Những ông lớn ngành xây dựng vừa trúng thầu 3 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam là ai?

Các nhà thầu trúng thầu 3 gói thầu đầu tiên của 3 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông với tổng vốn đầu tư khoảng 37.000 tỷ đồng đều là những tên tuổi lớn trong ngành xây dựng và hoàn toàn là doanh nghiệp nội.

Ngày 30/9 vừa qua 3 dự án thành phần của cao tốc Bắc-Nam chuyển đổi sang hình thức đầu tư công gồm: Mai Sơn – QL45, Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây đã chính thức khởi công có tổng vốn đầu tư khoảng 37.000 tỷ đồng.

Cụ thể Dự án cao tốc Mai Sơn – QL45 dài 53,5 km, tổng mức đầu tư khoảng 12.343 tỷ đồng; cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết dài 100,8km, tổng mức đầu tư khoảng 11.183 tỷ đồng; cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây dài 99km, tổng mức đầu tư khoảng 13.656 tỷ đồng.

Đã có 34 nhà thầu tham gia với tư cách là liên danh và 10 nhà thầu tham gia với tư cách độc lập nộp hồ sơ dự thầu tại 3 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công là Phan Thiết – Dầu Giây, Vĩnh Hảo – Dầu Giây và Mai Sơn – Quốc lộ 45. Sau sự kiện khởi công ngày hôm qua, danh sách những doanh nghiệp trung thầu cũng đã được công bố. Cùng xem qua những doanh nghiệp xây dựng vừa trúng thầu này là ai, năng lực như thế nào?

Liên danh Cường Thịnh Thi – 319 – Định An

Theo quyết định phê duyệt của Bộ GTVT, Dự án cao tốc Mai Sơn – QL45 dài 63,37km đi qua hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa.

Phân kỳ giai đoạn 1 xây dựng 4 làn xe hạn chế với vận tốc thiết kế 80km/h. Tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 12.111 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị 7.684 tỷ đồng. Giai đoạn hoàn chỉnh được xây dựng theo quy mô 6 làn xe, vận tốc thiết kế 120km/h.

Đại diện Bộ GTVT, Ban Quản lý Thăng Long sẽ quản lý, thực hiện dự án. Đơn vị thực hiện thi công là liên danh Công ty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi – Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng – Công ty TNHH Định An. Giá trị của gói thầu là 852,3 tỷ đồng (bao gồm dự phòng và 10% thuế VAT). Gói thầu này sử dụng vốn ngân sách nhà nước, thời gian thực hiện hợp đồng 24 tháng.

Cường Thịnh Thi

Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Cường Thịnh Thi (Tập đoàn Cường Thịnh Thi) được thành lập năm 2004 do ông Vũ Trường Thi làm Chủ tịch HĐQT.Sau 14 năm hoạt động, đến nay Cường Thịnh Thi là doanh nghiệp lớn của tỉnh Ninh Bình với vốn điều lệ lên đến 1.689 tỷ đồng.

Là doanh nghiệp lớn, song Tập đoàn Cường Thịnh Thi hầu như không tự mình làm chủ đầu tư dự án nào. Doanh nghiệp này chủ yếu liên danh với các doanh nghiệp “thân quen” như: Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh; Công ty TNHH Cường Thịnh Thi Nam Việt (Ninh Bình), Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc (Ninh Bình), Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thành Trung (Ninh Bình), Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Miền Trung (Thanh Hóa),… để tham gia dự án.

Tổng công ty 319

Tổng công ty 319 tiền thân là Sư đoàn 319/Quân khu 3, thành lập ngày 07/03/1979 theo Quyết định số 231/QĐ-QP của Bộ Quốc phòng. Nhiệm vụ được giao khi mới thành lập là lực lượng cơ động, huấn luyện quân dự nhiệm và chiến sỹ mới bổ sung cho các đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc và tăng cường cho các đơn vị trên địa bàn Quân khu 3.

Thực hiện Nghị quyết số 27, ngày 26/06/1980 của Bộ Chính trị về Quân đội thực hiện nhiệm vụ xây dựng kinh tế, ngày 27/09/1980, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 579/QĐ-QP chuyển nhiệm vụ của Sư đoàn 319 từ lực lượng cơ động, huấn luyện quân sự sang nhiệm vụ xây dựng kinh tế, đổi tên thành Công ty xây dựng 319 với các chức năng thi công xây lắp các công trình công nghiệp, dân dụng, sản xuất và cung cấp sản phẩm công nghiệp phục vụ Quốc phòng và dân dụng.

