Ký hợp đồng đo gió, sóng và dòng chảy dự án điện gió ThangLong Wind
Ngày 27/5/2021, tại TP. Hồ Chí Minh, Tập đoàn Enterprize Energy (EE) đã chính thức ký kết hợp đồng dịch vụ đo gió, sóng và dòng chảy bằng thiết bị FLIDAR, dự án điện gió ThangLong Wind với nhà thầu PTSC G&S/Fugro. Lễ ký kết được tiến hành theo hình thức trực tuyến để phòng, chống dịch Covid-19.
Dự án điện gió ngoài khơi ThangLong Wind tại tỉnh Bình Thuận hiện là dự án điện gió ngoài khơi duy nhất tại Việt Nam nhận được sự chấp thuận từ Chính phủ Việt Nam và Bộ Công Thương về việc khảo sát, lập hồ sơ bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, làm cơ sở để triển khai đầu tư.
Từ tháng 6/2019, Tập đoàn EE đã tiến hành đồng bộ khảo sát đo gió, khảo sát trên không (Aerial survey), khảo sát địa chất đáy biển (Bathymetric survey) khoảng 2.800 km2 khu vực cách bờ biển tỉnh Bình Thuận từ 20 – 50km, độ sâu từ 20 – 50m. Kết quả khảo sát thu được cho đến nay khẳng định tiềm năng to lớn của nguồn năng lượng từ gió ngoài khơi của Việt Nam và khẳng định Việt Nam là một trong các trung tâm điện gió ngoài khơi trong tương lai gần trên thế giới.
Lễ ký kết.
Việc ký kết hợp đồng cung cấp, lắp đặt và vận hành phao nổi FLIDAR giá trị hàng triệu USD là một trong những mốc quan trọng của dự án ThangLong Wind. Qua đây thể hiện sự cam kết nghiêm túc của Tập đoàn EE trong việc triển khai chương trình khảo sát đã được Chính phủ Việt Nam phê duyệt. Trong tháng 7/2021, Tập đoàn EE sẽ hoàn tất lắp đặt phao nổi FLIDAR để tiến hành thu thập số liệu hải dương học (sóng, gió, dòng chảy…) tại khu vực khảo sát dự án.
Tại lễ ký kết hợp đồng trực tuyến, ông Ian Hatton, Chủ tịch kiêm người sáng lập của Tập đoàn Eterprize Enterprize cho biết: Dựa trên các tài liệu từ các tổ chức quốc tế và các trung tâm dữ liệu tại Việt Nam kết hợp với số liệu khảo sát sau gần 2 năm thu thập được tại khu vực dự kiến phát triển dự án, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào việc dự án ThangLong Wind sẽ là dự án năng lượng tầm cỡ thế giới, là đột phá cho nền kinh tế Việt Nam trong 5 đến 10 năm tới.
Nhận được sự quan tâm, ủng hộ mạnh mẽ từ Chính phủ Việt Nam, Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, Bộ Thương mại Vương quốc Anh và Bắc Ai Len, Đại sứ quán Vương quốc Anh và Bắc Ai len tại Việt Nam, Tập đoàn EE kết hợp với các công ty tài chính, thiết kế, chế tạo tua bin hàng đầu thế giới đã đề xuất bộ Hồ sơ bổ sung quy hoạch dự án ThangLong Wind vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 – 2030. Bộ Công Thương đã hoàn tất việc thẩm định trên cơ sở ý kiến của 13 bộ, ngành, tập đoàn của Việt Nam và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong năm 2020 với dự kiến giai đoạn 1 sẽ phát điện vào năm 2025 và toàn bộ dự án hoàn tất vào năm 2030.
Dự án ThangLong Wind là sự đột phá trong việc phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, gắn điện gió ngoài khơi với sản xuất Hydro xanh và Amonia Xanh, thay thế sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất điện, là nguồn năng lượng phục công nghiệp, giao thông vận tải, sản xuất phân bón, hóa chất tại Việt Nam và tiến tới xuất khẩu.
Để tháo gỡ các khó khăn hiện nay của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn EE đã chủ động đề xuất giải pháp xử lý triệt để việc không ổn định của nguồn điện thông qua sử dụng hệ thống tích trữ điện từ khí thiên nhiên sẵn có (LAES) kết hợp với khí Hydrogen từ điện phân nước biển. Hệ thống đường dây 500 kV dài 270 km từ Bình Thuận về Đồng Nai và Bình Dương sẽ được Tập đoàn đầu tư để chủ động giải phóng công suất từ dự án. Với xu thế phát triển tất yếu của công nghệ và chuỗi cung ứng, Tập đoàn EE đề xuất đàm phán giá mua bán điện theo xu thế giảm dần, theo đúng thông lệ quốc tế.
