Nam Tân Uyên đầu tư hơn 3.200 tỷ đồng làm khu công nghiệp ở Bình Dương
Khu công nghiệp Nam Tân Uyên được UBND tỉnh Bình Dương cấp phép năm 2005, với tổng diện tích hơn 331 ha. Đến nay, Khu công nghiệp Nam Tân Uyên và Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 1 đã cơ bản được lấp đầy.
Theo nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên của Công ty cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (Mã: NTC) vừa được công bố, năm 2020, Công ty đặt kế hoạch tổng doanh thu hơn 390 tỷ đồng, tăng 2,17% so với thực hiện năm 2019. Kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2020 là 177 tỷ đồng, giảm 25% so với thực hiện năm trước. Với chỉ tiêu trên, NTC dự kiến chia cổ tức năm 2020 tối thiểu 80%, tương đương 128 tỷ đồng.
Trong năm 2020, Công ty có kế hoạch cho thuê 50 ha đất với giá cho thuê bình quân dự kiến từ 90 – 95 USD/m2 đối với đất công nghiệp và 160 – 170 USD/m2 đối với đất dịch vụ; Phí quản lý 0,6 USD/m2/năm.
Ngoài ra, Nam Tân Uyên cũng cho thuê 10.000 m2 nhà xưởng xây sẵn với giá cho thuê dự kiến 2,2 – 3 USD/m2/tháng…
Đại diện NTC cho biết, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và Công ty cao su Phước Hòa (PHR) đã có thoả thuận xác định chi phí bồi thường, hỗ trợ thiệt hại kinh tế là 2,5 tỷ đồng/ha. Mức bồi thương này làm phát sinh tăng tổng mức đầu tư dự án Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 2 (NTC 3) lên 1.485 tỷ đồng.
Do đó, Công ty có tờ trình về nội dung muốn thanh toán sớm khoản hỗ trợ thiệt hại kinh tế do thanh lý sớm vườn cây cao su của PHR giá trị 865 tỷ đồng, tương ứng diện tích 345,86 ha trong thời gian thực hiện điều chỉnh tổng mức đầu tư với các cấp có thẩm quyền để NTC sớm có thể thực hiện về các thủ tục đất đai và nhận bàn giao đất triển khai dự án.
Đối với dự án NTC3, tổng mức đầu tư hơn 1.485 tỷ đồng, nguồn thực hiện từ 20% vốn tự có, 40% vay ngân hàng và 40% vốn khác. Theo tính toán, dự án NTC3 sẽ hoạt động trong vòng 50 năm với tổng doanh thu 6.020 tỷ đồng và lợi nhuận ròng thu về 2.215 tỷ đồng.
Nhằm đảm bảo nguồn vốn triển khai dự án và chi trả tiền thuê đất cho Nhà nước, HĐQT Nam Tân Uyên trình Đại hội cổ đông vay vốn ngân hàng để thực hiện đầu tư, nộp tiền sử dụng đất với hạn mức tối đa 3.212 tỷ đồng. Trong đó, NTC sẽ vay đầu tư dự án 594 tỷ đồng và tiền thuê đất Nhà nước 2.618 tỷ đồng.
Đồng thời, Công ty thực hiện việc tăng vốn trong năm nay. Trước đó, do dự án NTC3 mới thực hiện các thủ tục thu hồi đất nên việc tăng vốn vẫn chưa diễn ra.
Tính đến ngày 31/3/2020, số tiền gửi ngân hàng của NTC là 1.494 tỷ đồng nhằm phục vụ đầu tư các hạng mục còn lại của KCN Nam Tân Uyên, Nam Tân Uyên 2, Nam Tân Uyên 3.
Cũng theo nghị quyết, Đại hội cổ đông thống nhất việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch, thành viên HĐQT đối với ông Trần Công Kha và phê chuẩn kết quả bầu ông Đỗ Hữu Phước, thành viên HĐQT giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty nhiệm kỳ 2016-2020.
Theo tìm hiểu, Công ty Nam Tân Uyên hiện đầu tư một số khu công nghiệp ngoài địa bàn Bình Dương đang phát triển tốt và cổ tức ổn định trên 20%. Trong đó, Khu công nghiệp Bình Long và Bắc Đồng Phú tại Bình Phước đang có kế hoạch mở rộng giai đoạn 2; Khu công nghiệp Dầu Giây ở Đồng Nai đang đợi quy hoạch sử dụng đất và cũng có kế hoạch mở rộng giai đoạn 2.
Nguồn: baodautu