Hiện nay, Tổng công ty 319 có 12 phòng chức năng, 07 Công ty TNHH một thành viên, 06 Công ty cổ phần do Tổng công ty nắm cổ phần chi phối, 09 Xí nghiệp, Chi nhánh thành viên, 07 Ban Quản lý Dự án thực hiện chức năng đại diện Chủ đầu tư, 05 Ban điều hành xây lắp, 03 Công ty liên kết với 38 ngành nghề sản xuất, kinh doanh. Địa bàn hoạt động khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

Công ty TNHH Định An

Công ty TNHH Định An vốn khá kín tiếng, Công ty này được thành lập vào tháng 4/2010 hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng công trình. Công ty này có Địa chỉ: Tầng 2, số nhà 149, đường Nhạc Sơn, Phường Cốc Lếu, Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai. Đại diện pháp luật là ông Cao Đăng Hoạt sinh năm 1978.

Vào tháng 6/2016, công ty này bất ngờ tăng vốn từ 5,6 tỷ đồng lên mức 818 tỷ đồng, thành phần cổ đông lúc đấy được xác định gồm 3 cá nhân là Cao Đăng Hoạt ( nắm giữ 70% VĐL), Trần Thị Nguyệt Ánh (20%) và Phạm Văn Quý 10 % còn lại. Được biết, doanh nhân Cao Đăng Hoạt từng là thành viên HĐQT của Quốc Cường Gia Lai, tuy nhiên chỉ sau 3 tháng đảm nhiệm vai trò này tại QCG, ông Hoạt đã xin từ nhiệm.

Bên cạnh đó, ông Cao Đăng Hoạt còn là cổ đông lớn tại CTCP Đầu tư Thương mại và Du lịch Ruby (VĐL 150 tỷ đồng) và đặc biệt là Công ty cổ phần Tập đoàn Ruby với số vốn điều lệ gần 2.000 tỷ đồng.

Tập đoàn Ruby được thành lập vào tháng 9/2016 với vốn điều lệ đạt mức 1.987,8 tỷ đồng, thành phần cổ đông sáng lập gồm Công ty TNHH Định An (nắm giữ 41,15%), Công ty TNHH Nhạc Sơn (15%), Công ty TNHH Dũng Hân (0,091%) và ông Cao Xuân Hoạt (43,66%).

Ngoài ra, vị doanh nhân sinh năm 1978 này cũng nắm giữ 40% cổ phần tại CTCP Quốc tế Nam Hội An- chủ dự án Khu nghỉ dưỡng phức hợp quốc tế An Thịnh – PPC có quy mô 174,77 ha tại tỉnh Quảng Nam. Dự án dự kiến thực hiện trong 3 giai đoạn, từ quý IV/2017 đến quý IV/2021. Theo đó, quý I/2019, dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng các hạng mục khu du lịch vui chơi giải trí; khu phức hợp khách sạn văn phòng cao tầng và khớp nối hạ tầng kỹ thuật giao thông, công viên.

Tuy nhiên, đến nay CTCP Quốc tế Nam Hội An không tiếp tục triển khai dự án theo quyết định chủ trương đầu tư đã cấp. Vì vậy Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam đang thực hiện các trình tự và hồ sơ để chấm dứt hoạt động dự án này.

Liên danh Thăng Long – Đạt Phương – Tự Lập

Liên danh Tổng công ty Thăng Long – CTCP Đạt Phương – Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập đã thắng gói thầu XL-01 (đoạn Km134+000 – Km154+000, nút giao Vĩnh Hảo và tuyến nối quốc lộ 1) tại dự án cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết (4 gói thầu xây lắp) khi bỏ giá thầu hơn 1.687 tỉ đồng.

 

Đạt Phương

Về CTCP Đạt Phương (Mã: DPG), công ty được thành lập năm 2002 với các hoạt động kinh doanh gồm xây lắp, thuỷ điện và bất động sản với vốn điều lệ hiện là 450 tỉ đồng.

Trong lĩnh vực xây dựng cầu đường, Đạt Phương là một trong những nhà thầu hàng đầu thi công nhiều dự án đòi hỏi yêu cầu cao về kỹ thuật và công nghệ; ghi dấu ấn tại hàng loạt các công trình trọng điểm trên cả nước như: Cầu Niệm 2 và đường dẫn; Nút giao Nam Cầu Bính (Hải Phòng), tuyến đường ven biển Võ Chí Công (Quảng Nam), cầu Cửa Đại (Quảng Nam), cầu dẫn thuộc dự án cầu Thủ Thiêm 2 (TP.HCM), cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang),….

Về tình hình kinh doanh, doanh thu của Đạt Phương liên tục tăng trưởng giai đoạn năm 2017 – 2019. Năm 2019, công ty đạt 1.973 tỉ đồng doanh thu và 223 tỉ đồng lãi sau thuế.

Thăng Long

Tổng Công ty Thăng Long (Mã: TTL) có tuổi đời lâu nhất khi được thành lập năm 1973, chuyên về xây dựng cầu đường với vốn điều lệ hiện là 419 tỉ đồng.

Tổng công ty đã triển khai nhiều dự án lớn như: Cầu Kiền, cầu Sông Gianh, Cầu Phù Đổng, cầu Vĩnh Tuy, cầu Hoàng Long, cầu đường sắt, cầu Pá Uôn, đường cao tốc Sài Gòn – Trung Lương, đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, Đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên – Quốc lộ 3, các nút giao cầu vượt thép tại TP Hà Nội và TP HCM.