Việc ký hợp đồng với PTSC G&S/Fugro là cam kết rõ ràng của EE trong việc tối đa sử dụng các công ty Việt Nam trong việc phát triển dự án ThangLong Wind, từ khảo sát đến thiết kế, gia công chế tạo, lắp đặt, vận hành, bảo trì với mục tiêu nội địa hóa trên 50% tổng mức đầu tư dự án. Công nghệ gắn với kinh tế xanh sẽ được chuyển giao và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ từng bước phát triển, tiến tới tham gia chuỗi cung ứng, dịch vụ toàn cầu.
Theo bà Emily Hamblin, Tổng lãnh sự quán Vương Quốc Anh tại TP. HCM, sự hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ Anh và Việt Nam trong việc hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi từ năng lượng hoá thạch sang năng lượng tái tạo, trong đó Enterprize Energy là doanh nghiệp đi đầu với dự án ThangLong Wind. Dự án này sẽ là dự án tiên phong cung cấp nguồn năng lượng sạch và hỗ trợ sự phát triển cho Việt Nam.
Trong sự kiện này, bà Emily Hamblin cũng cho hay, ông Alok Sharma – Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh Biến đổi khí hậu (COP26) tới thăm Việt Nam và làm việc để thảo luận về tương lai phát triển năng lượng sạch của Việt Nam, đồng thời tăng cường sự hợp tác của Việt Nam hướng tới COP26 được tổ chức vào tháng 11/2021 tại Anh. Đây là cơ hội quan trọng, hi vọng Việt Nam sẽ khẳng định được vị thế và vai trò của mình trên cơ sở lợi thế, tiềm năng của mình.
Ông Trương Tuấn Nghĩa, Giám đốc phụ trách của PTSC G&S khẳng đinh: Lễ ký kết ngày hôm nay thể hiện sự trân trọng trong việc hợp tác với EE và là dấu mốc quan trọng của những bước tiếp theo trong tương lai. PTSC G&S tin rằng, với kinh nghiệm của các chuyên gia hàng đầu, các phương tiện kỹ thuật và thiết bị cao cấp có thể cung cấp dịch vụ tốt nhất trong việc phát triển dự án ThangLong Wind. Với sự ủng hộ của tập đoàn EE, đối tác lâu dài Fugro Singapore Marine và sự cam kết từ PTSC G&S, PTSC G&S tự tin dự án sẽ được hoàn thành theo đúng tiến độ với chất lượng tốt nhất và đảm bảo tiêu chuẩn an toàn.
Dự án điện gió ngoài khơi ThangLong Wind:
1/ Quy mô: 3.400 MW; tổng mức đầu tư 11,9 tỷ USD.
2/ Thời gian phát điện: Chia thành 5 giai đoạn, giai đoạn 1 phát điện vào năm 2025, giai đoạn cuối vào năm 2030.
3/ Đối tác dự án:
– Thu xếp tài chính: Ngân hàng Societe Generale (Pháp).
– Thiết kế: Công ty ODE (Anh).
– Cung cấp tua bin gió: Nhà sản xuất Mitsubishi Vestas (Đan Mạch – Nhật Bản), sản xuất tại Đan Mạch. Tua bin gió có công suất từ 10 – 17 MW/tua bin.
– Gia công, chế tạo chân đế, cung cấp dịch vụ bãi, cảng, thi công một số phần việc trên biển: Các đơn vị trong ngành dầu khí như Xí nghiệp liên doanh Việt Nga Vietsovpetro, PVC-MS.
4/ Các thông số chính:
Sản xuất năng lượng:
– Tốc độ gió ở độ cao 120 mét so với mực nước biển trung bình hàng năm là 9,7m/s.
– Giai đoạn 1 vào cuối năm 2025 (600 MW) – 2.600.000 MWh mỗi năm.
– Dự án đến năm 2030 (3.400 MW) – 15.000.000 MWh mỗi năm.
– Trong hơn 30 năm, dự án ThangLong Wind sẽ sản xuất lượng năng lượng tương đương 265 triệu thùng dầu.
Công suất và hiệu quả của các tua bin:
– Công suất từ 10 MW đến 17MW/tua bin.
– Hệ số công suất > 50%.
5/ Giảm thải CO2:
– Giai đoạn 1 (600 MW) – 3 triệu tấn mỗi năm.
– Toàn bộ dự án (3.400 MW) – 17 triệu tấn mỗi năm.
– Tổng dự án (30 năm) – 510 triệu tấn.
6/ Tỷ lệ nội địa hoá và đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam:
– Theo dự kiến 50% chi phí xây dựng sẽ được sử dụng cho các công ty tại Việt Nam (tương đương 6 tỷ USD).
Theo dự kiến 75% chi phí vận hành & bảo dưỡng trong suốt 30 năm sẽ được sử dụng cho các công ty tại Việt Nam (tương đương 9 tỷ USD)./.
Đình Đức
Theo: http://nangluongvietnam.vn/