng Áng đến khu liên hợp gang thép Formosa kết nối với QL 1, QL 1B; hoàn thành, nâng cấp, mở rộng quốc lộ ven biển, QL 12C, QL 1, QL 8A… Phối hợp để sớm triển khai tuyến đường cao tốc Bãi Vọt – Vũng Áng, đường sắt kết nối Viêng Chăn – Vũng Áng theo thống nhất của chính phủ 2 nước Việt Nam – Lào.
Để đón hàng hóa từ cảng biển Vũng Áng, Cửa Lò sang Lào và Thái Lan, Hà Tĩnh cũng đang xúc tiến đầu tư xây dựng 1 cảng cạn ICD tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Theo đó, giai đoạn 2021 – 2025 sẽ xây dựng cảng cạn với quy mô khoảng 5 – 10 ha, năng lực thông qua 13.500 – 27.000 TEU/năm.
ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
Cùng với đầu tư hạ tầng, kêu gọi, thu hút DN vào đầu tư dịch vụ logistics tại KKT Vũng Áng cũng như thu hút hàng hóa qua cảng Vũng Áng, các cơ quan chức năng trong KKT Vũng Áng như: cảng vụ, hải quan, biên phòng… tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và thông quan hàng hóa.
Ông Phạm Tiến Thành – Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hà Tĩnh cho biết, để thu hút, tạo điều kiện cho DN xuất nhập khẩu qua các cảng Vũng Áng, Sơn Dương, Hải quan Hà Tĩnh tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa hải quan, ứng dụng có hiệu quả hệ thống công nghệ thông tin, phần mềm quản lý vào công tác chuyên môn nghiệp vụ. Đồng thời, tăng cường phổ biến, hướng dẫn DN về các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc của DN về các vấn đề chính sách và thực thi các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA và sắp tới là Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực ASEAN và các nước đối tác (RCEP).
Cùng với hải quan, Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng để thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính tại cảng. “Đến nay, tất cả tàu biển đến các cảng Vũng Áng, Sơn Dương đều thực hiện thủ tục hành chính trên cổng thông tin một cửa quốc gia. Việc tiếp nhận, trả kết quả, thanh toán phí, lệ phí đều được thực hiện trên môi trường mạng, thực hiện dịch vụ công ở mức độ 4. Đặc thù của tàu container là hoạt động theo lịch trình cố định, do đó, việc thực hiện thủ tục điện tử đã góp phần rất lớn cho việc giảm thời gian tàu hoạt động tại cảng”, ông Nguyễn Minh Đức – Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh cho hay.
Hà Tĩnh cũng đang tập trung tạo điều kiện thu hút các DN lớn về logistics, tạo đầu tàu dẫn dắt thị trường dịch vụ logistics; khuyến khích, hỗ trợ DN áp dụng mô hình quản trị chuỗi cung ứng tiên tiến trong quá trình sản xuất, kinh doanh, trong đó chú trọng triển khai các hoạt động logistics trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và các công nghệ mới trong logistics.
Thời cơ lớn đã mở ra nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức đang hiện hữu, song, với quyết tâm cao, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của cộng đồng DN, Hà Tĩnh đang dần cụ thể hóa đột phá chiến lược: “Huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xây dựng KKT Vũng Áng trở thành KKT đa chức năng, trung tâm công nghiệp động lực và logistics” theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra.
Nguồn: https://baohatinh.vn