Trong cơ cấu cổ đông, CTCP Tasco (Mã: HUT) đang là cổ đông lớn nhất nắm 38,61% vốn, SCIC sở hữu 25% vốn bên cạnh Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội và Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội đều nắm 7,16% vốn tại đây.

Tự Lập

Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập vốn khá kín tiếng, thành lập năm 2001, chuyên về thầu xây dựng bên cạnh các mảng kinh doanh khác như bất động sản, tư vấn thiết kế, vật liệu xây dựng.

Công ty Xây dựng Tự Lập có vốn điều lệ 1.600 tỉ đồng. Số liệu về cơ cấu cổ đông của công ty không được công bố.

Công ty đã triển khai loạt dự án ở Phú Thọ như: Thi công xây dựng tuyến kênh tiêu số 2 vùng Đông Nam Việt Trì; khu đô thị và thương mại Việt Trì; cải tạo, gia cố và nâng cấp tuyến đê tả sông Thao kết hợp đường giao thông đoạn Km64-Km80 từ thị xã Phú Thọ đến cầu Phong Châu; cải tạo, gia cố và nâng cấp đường Âu Cơ (giai đoạn 1).

Liên Danh Vinaconex – Trung Chính

Đây là dự án thành phần cao tốc đi qua địa phận 2 tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai có chiều dài khoảng 99km. Trong giai đoạn 1 được xây dựng theo quy mô 4 làn xe với tổng mức đầu tư hơn 12.577 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng là hơn 7.200 tỉ đồng.

Theo quyết định phê duyệt của Bộ GTVT, nhà thầu trúng thầu là liên danh Tổng công CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (VINACONEX) – Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Trung Chính. Giá trị trúng thầu của gói thầu (đã bao gồm thuế VAT, chi phí dự phòng) là hơn 2.299 tỷ đồng. Gói thầu sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, thời gian thực hiện hợp đồng là 24 tháng.

Vinaconex:

Hoạt động đa doanh trong các lĩnh vực như xây lắp (gồm xây lắp các công trình dân dụng, công nghiệp, cơ sở hạ tầng, cấp thoát nước và môi trường, v.v.); xuất nhập khẩu máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ ngành xây dựng và các ngành kinh tế khác; đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất xây dựng và các ngành kinh tế khác.

 

Hiện nay, VINACONEX có trên 40 đơn vị đầu mối trực thuộc, tham gia vào 5 công ty liên doanh và 14 công ty liên kết hoạt động trong nhiều lĩnh vực trên khắp mọi miền của đất nước. Theo Báo cáo tài chính riêng đã được kiểm toán cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2019, vốn điều lệ của Vinaconex là 4.417 tỷ đồng.

VINACONEX đã từng tham gia thi công hàng loạt dự án giao thông trọng điểm quốc gia như: Cao tốc Láng – Hòa Lạc (nay là Đại lộ Thăng Long), cao tốc Nội Bài – Lào Cai, Cầu Giẽ – Ninh Bình, Hà Nội – Bắc Giang, Hà Nội – Hải Phòng, nhà ga quốc tế T2 Nội Bài, cầu Nhật Tân,…

Trung Chính

Được thành lập năm 2007 với vốn điều lệ khiêm tốn ở mức 20 tỷ đồng, gồm các thành viên sáng lập là Chủ tịch HĐTV kiêm TGĐ Trần Quang Việt nắm 35% vốn, bà Trần Thị Nguyệt Thu có 23,5%, hai nhà đầu tư còn lại là Lương Kim Đông (26,5%) và Phạm Ngọc (15%).

Quá trình phát triển nhanh chóng sau đó của Trung Chính ghi đậm dấu ấn của một doanh nhân người Nghệ An là ông Hồ Sỹ Hoà. Hiện nay, Trung Chính đã tăng vốn gấp 10 lần lên 200 tỷ đồng, trong đó ông Hoà chiếm 55% và giữ chức Chủ tịch HĐTV, ông Trần Quang Việt giảm xuống còn 30% và đảm nhiệm “ghế” Tổng giám đốc, trong khi một cá nhân họ Hồ khác là Hồ Văn Hương sở hữu 15% phần vốn còn lại.

 

Ông Hồ Sỹ Hoà – Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính

Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Trung Chính cũng là đơn vị đi đầu trên cả nước về lĩnh vực thi công hạ tầng giao thông, đặc biệt là các cầu lớn tại Việt Nam như: Cầu vòm Hoàng Văn Thụ, cầu Cửa Đại (Quảng Ngãi), cầu Bách Lẫm (Phú Yên), cầu Hưng Hà (Hưng Yên), cầu Cửa Hội (Nghệ An – Hà Tĩnh), cầu Bạch Đằng (Hải Phòng – Quảng Ninh),…

Nguồn vietnambusinessinsider.vn 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo