Cần sớm thu hồi mặt bằng để xây dựng nhà máy may ở Diễn Châu
Là một dự án thu hút đầu tư từ nước ngoài, nhưng hơn 1 năm sau khi được phê duyệt, chính quyền địa phương vẫn chưa thể thu hồi xong mặt bằng để doanh nghiệp tiến hành xây dựng.
Nhà máy sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại khu C (Khu công nghiệp Thọ Lộc, xã Diễn Thịnh, Diễn Châu), do Công ty TNHH Mareep (doanh nghiệp Hàn Quốc) làm chủ đầu tư. Đây là một trong những dự án thu hút đầu tư của tỉnh theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc chuẩn bị đón làn sóng chuyển dịch đầu tư mới từ nước ngoài.
Dự án này được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư từ tháng 5/2019. Đến tháng 8/2019, dự án được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng với tổng mức đầu tư hơn 138 tỷ đồng, diện tích quy hoạch là 7 ha tại khu đất sản xuất nông nghiệp của 65 hộ dân ở xóm 5 và xóm 9, xã Diễn Thịnh.
Nhà máy này khi hoàn thành dự kiến có khoảng 5.000 lao động. Trong đó, nhà đầu tư cam kết sẽ hỗ trợ đào tạo nghề và tiếp nhận các trường hợp thuộc diện bị thu hồi đất trong trong độ tuổi lao động được bố trí . Tuy nhiên, đã hơn 1 năm kể từ khi được phê duyệt, dự án này vẫn chỉ đang nằm trên giấy vì vướng mặt bằng.
Theo lãnh đạo huyện Diễn Châu, dự án xây dựng nhà máy may xuất khẩu thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 62 Luật Đất đai năm 2013 (dự án đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế). Sau khi có chủ trương đầu tư, quy hoạch chi tiết dự án được duyệt, Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng đã tổ chức triển khai chính sách bồi thường, hỗ trợ theo quy định hiện hành đến tận từng hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng. Đồng thời rốt ráo kiểm đếm hiện trạng, lập dự thảo hồ sơ bồi thường và công khai theo quy định.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai phương án bồi thường, hầu hết các hộ gia đình, cá nhân không đồng thuận. Họ đưa ra hàng loạt kiến nghị, trong đó, chủ yếu vẫn là yêu cầu về giá bồi thường cao hơn. Ngoài ra, các hộ dân còn yêu cầu chủ đầu tư phải thỏa thuận đền bù (nhận chuyển nhượng), mà không đồng ý việc thu hồi đất, hỗ trợ theo giá quy định của Nhà nước…
Sau hàng chục cuộc đối thoại, vận động trực tiếp, đến nay mới chỉ có 35 hộ đồng ý với phương án bồi thường giải phóng mặt bằng và ký hồ sơ, bàn giao đất. Còn lại 30 hộ dân chưa đồng ý.
Về các yêu cầu của người dân, theo ông Phan Xuân Vinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu, do dự án này thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai, nên để chủ đầu tư tiến hành thỏa thuận đền bù với chủ sử dụng đất là trái với quy định của Pháp Luật. Do đó, việc các hộ dân yêu cầu chủ đầu tư phải thỏa thuận đền bù, không thông qua Nhà nước là không có cơ sở xem xét.
Về kiến nghị cho rằng, giá đất bồi thường khi thu hồi đất quá thấp, đề nghị hỗ trợ thêm ngoài mức quy định, UBND huyện Diễn Châu đã có kiến nghị với các sở, ngành. Tuy nhiên, Sở Tài nguyên và Môi trường sau khi xem xét các quy định của Pháp Luật đã có văn bản phản hồi “không có cơ sở để thực hiện”. “Do vậy, chính sách bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất để thực hiện dự án theo đúng quy định hiện hành của UBND tỉnh. Giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường là 55.000 đồng/m2”, ông Vinh nói và cho hay, tổng số 65 hộ được đền bù gần 12 tỷ đồng.
Ngoài ra, các hộ dân còn có yêu cầu khác nữa là phải bồi thường phần diện tích đất trước đây người dân đã góp hoặc hiến lại cho xóm và xã làm đường giao thông, mương thủy lợi nội đồng khi thực hiện dồn điền, đổi thửa. Về yêu cầu này, theo lãnh đạo huyện Diễn Châu cũng không có cơ sở xem xét.
Theo đó, việc xác định diện tích, loại đất bồi thường cho chủ sử dụng đất căn cứ theo số liệu đo đạc thực tế, hiện trạng sử dụng và giấy tờ về quyền sử dụng đất. Đất giao thông, thủy lợi khi Nhà nước thu hồi thì không được bồi thường về đất. Chủ đầu tư khi thực hiện dự án có trách nhiệm hoàn trả lại đường giao thông, mương thủy lợi để đảm bảo không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân.
“Những yêu cầu này, chúng tôi đã giải thích rất cặn kẽ, rất nhiều lần với bà con rồi nhưng họ vẫn không đồng ý”, ông Hà Huy Đồng – Chủ tịch UBND xã Diễn Thịnh nói.
Đến nay, cơ quan chức năng đã tổ chức 13 cuộc họp dân để giải thích vận động, trong đó có 6 cuộc lãnh đạo địa phương phải đến tận từng nhà để tuyên truyền các hộ dân ký hồ sơ bồi thường. Ngoài ra, còn có hàng loạt cuộc đối thoại do lãnh đạo huyện, tỉnh chủ trì, để giải thích rõ ràng về quy định của Pháp Luật nhưng việc giải phóng mặt bằng vướng vẫn hoàn vướng. Việc này đã hưởng lớn đến môi trường đầu tư của tỉnh.
“Chúng tôi hết cách rồi. Nhiều tháng nay, hầu như tuần nào cán bộ xã cũng trực tiếp đi vận động, nhưng người dân vẫn nhất quyết không ký hồ sơ bàn giao đất. Bây giờ chỉ còn cách cưỡng chế thôi”, Chủ tịch UBND xã Diễn Thịnh nói.
Nhà máy sản xuất hàng may mặc xuất khẩu là một trong những dự án thu hút đầu tư của tỉnh theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc chuẩn bị đón làn sóng chuyển dịch đầu tư mới từ nước ngoài. Việc giải quyết vướng mắc và bàn giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án là nhiệm vụ quan trọng của tỉnh để giữ uy tín của địa phương với nhà đầu tư, đồng thời đảm bảo tính nghiêm minh trong việc thực hiện các quy định của Nhà nước về công tác bồi thường.
Tuy nhiên, vài chục hộ dân không đồng ý ký hồ sơ, để việc giải phóng mặt bằng “bị treo” suốt thời gian dài đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư của tỉnh. Đã đến lúc, cơ quan chức năng cần có động thái quyết liệt. Cần sớm tiến hành cưỡng chế theo đúng với quy định tại Điều 71 của Luật Đất đai để sớm bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư.
Nguồn en.xaluan.com