Doanh nghiệp vật liệu xây dựng tính kế vượt cơn “sóng gió”
Trước khó khăn kép do thị trường bất động sản trầm lắng và dịch Covid-19, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đang tìm cách “vượt sóng”.
Vật liệu xây không nung vốn đã khó tìm chỗ đứng, nay càng thêm khó khăn hơn với bài toán đầu ra
Khó chồng khó
Trước bối cảnh tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn do thị trường bất động sản chững lại trong gần 2 năm vừa qua, nhất là năm 2019 rất ít dự án mới được triển khai, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trong nước đã hướng tới thị trường xuất khẩu để giải quyết bài toàn đầu ra.
Trong đó, các thị trường nước ngoài được nhiều doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trong nước nhắm tới là Malaysia, Trung Quốc, Ả Rập Xê út, Afghanistan…Tuy nhiên, khi sản phẩm chưa kịp tiếp cận đến tay người tiêu dùng, thì dịch Covid-19 đã đóng sập lại cơ hội mở rộng thị trường của các doanh nghiệp.
Có thể nói, khó khăn đang bủa vây các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng Việt Nam không chỉ ở đầu ra, mà cả đầu vào khi nhiều ngành như sơn, thép phụ thuộc vào nguyên vật liệu sản xuất từ nước ngoài. Tình hình dịch bệnh Covid-19 lây lan phức tạp cũng đã làm gián đoạn nguồn cung ứng này.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ từ Hiệp hội Xi măng Việt Nam, hiện nay, tiêu thụ xi măng nội địa giảm sút, chỉ bằng 60% so với cùng kỳ 2019 và bằng 48% so với cuối năm 2019. Xuất khẩu xi măng, clinker giảm mạnh, chỉ còn trên dưới 70% so với cùng kỳ 2019 và bằng 56% so với cuối năm 2019. Tổng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu chỉ bằng 51% so với cuối năm 2019.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cũng cho biết, trong tháng 1/2020, sắt thép các loại xuất khẩu giảm mạnh cả về lượng và trị giá. Cụ thể, lượng sắt thép xuất khẩu đạt hơn 483.000 tấn, trị giá hơn 266 triệu USD, giảm 26,7% về lượng và giảm 26% về trị giá so với tháng trước, giảm tương ứng 35,7% và 44% so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường xuất khẩu, Campuchia vẫn là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại sắt thép Việt với hơn 105.000 tấn, trị giá 57,68 triệu USD, giảm 34,4% về lượng và 39,4% về trị giá so với tháng đầu năm 2019.
Một thị trường tiêu thụ lớn của sắt thép Việt cũng giảm mạnh nữa là Malaysia với 54.285 tấn, trị giá 29,69 triệu USD, giảm 21% về lượng và trị giá so với tháng trước và giảm lần lượt 3,5% và 15,5% so với cùng kỳ năm 2019. Lượng sắt thép xuất khẩu sang Bỉ, Philippines, Mỹ… cũng giảm mạnh từ 70 – 90% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Bộ Xây dựng, tiêu thụ vật liệu xây dựng 2 tháng đầu năm nay chỉ đạt 70 – 75% so với cùng kỳ năm ngoái. Không chỉ tiêu thụ trong nước, mà các mặt hàng vật liệu xây dựng xuất khẩu cũng gặp khó khăn.
Hiện nay, nhiều ngành vật liệu xây dựng đã đáp ứng được 100% nhu cầu trong nước và trong bối cảnh thị trường hiện nay, các doanh nghiệp chuyển hướng phục vụ nhu cầu trong nước, thay vì xuất khẩu. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc rất lớn vào thị trường bất động sản.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Thái Duy Sâm, Tổng thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết: “Thị trường bất động sản 2 năm vừa qua có sự trầm lắng hơn. Vì vậy, đầu ra cho ngành vật liệu xây dựng, đặc biệt là các sản phẩm vật liệu chủ yếu phục vụ cho các công trình dân sinh, nhà ở… như gạch xây, gạch ốp lát, các loại tấm tường, vật liệu hoàn thiện, trang trí gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 đã tác động chung đến toàn cầu và ngành vật liệu xây dựng cũng không nằm ngoài vòng xoáy này. Đặc biệt, các nguyên liệu nhập khẩu cho ngành sơn, vật liệu ốp lát… chủ yếu từ Trung Quốc nên cũng bị ảnh hưởng nhiều”.
Về phía doanh nghiệp, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Trần Thanh Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Toàn Cầu cho biết, sản lượng của Công ty hiện nay giảm đi trông thấy. Nếu trước đây một ngày doanh nghiệp xuất đi 4 – 5 xe (mỗi xe khoảng 20 triệu viên), thì nay chỉ còn khoảng 2 xe/ngày. Hiện tại, Công ty đang phải bù lỗ hơn 100 triệu đồng/tháng.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Sáu, Công ty TNHH Kỹ thuật và Thương mại Trường Hải (chuyên sản xuất các loại vật liệu xây không nung) cho biết: “Thị trường vật liệu xây hiện nay rất khó khăn. Là thị trường ăn theo thị trường địa ốc, nên các doanh nghiệp luôn bị động. Với thị trường nội địa đã khó, việc xuất khẩu lại càng khó khăn vì dịch Covid-19”.
Tìm cách “vượt sóng”
Trước những cơn “sóng gió” của thị trường vật liệu xây dựng, Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, cũng như các công ty thành viên đã có những kiến nghị, đề xuất lên Chính phủ, các bộ, ngành nhằm tháo gỡ khõ khăn cho ngành.
Cụ thể, Hội đề nghị các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại miễn, giảm thuế, giảm lãi suất vay, hoãn, giãn nợ… để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
“Nhà nước nên có chính sách đẩy mạnh phát triển thị trường bất động sản, tháo gỡ vướng mắc pháp lý để các dự án mới được triển khai. Thị trường bất động sản phát triển, sẽ giải quyết được bài toán đầu ra cho thị trường vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng nên có những chủ trương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn nguyên vật liệu”, ông Sâm nói.
Với các doanh nghiệp, theo ông Sâm, doanh nghiệp nên đổi mới công nghệ hướng đến và tập trung sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng xanh, bền vững, thân thiện môi trường.
Cùng quan điểm này, ông Trần Thanh Minh cho biết, trước hết, từng doanh nghiệp phải bằng sự nỗ lực của mình doanh nghiệp, tập trung đầu tư vào máy móc và công nghệ nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, cần chủ động mở rộng thị trường, quan hệ sâu với các nhà thầu, chủ đầu tư. Tuy nhiên, theo ông Minh, Nhà nước vẫn là “người dẫn đường” thông qua việc xây dựng, ban hành các chính sách, chiến lược phù hợp cho ngành vật liệu xây dựng phát triển ổn định.
Nguồn: dautubds.baodautu.vn