TPHCM: Nhiều dự án địa ốc hồi sinh
Lãnh đạo TPHCM cùng các sở ngành từng bước giải quyết vướng mắc tại các dự án đầu tư nhà ở các doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Đặc biệt sau cuộc gặp mới đây giữa lãnh đạo TP với doanh nghiệp, một số dự án đã được khơi thông, tiếp tục triển khai.
Tái khởi động sau nhiều năm bất động
Theo lãnh đạo TP, thời gian qua việc rà soát về pháp lý các dự án là cần thiết, để các chủ đầu tư chấn chỉnh lại hoạt động và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, không để thất thoát nguồn thu. Tuy nhiên quá trình rà soát, thanh tra đã tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của chủ đầu tư, người mua nhà, nhà đầu tư thứ cấp và cả môi trường kinh doanh.
Do vậy TP đã phối hợp với các cơ quan trung ương sớm có kết luận đối với các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra, để các chủ đầu tư chấp hành, trước hết là thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung với nhà nước (nếu có) và được tiếp tục triển khai thực hiện.
Một số dự án được khơi thông như dự án 76 Tôn Thất Thuyết, quận 4. Đây là dự án có nguồn gốc đất công, được Thủ tướng Chính phủ giao cho Nhà máy Thủy tinh Khánh Hội theo Quyết định 607/TTg tháng 10-1994. Sau đó Tổng CTCP Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) liên doanh với đối tác Malaysia thành lập Công ty TNHH Malaya Việt Nam (MVG), để làm nhà máy sản xuất bao bì thủy tinh phục vụ sản xuất.
Sau quá trình sắp xếp, đến nay UBND TP chấp thuận cho Sabeco HP sử dụng hơn 16.000m2 từ tổng diện tích đất thu hồi nói trên để đầu tư dự án trung tâm dịch vụ thương mại căn hộ Charmington Iris. Dự án có quy mô 2 block cao 35 tầng, gồm 1.438 căn hộ, do Công ty TTC Land và CTCP Thương mại Địa ốc Việt (Vietcomreal) là đơn vị phát triển dự án.
Bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc CTCP Quốc Cường Gia Lai, cho biết trong năm 2019 doanh nghiệp bà có 12 dự án bị ngưng. Tại 3 cuộc gặp gỡ với lãnh đạo TP năm 2019 và năm 2020, đã có 6 dự án được gỡ khó, triển khai. Trong khi đó, bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Phuc Khang Corp, cho biết dự án tại đường Lũy Bán Bích của doanh nghiệp bị dừng triển khai từ năm 2017, nay đã được TP gỡ khó để hoàn thành thủ tục pháp lý và có thể triển khai lại trong năm nay…
Ông Bùi Xuân Huy, Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland, cho biết UBND TP và sở, ngành đang tháo gỡ các vướng mắc tại một số dự án của doanh nghiệp. Chẳng hạn, dự án Khu chung cư Cô Giang tại số 100 Cô Giang, phường Cô Giang, quận 1, đã được UBND TP giao đất, Sở Xây dựng cấp phép xây dựng. Dự án trung tâm thương mại, văn phòng, officetel và căn hộ tại số 151-155 Bến Vân Đồn, phường 6, quận 4, được UBND TP, Sở Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) duyệt giá tiền sử dụng đất…
Ngoài ra, dự án khu chung cư cao tầng tại số 67 Mai Chí Thọ, phường An Phú, quận 2 và 7 dự án tại khu vực quận Phú Nhuận cũng đang được Sở TN-MT và các sở, ngành xem xét định giá tiền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất cho người dân. Mới đây, UBND TP cũng đồng ý phương án 2 từ đề xuất của Sở Xây dựng để khơi thông dự án 628-630 Võ Văn Kiệt, quận 5.
Cụ thể, phương án này chấp thuận cho CTCP BĐS Sài Gòn Vi Na tiếp tục thực hiện dự án. UBND TP sẽ xác định giá trị quyền sử dụng đất theo giá thị trường trên cơ sở 2-3 chứng thư thẩm định giá của đơn vị độc lập, có tham khảo giá trị quyền sử dụng đất tại các mặt bằng đã được đấu giá trong khu vực lân cận dự án, đảm bảo thu đủ tiền sử dụng đất theo giá thị trường. Đây là dự án khu phức hợp trung tâm thương mại, khách sạn, văn phòng, căn hộ cao cấp tổng diện tích hơn 31.000m2, tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng bị trùm mền lâu nay vì liên quan đến đất công.
Cùng chính quyền tháo gỡ
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA), cho rằng trong bối cảnh thị trường hiện nay, những động thái giải quyết của lãnh đạo TP là tích cực. Tuy nhiên, còn nhiều vướng mắc liên quan đến thay đổi của pháp luật, trong đó nhóm vướng mắc lớn nhất hiện nay thuộc về lĩnh vực đất công, thuộc thẩm quyền xử lý của Trung ương.
Theo quy định, đất công phải được đấu giá, nhưng trước đây các cơ quan chức năng chỉ định giao, dẫn đến dự án bị dừng để xem xét lại pháp lý. Đơn cử, dự án 32ha tại phường Bình An, quận 2 của Tập đoàn Novaland mua lại quỹ đất của Công ty TNHH Phát triển quốc tế thế kỷ 21. Dự án đã có Quyết định chủ trương đầu tư số 3990/ QĐ-UBND và đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan, được Novaland giới thiệu ra thị trường năm 2018, với tên gọi Water Bay nằm trên trục đường Mai Chí Thọ, phường Bình Khánh, quận 2. Dự án có quy mô 12 block, cung ứng khoảng 5.000 căn hộ, 3.000 officetel và 250 shophouse.
“Việc dự án bị đình trệ đã ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh chung của tập đoàn, lợi ích nhà đầu tư, cũng như môi trường kinh doanh của TP. Novaland đã gửi đơn thư giải trình, kêu cứu đến Chính phủ để xem xét, hỗ trợ tháo gỡ cho doanh nghiệp được tiếp tục triển khai, nhằm ổn định kinh doanh” – ông Bùi Xuân Huy chia sẻ.
Không chờ nhà nước “giải cứu”, thời gian qua nhiều doanh nghiệp đã chủ động đề xuất tháo gỡ. Như mới đây Him Lam Land xin được nộp tiền sử dụng đất theo dạng tạm ứng để có thể phát triển dự án sớm, sau đó khi có bảng giá tiền sử dụng đất sẽ nộp đủ. Nếu việc tạm ứng này được thực hiện sẽ giúp nhiều doanh nghiệp BĐS có thể triển khai ngay được dự án.
Theo bà Lê Thị Bích Ngọc, Phó Tổng giám đốc Him Lam Land, đây là dự án thành phần Khu nhà ở Him Lam, phường Phước Bình, quận 9, do CTCP Địa ốc 10 làm chủ đầu tư chính. Dự án có diện tích 2,16ha với 34 nền nhà biệt thự, đã hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng từ năm 2003, đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực dự án từ năm 2010.
Tuy nhiên, do CTCP Địa ốc 10 chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng và xây dựng hệ thống hạ tầng, dự án đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thanh tra, điều tra, nên chưa được giao đất để công ty thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất và làm sổ đỏ cho khách hàng. “Him Lam Land đề nghị được thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính theo tỷ lệ phân bổ cho dự án, để Công ty Địa ốc 10 hoàn thành trách nhiệm xây dựng cơ sở hạ tầng trục chính theo quy hoạch được duyệt. Chúng tôi chủ động đề xuất tách riêng thực hiện nghĩa vụ tài chính, vừa giúp thu ngân sách cho Nhà nước, vừa giúp chủ đầu tư thứ cấp có cơ sở để ra chủ quyền cho khách hàng” – bà Bích Ngọc cho biết.
Nguồn: saigondautu.com.vn